Thứ năm, 18/04/2024 23:50 (GMT+7)

Nâng cao hiệu quả đánh giá tác động đa dạng sinh học

MTĐT -  Thứ bảy, 20/08/2022 08:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đánh giá tác động đa dạng sinh học trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường của các dự án được coi là cần thiết và cần được đẩy mạnh nhằm bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở Việt Nam.

1.jpg
Việt Nam là nước có đa dạng sinh học cao

Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao và xếp vị trí thứ 16 trên thế giới. ĐDSH của Việt Nam thể hiện ở đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ĐDSH và vai trò của nó trong việc duy trì sự phát triển bền vững của cuộc sống, sinh kế và nền kinh tế, thời gian qua, Việt Nam đã đưa vào các văn bản Luật những quy định yêu cầu các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao và một số dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường phải thực hiện đánh đánh giá tác động đa dạng sinh học. Nội dung phải nayc đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022.

Việc đánh giá tác động đa dạng sinh học nhằm xác định các yếu tố đa dạng sinh học trong các giai đoạn thực hiện để giảm thiểu các tác động tiêu cực của dự án đến đa dạng sinh học và thúc đẩy các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững và chia sẻ công bằng lợi ích đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện các dự án có ảnh hưởng đến ĐDSH.

Luật BVMT 2020 cũng quy định rõ nội dung của báo cáo ĐTM phải nhận định, đánh giá hệ thực, động vật, xem xét đến mối quan hệ giữa sinh vật với hệ sinh thái. Đánh giá mức độ tác động ĐDSH đến khu vực, đến hệ sinh thái, đến hiện trạng sử dụng và sự can thiệp về sự bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt, báo cáo ĐTM phải đánh giá, nhận dạng các sự cố môi trường có thể xảy ra; đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về BVMT và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo PGS. TS. Lê Xuân Cảnh - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: So với Luật BVMT 2014, Luật BVMT 2020 có những quy định rõ ràng, minh bạch theo hướng cải cách hành chính, đảm bảo chất lượng của việc thẩm định. Bên cạnh đó, nội dung và chất lượng của báo cáo đánh giá tác động đa dạng sinh học ngày càng có những tiến bộ nhất định. Dựa trên quá trình thẩm định báo cáo ĐTM, một số dự án đầu tư trên các lĩnh vực khác nhau đã phải thay đổi địa điểm hoặc không được phê duyệt vì không đảm bảo các yêu cầu về bảo tồn ĐDSH và chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên. Như vậy, có thể thấy ĐTM trở thành công cụ hữu ích khi gắn trách nhiệm của chủ dự án đối với bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH.

Tuy nhiên, hiện nay công tác đánh giá tác động đa dạng sinh học còn một số hạn chế như chất lượng báo cáo còn phụ thuộc vào chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, loại hình dự án, nguồn lực thực hiện, hội đồng, cơ quan thẩm định. Có những trường hợp quá trình đánh giá tác động đa dạng sinh học chưa dự báo đúng mức, chưa lường trước các vấn đề môi trường nhạy cảm, phức tạp của dự án. Việc đầu tư ngân sách cho công tác đánh giá tác động đa dạng sinh học còn hạn chế, chưa có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH.

Cùng với đó, các thông tin dữ liệu về ĐDSH trên phạm vi toàn quốc còn tản mạn, không đầy đủ và thiếu hệ thống. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ dự án và tư vấn. Nhiều trường hợp chủ dự án đã giao khoán, phó mặc cho tư vấn thực hiện đánh giá tác động đa dạng sinh học, trong khi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung báo cáo ĐTM là thuộc chủ dự án.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa áp dụng hệ thống cấp Chứng chỉ hành nghề tư vấn ĐTM và có tới khoảng 80% các đơn vị tư vấn không có chuyên gia về ĐDSH tham gia.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác đánh giá tác động đa dạng sinh học, theo PGS. TS. Lê Xuân Cảnh, trong thời gian tới, Việt Nam cần ban hành hướng dẫn kỹ thuật chi tiết cho đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM để các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn tổ chức xây dựng báo cáo ĐTM và các cơ quan có thẩm quyền thẩm định có cơ sở triển khai thực hiện. Ban hành bộ chỉ số đa dạng sinh học quốc gia làm cơ sở để thu thập số liệu, đánh giá hiện trạng và đánh giá tác động thông qua so sánh mức độ thay đổi đa dạng sinh học so với hiện trạng trước khi thực hiện Dự án.

Bên cạnh đó, quy định cụ thể về nội dung tham vấn cộng đồng về đa dạng sinh học trong các báo cáo ĐTM và cách thức thực hiện thu thập thông tin, kiến thức bản địa về đa dạng sinh học. Hướng dẫn kỹ thuật riêng trong công tác giám sát đa dạng sinh học. Mở nhiều lớp tập huấn liên quan đến đánh giá tác động đa dạng sinh học, hướng dẫn cách thức tiếp cận và các bước lồng ghép đánh giá tác động đa dạng sinh học trong ĐTM, các biện pháp giảm thiểu tác động và quản lý đa dạng sinh học, nội dung thẩm định đánh giá tác động đa dạng sinh học lồng ghép trong ĐTM.

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao hiệu quả đánh giá tác động đa dạng sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo TNMT

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.