Thứ sáu, 26/04/2024 23:00 (GMT+7)

UBND P. Hoàng Liệt và Q. Hoàng Mai có thiếu trách nhiệm với dân?

Thủy Lan -  Thứ ba, 30/03/2021 14:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù người dân nhà Nơ 4, KĐT Pháp Vân-Tứ Hiệp đã có đơn kiến nghị gửi phường Hoàng Liệt; quận Hoàng Mai và Phóng viên đã phản ánh, làm việc nhiều lần, thế nhưng chính quyền vẫn cố tình ngó lơ.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thông tin qua 2 bài viết:

https://www.moitruongvadothi.vn/do-thi/du-an-rose-town-79-ngoc-hoi-bi-to-gay-sut-lun-nha-dan-a80065.html

https://m.moitruongvadothi.vn/do-thi/rose-town-va-phuong-hoang-liet-co-coi-thuong-tinh-mang-nguoi-dan-a81180.html

Thế nhưng hơn 1 năm qua, UBND quận Hoàng Mai và UBND phường Hoàng Liệt vẫn không chỉ đạo giải quyết dứt điểm sự việc theo nội dung đơn thư kiến nghị của cư dân tòa nhà NƠ4- KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp và báo chí phản ánh mà để dân mỏi mòn chờ đợi, sống trong nỗi bất an và mất niềm tin vào chính quyền nơi đây.

Cụ thể, theo nội dung đơn kiến nghị của Ban quản trị KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai - Thành phố Hà Nội, gửi: Sở xây dựng Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hoàng Liệt, Môi trường và Đô thị Việt Nam và các cơ quan Thông tấn báo chí phản ánh:

Trong thời gian dài cư dân NƠ4 khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp nhiều lần gửi đơn đề nghị, kiến nghị tới các cơ quan đơn vị liên quan và UBND phường Hoàng Liệt giải quyết sự việc "Tòa nhà NƠ4 bị sụt lún nứt vỡ nhiều nơi kể từ khi công trình dự án Rose Town 79 Ngọc Hồi làm móng và xây các tầng hầm... Đến nay, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn, khiến các hộ dân rất lo ngại" nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Cư dân tòa nhà NƠ4- KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp gửi Đơn kiến nghị đến báo chí và các cấp chính quyền.

Qua nội dung đơn người dân khẳng định tòa nhà NƠ4 được đưa vào sử dụng từ năm 2004 đến 2016 chưa phải sửa chữa lần nào.

Tòa nhà NƠ4 bắt đầu bị sụt lún và nứt vỡ nhiều nơi kể từ khi công trình dự án Rose Town 79 Ngọc Hồi làm móng và xây dựng các tầng hầm, gây tình trạng nền gạch xung quanh tòa nhà sụt lún, cư dân tòa nhà đã phải tự đóng góp kinh phí để sửa chữa vì lý do, thời điểm mua nhà không có phí bảo trì theo luật nhà ở.

Xong đến năm 2018 tòa nhà NƠ4 lại tiếp tục bị sụt lún sâu hơn khiến nền gạch các tầng lại bong tróc, các đường ống nước thải bị vỡ, nền nhà tầng trệt võng lòng chảo, cư dân lại tự khắc phục và sửa chữa.

Năm 2019 - 2020 tình trạng sụt lún vẫn không dừng lại, mà tiếp tục sụt lún càng sâu hơn, nền gạch các tầng lại bong tróc, đường ống thoát nước thải bị vỡ, đặc biệt đường ống thoát phân giữa lòng nhà bị vỡ khiến nước thải chảy thành dòng tràn trên bề mặt sân chơi. Trước tình hình dịch bệnh Covit-19, để đảm bảo vệ sinh môi trường nên cư dân tòa NƠ4 lại một lần nữa đóng góp kinh phí để sửa chữa.

                          Nền nhà xe bị võng lòng chảo và hư hỏng, đứt gãy tại chung cư nhà Nơ 4

Đứng trước tình trạng bất an lo sợ ảnh hưởng tính mạng và môi trường sống, cư dân tòa nhà NƠ4 đã chủ động làm việc nhiều lần với Lãnh đạo Ban quản lý dự án Rose Town, Ban quản lý xây dựng số 2- HUD. Nội dung đơn kiến nghị nêu rõ: "Ngày 17/01/2020 chúng tôi đã báo cáo Chi bộ, tổ dân phố (38 cũ) và có đơn đề nghị (lần 1& lần 2) gửi các cấp có thẩm quyền và có trách nhiệm: UBND phường Hoàng Liệt, Giám đốc Ban 2 của Tổng HUD, ông trưởng ban quản lý dự án và ông trưởng ban quản lý dự án công trình RoseTown để được giải quyết".

Ngày 20/10/2020, phường Hoàng Liệt đã tổ chức cuộc họp có ghi biên bản ghi nhận sự việc và có công văn số 1053 ngày 18/12/2020 về việc: "giải quyết vụ việc liên quan đến đơn kiến nghị Ban quản trị tòa nhà NƠ4 khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp - phường Hoàng Liệt".

Nhưng đến nay cư dân vẫn không nhận được bất cứ phương án giải quyết nào từ chủ đầu tư dự án Rose Town, cũng như phản hồi của UBND phường Hoàng Liệt và quận Hoàng Mai về việc giải quyết đơn thư kiến nghị của người dân.

Để làm rõ thông tin và cung cấp những kiến nghị của người dân tới chính quyền địa phương, để sự việc sớm được giải quyết, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thực tế và triển khai bài viết về: “Dự án ROSE TOWN 79 Ngọc Hồi bị “tố” gây sụt lún nhà dân”.

Sau đó, phóng viên đã 4 lần đặt lịch làm việc với UBND phường Hoàng Liệt và UBND quận Hoàng Mai để nắm thông tin về việc chỉ đạo, xử lý và trách nhiệm giải quyết đơn kiến nghị của người dân tòa nhà NƠ4. Nhưng kết quả không được như mong đợi.

Hơn nữa, đơn kiến nghị của người dân tòa nhà NO4  gửi đích danh Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai từ ngày 16/1/2021. Đơn hàng được bưu cục xác nhận chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã ký nhận ngày 17/01/2021, lúc 15 giờ 46 phút 03 giây. Nhưng không hiểu sao trong buổi làm việc với phóng viên chiều ngày 2/2/2021, ông Nguyễn Vũ Diêm, chuyên viên phòng Quản lý đô thị của UBND quận Hoàng Mai đại diện trả lời: Bây giờ Phường và dân chưa có văn bản lên Quận. Nếu Phường có báo cáo lên thì sẽ kiếm tra, xử lý theo quy định.

Đơn kiến nghị của người dân tòa nhà Nơ4 được Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội ký nhận qua đường bưu điện.

Để giải đáp thắc mắc của người dân và gỡ nút thắt về sự “lệch” thông tin này, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử lại tiếp tục gửi Giấy giới thiệu làm việc lần 2 đến 02 đơn vị với mong muốn tiếp cận được các văn bản, các chỉ đạo trong giải quyết vướng mắc cho người dân với chủ đầu tư dự án ROSE TOWN 79 Ngọc Hồi.

Vậy nhưng tại buổi làm việc ngày 15/3/2021 với UBND phường Hoàng Liệt và ngày 16/3/2021 với UBND quận Hoàng Mai, thì mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở con số 0, với trách nhiệm được đá sang các bên.

Ông Nguyễn Hữu Việt, cán bộ Đội Thanh tra xây dựng Phường Hoàng Liệt cho biết: “liên quan đến chỗ nhà NƠ4 đấy thì trước tết Phường có thông báo yêu cầu chủ đầu tư phối hợp thực hiện cái việc đấy rồi. Tuy nhiên là vì đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chưa có động thái phối hợp với ủy ban nhân dân Phường. Thế thì UBND Phường cũng có cái báo cáo gửi Quận báo cáo việc này. Trong đó có nêu một số cái khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đề xuất UBND Quận chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trên quận hướng dẫn UBND Phường giải quyết việc này. Thứ 2 là chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với UBND Phường phối hợp để giải quyết vụ việc”.

Tuy nhiên khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Diêm, chuyên viên phòng Quản lý Đô thị - người được UBND quận Hoàng Mai phân công làm việc với báo chí lại khẳng định: “Bên anh chưa nhận được báo cáo của phường cũng như chưa nhận được đơn của công dân nên chưa có các văn bản chỉ đạo... còn khi mà anh nhận được kiến nghị của người dân và báo cáo của UBND Phường, căn cứ vào các chức năng nhiệm vụ sẽ tham mưu UBND Quận trả lời các quyết định”.

Nhưng ở một trao đổi sau đó thì ông Nguyễn Vũ Diêm lại cho biết: “Anh đã phối hợp với UBND Phường xuống kiểm tra và đã có những cái trao đổi với UBND Phường để giải quyết. Hiện nay vẫn trong cái vấn đề giải quyết của UBND Phường”.

Phóng viên tiếp tục quan tâm và đặt câu hỏi về việc phối hợp kiểm tra giữa cán bộ Quận Hoàng Mai và UBND Phường Hoàng Liệt có được ghi nhận bằng văn bản hay không?, thì được ông Nguyễn Vũ Diêm trả lời là “không, anh chỉ trao đổi miệng”.

Nếu đúng như câu trả lời phía sau của ông Diêm thì UBND quận Hoàng Mai đã hoàn toàn nắm được vấn đề của sự việc. Nhưng không hiểu vì sao UBND Quận Hoàng Mai lại không hề chỉ đạo Phường Hoàng Liệt để giải quyết sự việc, mang lại niềm tin cho người dân?. Phải chăng đơn thư của người dân gửi cho chủ tịnh Quận và Phường đang nằm im bất động nơi đâu hay sự việc không đáng để các “Quan” quan tâm?.

Ông Nguyễn Vũ Diêm (bên phải), chuyên viên phòng Quản lý Đô thị - người được UBND quận Hoàng Mai phân công làm việc với phóng viên.

Để rõ hơn về cách làm việc của đại diện UBND quận Hoàng Mai và UBND phường Hoàng Liệt qua 4 buổi làm việc, nhiều lần phóng viên đã chủ động gọi điện nhắn tin xin ý kiến trực tiếp ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai và ông Nguyễn Xuân Chinh - Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt để được xin cung cấp các văn bản chỉ đạo, xử lý đơn kiến của cư dân tòa nhà NƠ4 nhưng các "Quan" không hề có động thái hồi âm.

Cách làm việc khó hiểu của UBND Quận Hoàng Mai và Phường Hoàng Liệt làm người dân mất niềm tin và thiếu trách nhiệm trong việc quản lý giải quyết phản ánh kiến nghị của cấp cơ sở, hay đang có sự bao che, tạo điều kiện cho Liên danh Công ty sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Xuân Mai (chủ đầu tư Dự án ROSE TOWN 79 Ngọc Hồi) – đơn vị đã từng bị xử phạt khi thực hiện xây dựng dự án mà chưa được cấp giấy phép, bỏ mặc người dân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi tính mạng và môi trường sống bị đe doạ?

Kính đề nghị các ông chủ tịch UBND quận Hoàng Mai; Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt quan tâm làm rõ trách nhiệm quản lý, giải quyết đơn thư của chính quyền địa phương. Cùng với đó, UBND Thành phố Hà Nội; Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội; Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cần vào cuộc để chỉ đạo giải quyết sự việc và tránh tình  trạng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác phục vụ nhân dân ở các cấp cơ sở.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Việc xử lý bồi thường thiệt hại với trường hợp thi công công trình gây sụt lún công trình lân cận được quy định cụ thể tại Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định về áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại quy định tại điểm c khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP:

1.Việc bồi thường thiệt hại do Chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

2.Trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình và có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê và trả chi phí thuê nhà ở cho bên bị thiệt hại. Nhà được thuê phải đảm bảo các yếu tố về khoảng cách đi lại, diện tích, hạ tầng xã hội để bên bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Nếu bên bị thiệt hại tự tìm chỗ ở (tương đương nơi ở bị ảnh hưởng) thì chủ đầu tư có trách nhiệm trả cho bên bị thiệt hại số tiền tương ứng với số tiền thuê nhà và chi phí di chuyển tài sản.

3.Sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, Chủ đầu tư và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được về việc bồi thường thiệt hại và một bên có đơn yêu cầu gửi Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết thì được thực hiện theo trình tự như sau:

a) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thỏa thuận lần đầu;

b) Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc không tổ chức được thỏa thuận lần đầu do một trong các bên vắng mặt, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai;

c) Tại buổi thỏa thuận lần hai mà một trong các bên vắng mặt không có lý do chính đáng thì Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thuê tổ chức tư vấn, có tư cách pháp nhân để xác định mức bồi thường thiệt hại. Chi phí thuê do Chủ đầu tư chi trả. Sau khi xác định mức bồi thường thiệt hại, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu Chủ đầu tư chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng do UBND cấp xã làm chủ tài khoản. Chủ đầu tư chỉ được tiếp tục thi công xây dựng sau khi đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng;

d) Tại buổi thỏa thuận lần hai mà hai bên không thống nhất được mức bồi thường thiệt hại thì hai bên thống nhất thuê một tổ chức tư vấn, có tư cách pháp nhân để xác định mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp hai bên không thống nhất về tổ chức tư vấn được thuê hoặc mức bồi thường thiệt hại do tổ chức tư vấn được thuê xác định thì Chủ tịch UBND cấp xã thuê một tổ chức tư vấn xác định mức bồi thường thiệt hại. Chi phí thuê do Chủ đầu tư chi trả. Căn cứ kết quả xác định mức bồi thường thiệt hại, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu Chủ đầu tư chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng do UBND cấp xã làm chủ tài khoản. Chủ đầu tư chỉ được tiếp tục thi công xây dựng sau khi đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng;

đ) Trường hợp một bên không thống nhất với mức bồi thường thiệt hại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.…

Bạn đang đọc bài viết UBND P. Hoàng Liệt và Q. Hoàng Mai có thiếu trách nhiệm với dân?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới