Thứ tư, 01/05/2024 07:56 (GMT+7)

Khánh Hòa: Phê duyệt quy hoạch đất Cam Lâm đến năm 2030

Hạ Vân -  Thứ hai, 21/02/2022 15:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đến năm 2030, đất thương mại dịch vụ của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tăng gần 1.200 ha, trong khi đó đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm giảm mạnh.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất huyện Cam Lâm đến năm 2030.

Cụ thể, huyện Cam Lâm có tổng diện tích đất tự nhiên gần 55.000 ha. Trong đó, đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm giảm mạnh lần lượt giảm hơn 1.200 ha và 1.561 ha. Còn đất phi nông nghiệp tăng mạnh từ 6.254 ha lên 11.141 ha (tăng 4.887ha) chiếm 20,35% diện tích huyện Cam Lâm.

Đến năm 2030, đất thương mại dịch vụ ở huyện Cam Lâm tăng mạnh từ 623 ha lên 1.815 ha (tăng 1.192 ha); đất ở nông thôn tăng gần 600 ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng hơn 400 ha; đất phát triển hạ tầng cũng tăng gần 1.400 ha trong đó đất giao thông tăng hơn 1.155 ha.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng cho chủ trương lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần của TP Cam Ranh.

Mục tiêu lập quy hoạch trên nhằm phát triển khu vực này thành đô thị theo mô hình đô thị sân bay kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái có quy mô dân số tương đương đô thị loại I.

Việc lập quy hoạch trên để làm cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho tỉnh ; đồng thời đề xuất bổ sung vào quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt thời gian tới.

do thi san bay Cam Lam anh 1
Huyện Cam Lâm được quy hoạch là đô thị thương mại dịch vụ hiện đại. Ảnh: Xuân Hoát.

Huyện Cam Lâm định hướng quy hoạch thị trấn Cam Đức, khu vực Bãi Dài và khu vực phía đông đầm Thủy Triều trở thành đô thị du lịch.

Theo đó, đô thị Cam Đức là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện; trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp phía nam tỉnh Khánh Hòa. Phấn đấu đến năm 2030, thị trấn Cam Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Tỉnh Khánh Hòa định hướng huyện Cam Lâm tương lai sẽ phát triển thương mại dịch vụ hiện đại tại khu vực bắc bán đảo Cam Ranh để phục vụ giao dịch, mua sắm và phát triển du lịch; xây dựng chợ đầu mối Cam Hải Tây thành trung tâm mua bán, trao đổi và phát triển luồng hàng; triển khai xây dựng 3 trung tâm thương mại cụm xã là Cam Tân - Cam Hòa, Cam An Nam, Cam Hải Tây.

Tháng 1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Theo Nghị quyết trên, tỉnh Khánh Hòa sẽ điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương.

Theo đó, TP Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hoá truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cam Lâm là huyện ven biển thuộc tỉnh Khánh Hòa khu vực Nam Trung Bộ. Cam Lâm được biết đến như một vùng đất mang nhiều tiềm năng về du lịch, bất động sản… Tên gọi “Cam Lâm” có từ những năm 1951 (Nha kiêm ký Bang tá Cam Lâm, trực thuộc Tòa Tỉnh trưởng Khánh Hòa), sau đổi thành huyện Cam Lâm.

Huyện Cam Lâm nằm ở phía Nam Tỉnh Khánh Hòa, giáp Nam thành phố Nha Trang, huyện được thành lập theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP ngày 11/04/2007 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh diện tích tự nhiên và nhân khẩu của thị xã Cam Ranh (nay là thành phố Cam Ranh) và huyện Diên Khánh, bao gồm thị trấn Cam Đức và 30 xã.

Huyện Cam Lâm nằm ven biển và nằm giữa thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh, là 2 đô thị lớn của tỉnh. Huyện nằm cận kề với cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, có đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy qua gần với tuyến đường hải nội địa và quốc tế như Cảng Cam Ranh, Nha Trang và tương lai là cảng Vân Phong.

Cam Lâm được thiên nhiên ưu đã cả về núi, rừng, sông, suối, hồ và đặc biệt là bờ biển dài 13km chạy dọc bán đảo Cam Ranh, nước trong xanh với bãi cắt trắng, thoải… Vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ với nhiều điểm đến, phong cảnh nên thơ, thú vị thu hút du khách trong và ngoài nước./.

Bạn đang đọc bài viết Khánh Hòa: Phê duyệt quy hoạch đất Cam Lâm đến năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.