Thứ sáu, 26/04/2024 23:42 (GMT+7)

Thực trạng và giải pháp: Biến chất thải thành tài nguyên

MTĐT -  Thứ hai, 31/08/2020 10:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Rác sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh trên địa bàn 12 quận và TX Sơn Tây khoảng 3500 tấn/ngày

Hiện trạng

Chúng ta thường nói rác là tài nguyên để sai chỗ. Nếu chúng ta biết sử dụng hợp lý biết phân rác tại nguồn, thì một phần rác hữu cơ có thể chế biến thành phân hữu cơ, các thành phần khác có thể dùng cho tái chế, phần lớn của rác có thể dùng để đốt và phát điện.

Hiện nay công nghệ chúng ta thường dùng là công nghệ chôn lấp. Công nghệ này có ưu điểm là thuận lợi, không phức tạp nhưng làm được không phải đơn giản vì muốn đảm bảo an toàn môi trường. Công nghệ chôn lấp phải có lớp lót, các lớp chôn phải được phủ vôi bột hoặc lớp đất. Nước rác phải được thu gom tập trung để xử lý trước khi thải ra môi trường. Khí gas do rác phân hủy tạo ra cũng phải được thu gom tập trung để đốt phát điện hay dùng cho nhiều vấn đề khác để giải quyết năng lượng.

Nhưng trên thực tế, các bãi rác gọi là “chôn hợp vệ sinh” của chúng ta không đạt được yêu cầu kỹ thuật nên người dân nơi nào cũng e ngại tiếp nhận bãi rác về địa phương mình. Vì họ cho rằng rác đến đâu thì ruồi muỗi, mùi hôi thối và bụi bặm theo đến đó.

95% lượng rác thải sinh hoạt tại Hà Nội vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Ảnh: TL

“Túi rác” lớn thứ 2 của Hà Nội - khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (TX Sơn Tây và huyện Ba Vì) ngoài Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây và Xuân Sơn đang vận hành thì nhà máy xử lý rác 500 tấn/ngày do Công ty Indovinpower làm chủ đầu tư đang ở trạng thái “chưa góp vốn, chưa ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án; chưa thực hiện bổ sung quy hoạch điện lực; đã tạm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai khảo sát, tính toán và lập hồ sơ thiết kế”. 

Rác sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh trên địa bàn 12 quận và TX Sơn Tây khoảng 3500 tấn/ngày và địa bàn 17 huyện ngoại thành Hà Nội khoảng 3000 tấn/ngày, cơ bản được vận chuyển để xử lý. Tuy nhiên, rác thải của Hà Nội hiện nay được chôn lấp đến 89%, hầu như chưa hề có các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao và đây chinh là nguồn cơn củu nỗi nhức đầu vì rác. Trong 6.500 tấn rác Hà Nội thải ra mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn “hứng” tới 4.500 - 4.700 tấn, nên chỉ cần bãi rác này ‘hắt xì” là cả Hà Nội “sổ mũi”.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng thừa nhận, việc chỉ đốt được 10% rác của địa bàn thành phố là quá ít, khiến vấn đề rác thải của Hà Nội luôn bức xúc. Đáng kể hơn là cả 2 bãi rác chủ lực là Nam Sơn và Xuân Sơn đều đã hoạt động nhiều năm, sắp hết khả năng tiếp nhận rác. Vị này cũng thừa nhận, thành phố Hà Nội cần giải pháp căn cơ về xử lý rác thải sinh hoạt trong thời gian tới.

Lâu dài, Hà Nội cần có chiến lược xử lý rác thải sinh hoạt rõ ràng, bền vững. Phải khẩn trương có công nghệ mới thân thiện với môi trường như đốt rác kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện, giảm tỷ lệ chôn lấp.

Quan điểm là phải coi rác thải là tài nguyên. Hậu quả của chôn lấp rác là lãng phí tài nguyên, gây tốn kém quỹ đất. Nước rỉ rác không xử lý tốt sẽ gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặn, nước ngầm”. Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội cũng đưa ra dự báo đến năm 2020, nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi.

Mặt khác, việc sử dụng vật dụng bằng nhựa có nhiều công dụng và giá trị, nhưng chúng ta đang trở nên quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Mỗi phút chúng ta mua 1 triệu chai nhựa. Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nilon. 50% vật dụng nhựa chúng ta sử dụng là loại dùng một lần.

Gần một phần ba túi nilon chúng ta sử dụng không được thu gom và xử lý do đó làm ô nhiễm môi trường tự nhiên. Hàng năm có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ san hô, đe dọa hệ dộng vật đại dương. Chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng trái đất mỗi năm, và nó có thể tồn tại 1000 năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn.

Chất nhựa đã hiện hữu trong nguồn nước sinh hoạt của chúng ta. Điều đó hủy hoại đến sức khỏe. Các nhà khoa học chưa chắc chắn nhưng chất thải nhựa chứa một số hóa chất có thể gây độc và rối loạn hóc môn. Chất thải nhựa cũng là cục nam châm hút các chất độc khác như là dioxin, kim loại và thuốc trừ sâu.

Ở môi trường tự nhiên một túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội.

Trực tiếp quan sát công việc của những người công nhân phân loại rác mới thấy hết những khó khăn, mệt nhọc và mức độ độc hại của công nhân làm việc trong phân xưởng Xí nghiệp xử lý rác thải Bình Dương (BIWASE)

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất bốn lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Thống kê của Tổ chức Việt Nam sạch và xanh cho thấy, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Ngày nay, không khó để tìm thấy những sản phẩm làm từ nhựa trong các vật dụng hàng ngày. Túi nilon, vỏ chai nước, ống hút, tăm bông… đều là sản phẩm chỉ sử dụng một lần, song lượng nhựa đó khi thải ra môi trường gần như không tự phân hủy. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh, Giám đốc Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA Vietnam), không chỉ là quốc gia thứ 5 về phát thải rác thải nhựa, mà Việt Nam còn được biết đến là nước có số lượng rác thải nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Sự tích tụ của các mảnh rác vụn trong môi trường là vấn đề do con người tạo ra, vì vậy đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy sản. Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe đời sống con người.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh hiện chịu nhiều áp lực từ các vấn đề liên quan đến chất thải rắn đô thị, với lượng phát sinh trung bình 8.000 - 8.500 tấn/ngày. Trong đó, thành phần nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác thực phẩm). Tỷ lệ rác thải nhựa phát thải nhiều nhất là ở siêu thị, trung tâm thương mại; kế đến là khu vực văn phòng và các hộ gia đình. Ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 - 300.000 tấn chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với sự phát triển dân số và kinh tế, lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng. Một phần chất thải nhựa được chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt, một phần khác được tái chế nhưng chủ yếu với công nghệ thô sơ, do đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế không cao. Nếu dân số thành phố Hồ Chí Minh giữ tốc độ tăng bình quân 3,5%/năm (tự nhiên và cơ học), ước tính đến năm 2020, lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm. Lượng chất thải này sẽ là gánh nặng đối với công tác quản lý môi trường của thành phố.

Thế nhưng, khi sử dụng vật dụng đựng thực phẩm nói trên, tác hại dễ thấy là gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Về lâu dài, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần sẽ gây ra hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe con người. Theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng trong ăn uống nói chung và đồ nhựa dùng một lần nói riêng thuộc diện phải kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chất lượng mặt hàng này vẫn là điều chưa được quan tâm đúng mức. Khảo sát tại phố Hàng Chiếu, phố Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân…, mặt hàng đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với giá rất rẻ. Cụ thể, hộp xốp đựng cơm có giá 25.000 - 30.000đ/100 chiếc; thìa, cốc, đĩa nhựa có giá 20.000đ - 30.000đ/100 chiếc; ống hút có giá từ 2.000 đến 3.000đ/túi 50 chiếc. Điều đáng nói là trên bao bì sản phẩm không có thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng an toàn…

PGS,TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cảnh báo: Hiện nay, tại một số làng nghề thủ công truyền thống vẫn còn tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu để tinh chế nhựa, sau đó nấu thành hạt nhựa để bán cho người sản xuất. Công nghệ lạc hậu không thể giúp loại bỏ được tạp chất độc hại có trong loại nhựa này và khi sử dụng, chúng có thể phát sinh chất độc. Đặc biệt, nếu đựng thực phẩm nóng ở nhiệt độ 100oC, hàm lượng monostyren (một loại chất độc) trong nhựa sẽ được giải phóng, ngấm vào thức ăn, gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

“Ô nhiễm trắng” do túi nilon gây ra cho môi trường “ô nhiễm trắng” là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm túi do túi nilon gây ra cho môi trường, ô nhiễm trắng xảy ra khi con người xử lý túi nilon đã qua sử dụng không đúng cách, với hàng loạt hệ lụy khôn lường. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật, ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật làm các loại này kém phát triển, đồng thời là nguyên nhân của sự xói mòi đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Mặt khác, nếu đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù đã ứng dụng nhiều công nghệ trong xử lý chất thải rắn, nhưng hiện nay về cơ bản Hà Nội vẫn phải xử lý chất thải bằng hình thức chôn lấp. Theo thống kê của Sở Xây dựng, mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 6.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt và khoảng 95% trong số đó được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Biện pháp này đơn giản nhưng tốn kém tài nguyên đất, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm.

Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Hữu Tiến cho biết, khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (Sóc Sơn) dù đã được đầu tư nhà máy xử lý nước rác, được đánh giá đạt Quy chuẩn QCVN 5945-2005 song cũng không thể giải quyết triệt để tác động tới môi trường. TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) nhận xét, tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải, nhằm hướng tới giảm khối lượng chôn lấp.

Giải pháp biến chất thải thành tài nguyên

Tại hội thảo “Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án phát điện nối lưới từ chất thải rắn tại Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng rác thải là nguồn tài nguyên đang bị lãng phí mà Việt Nam chưa tận dụng hết cho sản xuất năng lượng… Đồng quan điểm, ông Trương Việt Anh, công ty Fecom nêu: Trong khi mỗi ngày Hà Nội có lượng lớn rác được chở đi chôn lấp thì nhiều nhà đầu tư lại không thể tìm được nguồn rác ổn định để phát triển các dự án năng lượng.

Rác thải đều được thu gom, tái chế và xử lý triệt để bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Hà Nội cũng tập trung triển khai đồng bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2018, tiếp tục lựa chọn công nghệ chôn lấp và xử lý rác thải hợp vệ sinh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt phát điện. Giai đoạn 2018 - 2020, lựa chọn tái chế, thu hồi rác thải là công nghệ chủ đạo, đốt một phần, hoặc đốt có thu hồi năng lượng; kết hợp với chôn lấp tại chỗ (khu vực ngoại thành) hoặc trung chuyển đến các bãi chôn lấp tập trung của thành phố, hướng tới mô hình xử lý rác thải 3R (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế) hoàn chỉnh cho Hà Nội.

Trước nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn. Thành phố Hà Nội đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ vào tái chế chất thải, biến chất thải thành vật liệu có ích.

Hiện có nhiều doanh nghiệp tư nhân đồng hành cùng thành phố, áp dụng các mô hình xử lý chất thải rắn hiệu quả, hạn chế tác động đến môi trường. Ông Nguyễn Phúc Thành - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long (ENSERCO) cho biết, công ty vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế cho “Quy trình công nghệ, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu huỷ có thu hồi nhiệt”.

Theo ông Nguyễn Phúc Thành, quy trình công nghệ này giúp giảm chi phí xử lý rác khi sử dụng ít nhiên liệu phụ trợ hơn, nhờ biện pháp loại bỏ các thành phần rác không cháy; ủ và sấy để giảm độ ẩm của rác trước khi đốt. Đặc biệt quy trình đốt rác sẽ tận dụng nhiệt năng từ khí thải lò đốt để sấy rác và sấy nóng không khí cung cấp cho lò đốt. Trong quá trình phân loại và sấy rác, các kỹ sư sử dụng thiết bị thu gom khi đưa vào lò đốt, để giảm phát thải mùi hôi ra môi trường. Quan trọng hơn là toàn bộ khâu từ thu gom, vận chuyển và xử lý được tập trung về một đầu mối. Hiện tại, Nhà máy xử lý chất thải tại Sơn Tây của ENSERCO đang phát huy hiệu quả, với công suất xử lý 700 tấn rác/ngày.

Không chỉ có ENSERCO, Công ty cổ phần Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội cũng đang triển khai dự án đầu tư ứng dụng công nghệ nghiền phế thải xây dựng thành vật liệu xây dựng. Theo ông Đặng Tiến Thành - Giám đốc Công ty, ước tính mỗi ngày, khối lượng phế thải xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố lên tới 3.000 tấn, chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp hoặc dùng san lấp khu vực trũng, gây tốn kém, chiếm dụng đất, ô nhiễm môi trường. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Công ty đã phối hợp với đối tác Cộng hoà Liên bang Đức, nhập dây chuyền nghiền phế thải xây dựng theo công nghệ mới, lần đầu tiên ứng dụng tại Hà Nội. Phế thải xây dựng sau khi xử lý có thể tái sử dụng làm vật liệu cho công trình hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Văn Quý - Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, sau khi thành phố ban hành thông báo về 10 tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác thải trên địa bàn, đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký, đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực tài chính, kinh nghiệm trong xử lý rác thải, có hồ sơ thiết kề công nghệ đốt, phát điện tiên tiến, hiệu quả, đã nghiên cứu kỹ về tính chất rác thải tại Hà Nội…

Để hạn chế các tổn thất to lớn do ô nhiễm môi trường đề nghị thành phố Hà Nội thực hiện đầy đủ chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Cụ thể:

Hà Nội cần phải ngăn chặn về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo phát triển bền vững đất nước, bảo đảm cho mọi người dân sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực do nhà nước quy định. Toàn dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn theo công nghệ hợp lý, nghiêm cấm đổ trộm rác thải.

Tro sau khi đốt được sử dụng theo các nhu cầu khác nhau như trộn với vữa xi măng để làm gạch block, gạch bê tông các loại, trong đó sử dụng từ tro dốt khoảng 30% cho các loại gạch mang nhãn hiệu Con Voi do BIWASE sản xuất. và đạt tiêu chuẩn TCVN 6476:1999.

Hà Nội cần một giải pháp tổng thể trên các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cộng đồng. Với giao thông, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nâng cao chất lượng đường sá, giảm ùn tắc, nâng cao chất lượng nhiên liệu. Với sản xuất, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý rác thải, khí thải, khuyến khích dùng công nghệ thân thiện. Ngoài ra, nên tăng cường diện tích cây xanh của thành phố.

Hà Nội cần phải hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo cân bằng sinh thái, chủ động đáp ứng nhu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế, hạn chế tác động xấu từ quá trình toàn cầu.

Chung tay chống rác thải nhựa

Sáng 22 – 8, cùng với nhiều người dân trong phường, ông Hoàng Văn Sáng, Tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) mang hai túi rác thải là vỏ lon bia, chai nhựa được gia đình giữ lại trong tuần, đến điểm thu số 8 Phan Huy Chú cùng Phường để đổi lấy quà tặng. “Trước đây, rác thải tái chế thường được gia đình tôi vứt cùng rác thải sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, nhận thấy được ý nghĩ của việc phân loại rác tại nguồn đem lại, gia đình tôi đã để riêng”, ông Sáng cho biết.

Hoạt động thu đổi rác thải tái chế lấy quà tặng này nằm trong chương trình “Quản lý, phân loại rác, phòng chống rác thải nhựa và túi ni long trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tầm nhìn đến nhìn 2025”, do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với URENCO triển khai. Theo ông Vũ Xuân Đán, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, trước mắt chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn (thành 2 nhóm rác tái chế và rác còn lại) tại 3 phường Phan Chu Trinh, Cửa Đông, Lý Thái Tổ từ tháng 8 – 2020. Sau đó quận sẽ sơ kết và nhân rộng đến các phường còn lại trước ngày 15 – 12 – 2020.

Phó Trưởng phòng Kinh doanh và Truyền thông (URENCO) Nguyễn Thị Thùy Ninh cho biết, sau 2 buối thu đổi rác tái chế (vào sáng thứ bảy hàng tuần, từ 15 – 8 – 2020), công ty đã thu được 1.306kg rác tái chế. Trong đó 236kg là rác thải nhựa (chiếm 18%); 936kg là bìa, giấy (chiếm 71,6%)… “Lượng rác này sẽ được URENCO sơ chế và chuyển đến các đơn vị xử lý riêng biệt. Trong đó, nhựa chuyên về URENCO 10 để chế biến thành các hạt nhựa làm nguyên liệu đầu vàu cho sản xuất. Các loại giấy và nhựa không tái chế được sẽ được chuyển về URENCO 11 để sản xuất viên đốt RPF làm nguyên liệu cho các lò đốt công nghiệp. Việc chiển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm là bước đệm để thực hiện phân loại rác, tối ưu hóa lợi ích từ rác giai đoạn sau”, bà Ninh cho hay.

Trước nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, từ năm 2019, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp đã có những hoạt động đã có những hoạt động giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần. Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Thị Hưởng cho biết, đến nay 100% các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn thành phố đã chuyển từ sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần sang thủy tinh. Nhiều doanh nghiệp cũng có những hành động góp sức ngăn chặn rác thải nhựa. Tiêu biểu như khách sạn Fortuna (quận Ba Đình) đã cắt giảm được hơn 238.000 chai nhựa/năm, 36.648kg túi nhựa/năm. Tập doàn Unilever Việt Nam cắt giảm khoảng 100 tấn nhựa thông/năm qua việc giảm thành phần nhựa sản xuất bao bì, tiến tới không dùng nhựa trong sản xuất…

Đem lại giá trị mới cho rác thải

Thực tế, mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 6.000 – 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Do đơn vị thu gom không có đủ điều kiện để phân loại rác tái chế, nhất là rác thải nhựa, túi ni long nên hầu hết được đưa đến các khu xử lý chôn lấp.

Việc phân loại tại nguồn thời gian qua còn hạn chế nên việc sử dụng nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất cũng thiếu bài bản. Đến nay chưa có đơn vị, tổ chức nào thống kê được số lượng rác thải nhựa cũng như rác tái chế khác là bao nhiêu, sử dụng như thế nào. Mặt khác, theo tiến sĩ Hoàng Lê Anh, giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), phế thải nhựa nếu muốn thành nguyên liệu sản xuất cũng phải được phân loại, chế biến để phù hợp với từng mô hình sản xuất. Hiện nguyên liệu tái chế vẫn lẫn tạp chất do không được phân loại tại nguồn.

Thực tế, nhiều nước phát triển đã áp dụng công nghệ tiên tiến, biến rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng thành nguồn nguyên liệu giá trị để sản xuất nhiên liệu, vật liệu làm đường… Tất nhiên quá trình này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đầu tư và chính sách, giải pháp đồng bộ ngay từ khâu phân loại rác tại nguồn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg (ngày 20 – 8 -2020) về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng, thực hiện chỉ thị này, Bộ đang hoàn thiện chế tài quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện việc phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý. Đi đôi với đó là đề xuất lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần…

Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định thông tin, thành phố cũng đang triển khai khảo sát tại các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa khó phân hủy; tuyên truyền các cửa hàng, siêu thị, trường học hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất chuyển đổi sản phẩm khó phân hủy theo lộ trình cụ thể.

Tóm lại để giảm thiểu ô nhiễm nôi trường phải áp dụng triệt để 3R (giảm thiểu tái sử dụng tái chế. Biến rác thải thành điện năng).

Đối với chất thải nhựa ngoài việc biến nhựa thành nguyên liệu cần phải có biện pháp thay thế nhựa (đã có bài riêng).

Cơ sở pháp lý

Để loại bỏ nguy cơ “ô nhiễm trắng”, bảo đảm phát triển bền vững ba trụ cột: Kinh tế - Xã hội – Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lỳ và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, Thủ tướng chỉ thị: Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thực hiện tốt việc giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa)…

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần có nhận thức đúng và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các quy chuẩn, quy định về kỹ tuật cho sản phẩm hàng hóa nhựa tái chế, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh, kiểm tra cũng như xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc những hành vi nhập lậu rác thải, xả rác thải nhựa ra môi trường.

Cùng với đó, các địa phương cần có các chính sách, giải pháp khuyến khích việc phân loại rác thải tại nguồn; thúc đẩy việc thu gom, tái chế rác thải nhựa. Đồng thời tạo hành lang pháp chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp nhựa, công nghiệp tái chế, từ đó hình thành thị trường tái chế; đẩy mạnh các hoạt đọng nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ xử lý, tái chế chất thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện môi trường.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa. Đồng thời động viên tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, đóng góp hiệu quả cho việc giải quyết vấn nạn rác thải nhựa; phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc đẩy lùi rác thải nhựa.

Về phía doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và người dân cần chung tay giảm thiểu việc sử dụng túi nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, để Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ loại bỏ được nguy cơ “ô nhiễm trắng”.

Tài liệu tham khảo

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, “Kiên quyết xử lý chất thải nhựa”.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, “Hiểm họa từ đồ nhựa đựng thực phẩm”.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, “Giải pháp nào cho xử lý chất thải rắn của Hà Nội”.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng và giải pháp: Biến chất thải thành tài nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới