Thứ bảy, 27/04/2024 00:34 (GMT+7)

Đồng Nai: Doanh nghiệp và Ngân hàng tìm kiếm tiếng nói chung

Nguyễn Lộc- Thiên Sách -  Thứ sáu, 29/10/2021 14:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cuối tháng10/2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ các ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn.

Đây được xem là động thái tích cực của chính quyền Đồng Nai trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư và cũng là bước khởi đầu của hệ thống ngân hàng trong chương trình tìm kiếm tiếng nói chung với khách hàng doanh nghiệp.

tm-img-alt

Hội nghị đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp Đồng Nai ngày 27/10/2021

Ngân hàng đã hành động…

Hội nghị có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai cùng đại diện 35 ngân hàng thương mại và nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trực với sự điều hành trực tiếp của UBND tỉnh và các sở, ban ngành trong tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, 10 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế địa phương tăng trưởng chậm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh chỉ tăng 0,9%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3%. Tình hình kinh doanh sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước đạt 14,2 nghìn tỷ đồng bằng 53% so với cùng kỳ, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2304 doanh nghiệp, nhưng cũng có 246 doanh nghiệp giải thể và 685 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Dịch bệnh đã tác động và ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, ngành du lịch….

tm-img-alt

Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng trong thời gian qua cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất vay nhằm hỗ trợ khách hàng, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do tác động của dịch bệnh bằng cách 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất. Ngoài ra, 31 chi nhánh tín dụng thuộc nhóm 16 ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cam kết đồng tình giảm lãi suất cho vay. Tính đến cuối tháng 9/2021, có hơn 10.800 khách hàng được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với dư nợ hơn 5.600 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 9.500 khách hàng với dư nợ (gốc, lãi) hơn 2.900 tỷ đồng, miễn, giảm lãi suất cho trên 1.300 khách hàng với dư nợ khoảng 2.700 tỷ đồng.

Cùng nỗ lực tìm tiếng nói chung

Về phía các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, cơ bản đồng tình với phương án phòng chống dịch COVID-19 do chính quyền triển khai và cho rằng chính quyền Đồng Nai đã kịp thời hỗ trợ, giải quyết các thủ tục trong quá trình doanh nghiệp triển khai phương án "3 tại chỗ" (công nhân làm việc, ăn ở tại công ty). Tuy nhiên, quá trình thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải bỏ thêm nhiều chi phí lo ăn ở, phụ cấp cho người lao động, xét nghiệm COVID-19, số công nhân lưu trú không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề sống còn là tiền vốn, đại diện nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mong muốn các ngành ngân hàng cần có thêm chương trình hỗ trợ kịp thời về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cân đối, giãn thời hạn đáo hạn nợ, thủ tục nhanh gọn…Ngân hàng cũng cần xem xét, thẩm định về thủ tục, điều kiện cho vay, tiêu chí để chứng minh thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 một cách phù hợp và đảm bảo các quy định, để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế.

tm-img-alt

Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB trao tặng gạo cho tỉnh hỗ trợ người dân khó khăn

Tại buổi đối thoại, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã trả lời tất cả những câu hỏi, thắc mắc của các hiệp hội, doanh nghiệp FDI. Đồng thời khẳng định chính quyền Đồng Nai rất chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Ông Dũng khẳng định: Phương châm nhất quán của Đồng Nai là "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, sớm tháo gỡ vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Hiện nay, dịch COVID-19 trên địa bàn Đồng Nai vẫn đang diễn biến rất phức tạp nên việc nới lỏng các biện pháp, quy định phòng, chống dịch sẽ được tỉnh thực hiện theo lộ trình. Hiện nay, việc thông thương hàng hóa trên địa bàn Đồng Nai được thực hiện theo "luồng xanh", không có chuyện cản trở. Về đi lại giữa các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng đã thống nhất thành lập Tổ giải quyết liên vùng, sắp tới Tổ này sẽ đưa ra những quy định cụ thể áp dụng cho cả vùng Đông Nam bộ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của địa phương, thành công của các doanh nghiệp là thành công của tỉnh, những gì tỉnh đã làm được sẽ làm tốt hơn nữa, những kiến nghị mà không giải quyết ở địa phương tỉnh sẽ kiến nghị lên cấp Trung ương để tiếp tục tháo gỡ.

Để thể hiện sự đồng lòng này, tại hội nghị, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trao tặng tỉnh 2,5 triệu bộ kít xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 với trị giá hơn 114,3 tỷ đồng, Tập đoàn Phương Trang (FUTA Group) trao tặng tỉnh các loại thiết bị, vật y tế gồm, 3 máy thở xâm lấn ICU, 13 máy trợ thở HFNC, 740 máy tạo oxy lưu lượng cao, 600 máy đo nồng độ oxy SpO2 và 100 ngàn găng tay y tế cùng 200 tấn rau củ quả. Đại diện Tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trao tặng tỉnh 10 tỷ đồng và 1 ngàn tấn gạo tổng trị giá 15 tỷ đồng hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Doanh nghiệp và Ngân hàng tìm kiếm tiếng nói chung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới