Thứ bảy, 27/04/2024 03:43 (GMT+7)

Nhà máy xử lý rác hoạt động kém hiệu quả, Đà Lạt ám ảnh vì rác

MTĐT -  Thứ tư, 28/08/2019 15:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu các ngành xem xét lại tính hiệu quả của Nhà máy rác Đà Lạt, do Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư.

Theo báo Thanh niên, ngày 27/8, tại buổi họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2019, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu các ngành xem xét lại tính hiệu quả của Nhà máy rác Đà Lạt, do Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư tại xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt.

Ông Việt chỉ đạo các sở ngành liên quan đồng thời phải nghiên cứu quy hoạch, tham mưu xử lý rác có hiệu quả về lâu dài. Ông Việt cho rằng nếu quay về phương án thu gom, chôn lấp rác như trước, nước rác rỉ ra sẽ ảnh hưởng đến môi trường là không thể chấp nhận được.

Trước đó, nhiều báo chí phản ánh về tình trạng quá tải ở bãi rác Cam Ly. Đỉnh điểm, sau trận mưa lũ kéo dài từ ngày 7 - 10/8 vừa qua, hàng ngàn tấn rác tại bãi rác Cam Ly, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) trượt từ độ cao hơn 60 m đổ ập xuống chôn vùi nhiều diện tích vườn rau, hoa của người dân.

Bãi rác Cam Ly, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) trượt từ độ cao hơn 60 m đổ ập xuống chôn vùi nhiều diện tích vườn rau, hoa của người dân. Ảnh: Tuổi trẻ.

Thống kê sơ bộ có hàng ngàn tấn rác từ trên đồi cao đổ xuống chôn vùi khoảng 7 ha đất, bao gồm nhiều diện tích rau, hoa.

Việc xử lý hậu quả “núi rác” Cam Ly sạt trượt chưa xong, thì ngày 17/8, tại Nhà máy rác Đà Lạt xảy ra tai nạn lao động, làm một công nhân 17 tuổi tử vong nên nhà máy tạm dừng hoạt động. Do đó, suốt 10 ngày qua toàn bộ rác của TP.Đà Lạt (từ 180 - 200 tấn/ngày), phải tiếp tục đưa đến bãi rác Cam Ly để xử lý chôn lấp.

Ông Bùi Trung Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt (đơn vị vận hành bãi rác Cam Ly) xác nhận, do ảnh hưởng của mưa lớn, đường ranh ngăn giữ chất thải bị sập khiến núi chất thải ở bãi rác Cam Ly đổ xuống vùng sản xuất nông nghiệp dưới thung lũng. Theo ông Đường, chất thải từ bãi rác Cam Ly khi đổ xuống đã ảnh hưởng tới khoảng 7ha đất, trong đó có khu vực sản xuất nông nghiệp lâu năm của nhiều hộ dân.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, cần phải đóng cửa bãi rác Cam Ly bởi vị trí địa lý không phù hợp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đã có dấu hiệu quá tải. Bãi rác Cam Ly rộng gần 12ha đã tồn tại hàng chục năm nay, là nơi tập kết rác của toàn thành phố Đà Lạt.

Năm 2008, Cục Bảo vệ môi trường (Bộ TN&MT) từng thanh tra kết luận có nhiều sai phạm trong quản lý và vận hành bãi rác… Qua lấy mẫu không khí, nước thải và nước ngầm tầng nông ở một giếng đào gần bãi rác để phân tích, cơ quan chức năng kết luận có tới hàng chục thông số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Cục đã đề nghị Sở TN&MT Lâm Đồng xử phạt đơn vị quản lý bãi rác và yêu cầu phải có biện pháp khắc phục.

Năm 2015 bãi rác Cam Ly bị đóng cửa bởi không khắc phục được tình trạng ô nhiễm “vượt ngưỡng”, toàn bộ rác thải của thành phố được chuyển về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt do Cty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên chỉ sau 1 năm, nhà máy này có nhiều trục trặc nên chỉ xử lý được khoảng 1/4 lượng rác. Phần lớn rác thải của thành phố lại phải đưa về bãi rác Cam Ly xử lý.

Theo TTXVN, Nhà máy xử lý rác thải rắn thành phố Đà Lạt hiện có 45 công nhân, hai dây chuyền - hệ thống xử lý phân loại rác. Sau khi khánh thành năm 2015, Nhà máy mới chỉ hoạt động một dây chuyền còn một dây chuyền khác vẫn “đắp chiếu”. Nếu vận hành cả hai dây chuyền hoặc tăng 2 ca/ngày, Nhà máy đủ năng lực xử lý rác cho toàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận với công suất 160-200 tấn, tối đa tới 300 tấn/ngày. Nhưng nếu vận hành hết công suất như trên, Nhà máy không có tiền trả cho công nhân và chi phí khác (dầu, điện…).

Để vận hành nhà máy một cách tốt nhất, UBND thành phố Đà Lạt phải nâng giá chi trả cho Nhà máy là 420.000 nghìn đồng/tấn rác thay vì giá “tạm tính” 336.000 nghìn đồng/tấn như hiện nay. Trong khi đó, chi phí của Nhà máy mỗi tháng trên 500 triệu đồng, bao gồm tiền lương công nhân, tiền dầu, tiền điện.

Đánh giá về năng lực của nhà máy này, ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt lại cho rằng: Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt chưa đảm bảo năng lực xử lý rác và vấn đề môi trường. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ dự án trên từ quy trình, năng lực xử lý rác. Hiện nhà máy có hai dây chuyền xử lý rác của hai nhà đầu tư khác nhau, nên chưa thống nhất phương án vận hành.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy xử lý rác hoạt động kém hiệu quả, Đà Lạt ám ảnh vì rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới