Thứ năm, 12/12/2024 05:59 (GMT+7)

Hà Tĩnh: Đền thờ Phạm Hoành tấp nập người dâng hương, cầu bình an đầu năm

Quang Sáng -  Thứ ba, 20/02/2024 11:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong những ngày đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024, rất đông người dân, du khách thập phương đã ghé về đền thờ Điện Quận công Phạm Hoành tại xã Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để dâng hương, cầu bình an.

Đền thờ Điện Quận công Phạm Hoành là công trình tâm linh tọa lạc trên diện tích rộng 5.640m2. Đây là công trình kiến trúc cổ kính nằm giữa khu dân cư đông đúc, trù phú với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bên cạnh Quốc lộ 1A. Đền được xây dựng với lối kiến trúc tiêu biểu thời Lê – Nguyễn.

Đền thờ có tên chữ là “Tiên Thánh Linh Từ”, nghĩa là Đền thờ đức Thánh Tiên, hay còn được người dân quen gọi với cái tên Đền Chào, đây là một di tích Lịch sử - Văn hóa ghi nhận công lao của Điện Quận công Phạm Hoành, một vị tướng thời Hậu Lê có công lớn trong công cuộc phò Lê diệt Mạc.

tm-img-alt
Đền thờ Điện Quận công Phạm Hoành nhìn từ trên cao

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép rằng: “Đền Điện Quận công ở thôn Sơn Triều huyện Kỳ Anh. Thần họ Phạm, húy là Hoành, là cháu Thọ Quận công người xã Phú Ngãi, làm quan triều Lê, lãnh trấn Nghệ An, có công đánh giặc, được phong tước Điện Quận công, sau khi chết hiển linh ở đây, người thôn lập đền thờ. Tương truyền thần thường hiển linh, cưỡi hổ lên núi”. Đền được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào tháng 7 năm 2004.

Theo ghi nhận của PV, từ ngày 15 đến ngày 19 (tức ngày mùng 6 đến ngày mùng 10 tháng Giêng), lượng du khách đổ về Đền thờ Điện Quận công Phạm Hoành để dâng hương, cầu bình an rất đông.

tm-img-alt
Rất đông người dân địa phương và du khách thập phương tề tựu về dâng hương trong trong những ngày đầu xuân năm mới 2024.

Cụ thể, những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, người dân khắp nơi đã tề tựu về đây để dâng hương, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình và những người thân trong năm. Đặc biệt, vào ngày lễ Giỗ của Điện Quận công Phạm Hoành (mùng 6 tháng Giêng), chính quyền và người dân địa phương đã bày biện lễ vật, làm lễ long trọng để tưởng nhớ công ơn của vị tướng quân cũng như cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.

Một trong số rất đông người dân đi dâng hương tại đền, chị Phạm Thị Phương Mai cho biết, là người dân sinh sống tại địa phương nên mỗi năm đến ngày đầu xuân năm mới, chị đều cùng gia đình đến Đền thờ để dâng hương.

“Cứ mỗi năm, vào ngày giỗ Thánh, gia đình chúng tôi lại lên dâng hương, để cầu chúc may mắn, bình an cho gia đình trong cả năm. Đền thờ rất thiêng nên không chỉ người dân địa phương mà có rất nhiều người ở nơi khác cũng đến đây dâng hương, cầu nguyện trong những ngày đầu năm”, chị Mai nói.

tm-img-alt
Là người dân sinh sống tại địa phương nên mỗi năm đến ngày đầu xuân năm mới, chị Mai đều cùng gia đình đến Đền thờ để dâng hương, cầu bình an.

Lặn lội quảng đường xa từ Cẩm Xuyên vào làm lễ dâng hương, cầu bình an, ông Lê Văn Bình cho hay, đầu năm dù công việc có bận thế nào đi nữa thì ông và gia đình đều sắp xếp công việc, dành nguyên 1 ngày để đi dâng hương ở các đền, chùa. Mỗi năm, ông đều cùng gia đình vào đền Phạm Hoành để đâng hương, cầu bình an, sức khỏe và cầu cho công việc một năm thuận lợi.

tm-img-alt
Đền được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào tháng 7 năm 2004.

Theo sử sách ghi chép lại, Điện Quận công Phạm Hoành sinh trưởng trong dòng họ Phạm – Một dòng họ có nguồn gốc từ Thanh Hóa, có nhiều người học hành và đỗ đạt làm quan phục vụ dưới các triều đại, đó là: Tĩnh Quốc công Phạm Đốc, Thọ Quận công Phạm Sấm, Hoa quận công Phạm Trinh, Khuê quận công Phạm Định.

Phạm Hoành là con trai cả của Khuê quận công Phạm Định, cháu 4 đời của Thọ quận công Phạm Sấm. Vốn xuất thân từ dòng võ tộc, nối đời làm quan nên từ nhỏ ông đã tỏ ra là một người thông minh, ham luyện cung tên, võ nghệ.

Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước loạn li, với tài sử dụng binh khí, võ nghệ điêu luyện, ông đã trở thành một vị tướng lĩnh trung thành, giúp triều đình Lê – Trịnh dẹp yên ngụy Mạc ở phía bắc, trấn giữ nơi biên viễn xứ Nghệ để kháng cự với tập đoàn chúa Nguyễn ở phương nam.

tm-img-alt
Hằng năm, cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng, Âm lịch, chính quyền và người dân địa phương lại bày biện lễ vật, tiến hành nghi lễ cúng bái, dâng hương trong ngày Lễ giỗ của Điện Quận công Phạm Hoành.

Sau khi mất, vua Lê đã phong sắc cho ông là Điện quận công Hổ oai Đại tướng quân Thần võ Linh tiên Hiển ứng Đại vương, cho lập đền thờ tại làng Sơn Triều (tức làng Tân Thọ - xã Kỳ Thọ ngày nay). Hàng năm đến ngày giỗ, các hàng quan văn võ đều về đền dâng hương cúng tế. Các triều đại tiếp theo lần lượt đều ban tặng sắc phong và tôn vinh ngài với danh hiệu cao quý nhất là “Thượng đẳng thần”.

Trải qua hai cuộc chiến tranh và thiên nhiên khắc nghiệt tàn phá, Đền thờ đã bị hư hỏng nặng, chỉ còn lại phần nền đền và cổng tam quan. Phải sửa chữa nhiều lần nên năm 1994 Đền thờ được xây dựng lại và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Đền thờ Điện Quận công Phạm Hoành vừa có ý nghĩa giúp con cháu đời sau xác định được nguồn gốc, quê quán, sự nghiệp đánh giặc của tướng Phạm Hoành thông qua các hiện vật chứa đựng trong di tích. Vừa có giá trị về mặt truyền thống yêu nước của ông cha ta từ trước đến nay, từ đó giáo dục thế hệ trẻ sống, học tập, cống hiến cho xứng đáng công lao của thế hệ cha ông đi trước đã dựng xây và bảo vệ đất nước.

Bạn đang đọc bài viết Hà Tĩnh: Đền thờ Phạm Hoành tấp nập người dâng hương, cầu bình an đầu năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Thèm...
Cùng nhau ngắm một bông hoa////Giữa ồn ào phố, ly cà phê nâu....

Tin mới