Thứ sáu, 26/04/2024 18:56 (GMT+7)

KĐT Cầu Bươu phá vỡ quy hoạch: Phải làm rõ trách nhiệm sai phạm?

Hương Thơm -  Thứ ba, 28/05/2019 07:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đối với 2 công trình phá vỡ quy hoạch chung của KĐT Cầu Bươu, UBND xã Tân Triều đã đình chỉ, dừng thi công, nhưng tới nay sai phạm vẫn chưa được khắc phục.

Liên quan đến việc Khu đô thị (KĐT) Cầu Bươu có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải bài viết “Những điều khác biệt tại KĐT mới Cầu Bươu”. Bài viết phản ánh KĐT mới Cầu Bươu xuất hiện những công trình cao vượt trội so với những căn biệt thự khác.

Được biết, Khu đô thị (KĐT) Cầu Bươu là dự án do Công ty Cổ phần Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án KĐT mới Cầu Bươu được chia ra làm hai hạng mục, khu Biệt thự 2,5 và 3 tầng và các khu chung cư cao tầng từ 9 đến 15 tầng.

Hai công trình phá vỡ quy hoạch chung của KĐT Cầu Bươu đã bị kiểm tra lập biên bản.

Theo quy hoạch ban đầu, các căn biệt thự xây dựng đồng bộ 2,5 – 3 tầng. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, trong KĐT này tồn tại công trình biệt thự 4 tầng, khác biệt hẳn những căn biệt thự khác cả về diện tích lô đất và chiều cao, phá vỡ quy hoạch chung của KĐT...

Để tìm hiểu rõ hơn sự thiếu đồng bộ về mặt cấu trúc của KĐT mới Cầu Bươu gây nên cảnh tượng nham nhở, nhếch nhác tại KĐT này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Quyền - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều.

Ông Quyền cho biết, đối với vấn đề vi phạm xây dựng tại KĐT Cầu Bươu, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã có công văn gửi cho Sở Xây dựng, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo UBND huyện Thanh Trì báo cáo về vụ việc này. UBND xã Tân Triều đã tham mưu, hoàn thiện báo cáo để xử lý đối vụ việc.

Về vấn đề xử phạt, sau Tết Nguyên đán, 2 hộ gia đình là chủ nhân của hai công trình kể trên tiến hành cải tạo xây dựng, khi xây đến phần chóp phía trên thì xã phát hiện sai phạm, kiểm tra lập biên bản.

“Còn việc xử phạt nằm ngoài tầm cấp xã, UBND xã Tân Triều đã đề xuất lên huyện và ban hành quyết định xử phạt người vi phạm số tiền 22.500.000 đồng. Trong quyết định xử phạt, UBND huyện yêu cầu xử phạt, khắc phục phần vi phạm là chóp ở trên của công trình. UBND xã đã đình chỉ, dừng thi công công trình và hai hộ gia đình này cũng đã nộp phạt”, ông Quyền chia sẻ.

Ngày 30/4, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành quyết định cưỡng chế đối với công trình vi phạm, UBND huyện Thanh Trì đã giao UBND xã Trân Triều trình kế hoạch xử lý.

Lý giải về việc các công trình sai phạm mặc dù đã được tạm dừng thi công kể từ khi ban hành quyết định cưỡng chế đến nay, nhưng cũng chưa khắc phục sai phạm, ông Quyền cho biết: "Sau khi UBND huyện duyệt kế hoạch cưỡng chế mới có thể lên phương án tháo dỡ, và đặc biệt là phải có đơn vị thẩm định phương án tháo dỡ đó, bởi nếu tháo dỡ không có phương án cụ thể sẽ gây ảnh hưởng tới kết cấu chung. Và hiện nay UBND xã đang thực hiện công tác đó".

"Chúng tôi chắc chắn sẽ giải quyết, Thành Ủy cũng đã đôn đốc vấn đề này, tuy nhiên phải đảm bảo đúng quy trình", ông Quyền nhấn mạnh. 

Điều chỉnh quy hoạch đô thị: Có dấu hiệu lợi ích nhóm

Sáng nay (27/5), Quốc hội Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước có 11.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần, quy hoạch điều chỉnh luôn luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng và lợi ích của người sử dụng, như tăng số tầng, diện tích sàn, chia nhỏ diện tích, căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm tiện tích cây xanh.

Theo VOV, về vấn đề này, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho rằng, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, hiển hiện kiểu tư duy nhiệm kỳ, áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, chạy theo vì nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu. Đồng thời các khu tái định cư cho dân lại có cả chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích chất lượng công trình là thấp nhất, gây hệ lụy, tổn thất về kinh tế, gây bức xúc cho người dân, thậm chí không thể khắc phục được trước tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, trước mắt là thành phố lớn và sẽ là tất cả các thành phố trong tương lai.

Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, quy hoạch sử dụng đất hiện nay mới chỉ làm được việc chuẩn bị diện tích đất theo nhu cầu sử dụng của các ngành, địa phương, chưa có nội dung phân vùng không gian sử dụng đất. Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có nhiều khoảng trống pháp lý. Quá trình tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn nhiều hạn chế. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, phá vỡ quy hoạch ban đầu.

"Đúng là trong quá trình triển khai quy hoạch vẫn cần điều chỉnh, nhưng nhiều quy hoạch điều chỉnh có dấu hiệu tư lợi hoặc theo tư duy chủ quan, hoặc theo đề xuất của chủ đầu tư. Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tuy có điều chỉnh nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư nhưng việc điều chỉnh trong nhiều trường chưa tương xứng dẫn đến thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước, gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội", đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ.

Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có một hệ thống thiết chế, đánh giá độc lập để theo dõi quá trình triển khai quy hoạch nói chung, điều chỉnh quy hoạch nói riêng. Đại biểu đề nghị Quy hoạch sử dụng đất được lập phải là kịch bản sử dụng đất cho tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, phản ánh được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và môi trường.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết KĐT Cầu Bươu phá vỡ quy hoạch: Phải làm rõ trách nhiệm sai phạm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới