Thứ bảy, 27/04/2024 05:57 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 5/5/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 05/05/2019 10:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 5/5/2019. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 5/5/2019.

Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hội tụ gió trên mực 1.500 m, ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa dông diện rộng; riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, chiều tối và tối 5-5 có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.

* Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (BCĐ T.Ư về PCTT) yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lốc, sét, mưa đá để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng, tránh. Cùng với đó, tiếp tục thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại do mưa lớn kèm dông lốc, sét, mưa đá; chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”; thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực BCĐ T.Ư về PCTT.

* UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt phương án di dời và tái định cư khẩn cấp các hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất và lũ ống, lũ quét cao trên địa bàn huyện Mường Lát. Theo đó, 322 hộ dân sinh sống tại các bản, như: Trung Thắng, Ún, Sa Lung, xã Mường Lý và các bản Tung, Ma Hác, Lìn, xã Trung Lý sẽ được di dời, tái định cư. Trong đó, 149 hộ cần phải di dời khẩn cấp trước mùa mưa bão năm 2019. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ xây dựng sáu khu tái định cư; tổng số vốn thực hiện cần hơn 65 tỷ đồng.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và NT) tỉnh Quảng Trị, để bảo đảm an toàn hệ thống hồ chứa nước trong mùa mưa lũ năm 2019 và những năm tiếp theo, tỉnh cần đầu tư gần 680 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các công trình. Toàn tỉnh có 131 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế gần 423 triệu m³ nước, phục vụ tưới cho 25 nghìn ha đất canh tác, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt. Theo đánh giá, phần lớn các hồ chứa được xây dựng từ lâu, thường xảy ra hiện tượng mất an toàn hồ chứa, rất nguy hiểm trong mùa mưa bão.

* UBND huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã ban hành quyết định công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại địa phương này. Như vậy, sau huyện Hoa Lư, huyện Nho Quan là địa phương thứ hai của tỉnh khống chế thành công bệnh dịch. Các hoạt động mua bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm của lợn được phép thực hiện bình thường theo quy định của pháp luật.

* Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Giang vừa có công văn gửi UBND các huyện, thành phố thực hiện tháng cao điểm phòng, chống bệnh DTLCP. Theo đó, tháng cao điểm được thực hiện đến hết tháng 5. Trong thời gian này, các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp cơ quan chuyên môn tiếp tục tổ chức tập huấn về bệnh DTLCP cho cán bộ thú y cơ sở, trưởng thôn, các trang trại chăn nuôi lợn...

* UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định về quy định tạm thời cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do DTLCP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức hỗ trợ cao nhất khi lợn bị tiêu hủy là 4,5 triệu đồng/con. Theo quyết định của UBND tỉnh, người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do DTLCP sẽ được hỗ trợ năm mức tiền. Với lợn con theo mẹ được hỗ trợ 300 nghìn đồng/con; lợn cai sữa đến dưới hai tháng tuổi là 500 nghìn đồng/con; lợn thịt từ 2 đến 4 tháng tuổi là 2 triệu đồng/con; lợn thịt, lợn giống hậu bị hơn 4 tháng tuổi 3 triệu đồng/con. Riêng mỗi con lợn nái, lợn đực giống đang khai thác nhận mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/con. Mức hỗ trợ nêu trên được áp dụng cho tất cả hộ trực tiếp chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.

* Tỉnh ủy Thái Bình vừa ban hành công điện yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tạm hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, trừ bệnh đạo ôn hại cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu bệnh khác gây hại cho lúa xuân. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 50 nghìn ha lúa trổ bông sau ngày 5-5, phải phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại...

* Ngày 4-5, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại hơn 19 ha lúa ở 11 huyện; trong đó, 6 ha bị gây hại nặng. Sâu đục thân hai chấm gây hại nhẹ ở hai huyện Yên Định và Bá Thước; huyện Thường Xuân xuất hiện bọ xít dài. Bệnh khô vằn phát sinh trên 383 ha lúa phân bố ở hầu hết các huyện... Nhìn chung các đối tượng gây hại chính được phát hiện, phòng trừ kịp thời, cho nên diện tích lúa nhiễm bệnh giảm so cùng kỳ năm trước.

* Theo báo cáo của Sở NN và PTNT tỉnh Trà Vinh, do gặp thời tiết nắng nóng, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 700 ha tôm nuôi bị chết, chủ yếu tại hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải. Ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý, kiểm tra về mặt chất lượng nguồn tôm giống của các cơ sở cung ứng trong tỉnh. Khuyến cáo nông dân chậm thả tôm giống nuôi, do trong điều kiện nắng nóng và chuẩn bị có mưa trên diện rộng, môi trường nước sẽ có biến động lớn.

* Vụ đông - xuân năm nay, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) gieo cấy hơn 6.528 ha lúa, do lúa xuân chín sớm hơn so với lịch thời vụ từ 15 đến 20 ngày, cho nên bà con nông dân đang tiến hành thu hoạch. Năng suất lúa vụ xuân trên địa bàn huyện đạt hơn 62 tạ/ha. Mặc dù vào thời điểm thu hoạch, xảy ra mưa, lốc tại một số địa phương, nhưng đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được 70% diện tích.

Quảng Ngãi: Cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Theo văn bản số 2111 ngày 2/5/2019 về tăng cường biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nội dung các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng.

Khẩn trương tổ chức kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2019 theo kế hoạch, đặc biệt là các nội dung công việc đã được bố trí kinh phí trong năm 2019.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bình Sơn, các đơn vị, cá nhân có liên quan làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra các vụ cháy rừng trên địa bàn huyện này trong thời gian gần đây, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 15/5/2019.

Hạt Kiểm lâm huyện Bình Sơn cho biết, từ ngày 19/4 đến nay, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) xảy ra 03 vụ cháy rừng khiến một người chết và hàng chục ha keo bị thiêu rụi. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy chủ yếu vẫn là do các hộ dân chủ quan trong việc đốt thực bì để chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Cùng với đó là thời tiết hanh khô kèm theo gió mạnh, đã gây ra thiệt hại lớn cho chủ rừng.

Mưa lớn gây nhiều thiệt hại ở một số tỉnh phía Nam và Tây Nguyên

Cụ thể, tại tỉnh Bình Dương, theo báo cáo nhanh số 215/BC-CCTL ngày 03/5/2019 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, từ 19h00 ngày 02/5 đến 07h00 ngày 03/5/2019, trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một, Thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo đã xảy ra mưa vừa đến mưa to kèm theo lốc làm tốc mái 09 căn nhà; gẫy đổ 26,7 ha cao su đang khai thác và ngã đổ một số cây xanh ven đường gây mất điện cục bộ. Ước tổng giá trị thiệt hại ban đầu khoảng: 3,8 tỷ đồng.

Tại tỉnh Long An, theo báo cáo nhanh ngày 03/5/2019 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An, ngày 02/5, trên địa bàn huyện Đức Hòa đã xảy ra mưa lớn kèm theo dông, lốc và lốc xoáy, mưa đá gây ra một số thiệt hại cụ thể như sau: Nhà bị tốc mái: 15 căn nhà, 10 trụ điện trung thế bị gãy, 10 nhà xưởng bị tốc mái. Ước tổng thiệt hại: 1,3 tỷ đồng.

Mưa lớn kèm theo dông, lốc và lốc xoáy, mưa đá gây ra nhiều thiệt hại ở Long An

Tại tỉnh Gia Lai, theo báo cáo nhanh số 113/BCN-PCTTMT của Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên, chiều tối ngày 02/5 trên địa bàn một số xã thuộc huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã xảy ra lốc xoáy và gây thiệt hại lớn đến nhà cửa của dân. Thống kê sơ bộ có gần 50 căn nhà tại các xã Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar và Ia Mlah bị tốc mái và sập. Đa phần những căn nhà bị thiệt hại là nhà sàn của bà con người dân tộc thiểu số.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thường xuyên liên lạc với các tỉnh, thành phố có cảnh báo về dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh để nắm bắt tình hình. Chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để thông báo cho người dân chủ động phòng tránh.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tình hình dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh.

Ít nhất 12 người thiệt mạng do bão Fani ở Ấn Độ

Sau khi đổ bộ vào vùng duyên hải phía đông Ấn Độ hôm 3-5, siêu bão Fani suy yếu thành "áp thấp nhiệt đới", cơ quan khí tượng Ấn Độ cho biết.

Hiện bão Fani vẫn đang nhấn chìm hàng chục ngôi làng ở khu vực trũng thấp ở Bangladesh.

Khoảng 1,2 triệu người sống ở các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão ở Bangladesh đã được chuyển đến 4.000 nơi trú ẩn. Cơn bão đã phá hủy nhiều ngôi nhà ở quận Noakhali, nơi hiện đã có 1 em bé hai tuổi thiệt mạng cùng khoảng 30 người bị thương do bão Fani, Reuters dẫn lời một quan chức địa phương cho biết.

Ở Ấn Độ, các nhà chức trách đang đánh giá thương vong và thiệt hại do Fani gây ra ở bang Odisha. Truyền thông nước này cho biết có ít nhất 12 người thiệt mạng trên toàn bang, phần lớn nguyên nhân là do cây đổ.

Trong vòng 24h trước khi siêu bão đổ bộ, giới chức nước này đã tiến hành di tản hơn 1,2 triệu người tới các điểm trú bão an toàn như ở trường học, tòa nhà để giảm thiểu tối đa thương vong về người.

Thị trấn Puri, nơi nằm trên trục di chuyển của bão, bị thiệt hại nặng nề khi gió giật lên tới 200 km/h làm tốc mái nhà, cột điện gãy đổ và cây cối bật gốc. "Thiệt hại không thể tưởng tượng nổi. Puri bị tàn phá nặng nề", Bishnupada Sethi, ủy viên lực lượng cứu trợ đặc biệt bang Odisha cho hay, đồng thời cho biết thêm có 116 người bị thương trên toàn bang.

Có ít nhất 6 người chết ở Bhubaneswar, thủ phủ bang Odisha, nơi cây cối gãy đổ chặn đường đi và gây mất điện tòa khu vực. Ashok Pattnaik, Giám đốc bệnh viện Thủ đô, một trong những bệnh viện nhà nước lớn nhất ở Bhubaneswar, cho biết 4 người đã nhập viện và đang trong tình trạng nguy kịch vì tai nạn trong mưa bão.

Sân bay Bhubaneswar cũng chịu thiệt hại đáng kể, nhưng đã được mở cửa trở lại vào chiều 4-5, Bộ hàng không Ấn Độ cho biết.

Bang tiếp giáp với Odisha, bang Tây Bengal tuy không bị thiệt hại nặng nề song cơ quan chức năng cũng đã phải sơ tán gần 45 nghìn người tới các nơi an toàn.

Mùa bão ở Vịnh Bengal có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12 hàng năm. Năm 1999, một siêu bão đã đánh sập bờ biển Odisha trong 30 giờ, giết chết hơn 10.000 người. Kể từ đó tới nay, những tiến bộ về công nghệ cảnh báo đã giúp cho việc theo dõi cơn bão chính xác hơn, giúp các cơ quan chức năng có nhiều thời gian để chuẩn bị cho công tác phòng tránh và sơ tán gần nửa triệu người, cứu hàng nghìn mạng sống trong đợt siêu bão năm 2013.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 5/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới