Thứ bảy, 04/05/2024 09:16 (GMT+7)

Khó khăn trong phát triển điện mặt trời áp mái tại khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ sáu, 12/04/2024 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với cơ chế và những khoảng trống pháp lý như hiện nay, doanh nghiệp muốn làm điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp đang gặp khó nhiều bề.

Chiều 11/4, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp”.

Theo thông tin tại Diễn đàn, Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định, phê duyệt ban hành ngày 15/5/2023, định hướng rõ chủ trương phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Quy hoạch điện VIII còn đề cập đến nguồn điện mặt trời mái nhà, trong đó, cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng sạch, tái tạo và không gây ra khí thải nhà kính hay ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà góp phần giảm thiểu lượng than và dầu khí cần thiết để phát điện truyền thống, từ đó giảm được lượng carbon dioxide và các khí nhà kính khác thải ra không khí. Đây là một hành động thiết thực để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng của Việt Nam theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng độc lập, không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia hay các nguồn nhập khẩu. Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp tăng tính chủ động, giảm rủi ro và phụ thuộc vào các nguồn điện truyền thống.

Về tương lai lâu dài, điện mặt trời mái nhà còn nâng cao vị thế cạnh tranh. Theo đó, điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế. Các nước nhập khẩu ngày càng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh quy trình xanh hóa trong sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

Đặc biệt, việc thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, cũng như đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) áp dụng trong thời gian tới sẽ tác động rất lớn đến một số ngành sản xuất, xuất khẩu ở trong nước. 

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), nếu việc phát triển điện năng lượng tái tạo giúp các khu công nghiệp tiết kiệm được 1% chi phí tiêu thụ điện so với mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, cho quốc gia, bảo đảm nguồn cung điện ổn định cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chia sẻ kết quả khảo sát các khu công nghiệp ở Hải Phòng và Hưng Yên tại Diễn đàn Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp - Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp diễn ra vào chiều 11/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết, hiện còn rất nhiều dư địa để phát triển điện mặt trời mái nhà trên các mái nhà xưởng. Với tổng diện tích 4.548 ha tại 14 khu công nghiệp ở Hải Phòng, trong đó diện tích xây dựng tối đa các công trình nhà xưởng (mật độ xây dựng tối đa 60%) 2.728,8 ha, tương đương với việc lắp đặt tối đa được khoảng 8.319.512 tấm pin điện mặt trời trên mái, các nhà xưởng sẽ cung cấp được 3.411 MWp.

Theo ông Việt, nhiều doanh nghiệp được hỏi đều cho biết muốn dùng điện năng lượng tái tạo nhằm đạt được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu.

Mặt khác, hiện các khu công nghiệp, khu kinh tế đang tiêu thụ khoảng 15% tổng sản lượng điện của cả nước và có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại, khả năng cung ứng điện của EVN chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất liên tục tại các khu công nghiệp. Tính riêng trong tháng 5 - 7/2023, các khu công nghiệp tại Hải Phòng ít nhất bị cắt điện 1 lần (2 tiếng) và bị đề nghị tiết giảm, có kế hoạch yêu cầu khách hàng dừng sử dụng vào ngày được thông báo.

Theo số liệu báo cáo của Khu công nghiệp DEEP C, hiện Nhà đầu tư DEEP C đang liên doanh với TEPCO (Nhật Bản) kinh doanh mua bán điện trong Khu công nghiệp DEEP C với 3 dự án điện mặt trời trên mái nhà có tổng công suất 3 MW. Phần điện năng lượng tái tạo được tạo ra bao nhiêu thì phần điện mua từ EVN theo giá bán buôn sẽ giảm đi bấy nhiêu. Năm 2023, các dự án năng lượng tái tạo tạo ra được 5.800 MWh điện, từ đó DEEP C giảm được khoảng 10 tỷ đồng tiền điện mua từ EVN, tương ứng với tỷ lệ 1%. Tính riêng điện mặt trời mái nhà đạt công suất 3,38 MWh, tỷ lệ tiết kiệm được là 6,3 tỷ đồng. Không những thế, theo ông Việt, nhiều nhà sản xuất cho rằng, nếu mua điện trực tiếp từ các nhà đầu tư điện mặt trời hoặc tự đầu tư thì sẽ giảm được 15% so với mua trực tiếp giá bán lẻ của EVN.

“Việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm chi phí năng lượng và tăng cường năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Việc chuyển đổi này là phù hợp với xu hướng toàn cầu cũng như cam kết của Chính phủ tại COP 26 về thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, cũng như Đạo luật Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), cũng như đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn xuất khẩu của các nhãn hàng”, ông Việt nói.

Tuy nhiên, thực tế, theo nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và khu công nghiệp cho biết, việc lắp đặt, vận hành điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, rào cản về thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, PCCC… khiến không ít người chùn chân.

Bà Trần Tố Loan, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - nhà đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP. Hải Phòng cho biết, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ chủ yếu tập trung các doanh nghiệp logistics, chế xuất. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến ưu đãi thuế, tiền thuê đất… thì một vài năm trở lại đây, họ quan tâm đến vấn đề đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ cho sản xuất hay không? Nhiều doanh nghiệp có sẵn nhà xưởng, nhà kho, nhưng không được phép lắp đặt hay cho khu công nghiệp hay doanh nghiệp khác thuê để phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Cơ chế tự sản tự tiêu, không được phép mua bán đang rất bất cập, gây ra sự lãng phí lớn, bởi doanh nghiệp có kho hàng, nhà xưởng thì nhu cầu sử dụng điện ít, còn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng tiêu thụ điện rất lớn, song không có đủ diện tích để phát triển điện mặt trời trên mái nhà.

Tương tự, ông Nguyễn Vũ Chiên - Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, Tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp. Nhiều nhà máy trong khu công nghiệp có nhu cầu muốn làm điện mặt trời áp mái, nhưng gặp nhiều khó khăn. Các công ty điện lực tạm dừng đấu nối vào điện lưới quốc gia. Chi phí đầu tư điện mặt trời rất lớn, lên tới 13 tỷ đồng/kWh, trong khi thời gian chiếu sáng ở miền Bắc không nhiều, không dự báo được chính xác thời gian hoàn vốn, bởi chưa có hướng dẫn rõ ràng, nhất quán về tiêu chuẩn, thủ tục cũng như quy trình thực hiện. Trước áp lực xuất khẩu xanh, một số nhà máy vẫn phải chấp nhận lỗ để đầu tư.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và khu công nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này, nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, sớm hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan như: thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, PCCC nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong trong sản xuất.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt, nhiều ý kiến đề xuất các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống điện mặt trời mái nhà gồm (tấm pin, inverter, ắc quy, bộ chống phát ngược zero export...); tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn phát đúng quy trình, giúp thuận lợi trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành hoạt động ổn định. Đồng thời, các tỉnh thành cũng cần kiểm soát chặt chẽ về sản lượng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở địa phương./.

Trâm Anh

Bạn đang đọc bài viết Khó khăn trong phát triển điện mặt trời áp mái tại khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Nhớ các Anh
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc:///“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”////Lớp lớp thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi////Hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu  
Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.