Thứ bảy, 27/04/2024 00:27 (GMT+7)

Ngày Xuân nhàn đàm về Trâu!

Ngã Du Tử -  Thứ sáu, 29/01/2021 08:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nói về con trâu, có lẽ cũng dài dòng lắm, nhưng ngày đầu xuân khi đất trời đã cung tặng loài người trăm hoa nghìn sắc đua nở, làm phấn chấn tâm hồn con người, hà tất gì ta không hàn huyên.

Khi xưa, dân nước Việt ta thuần chất nông tang, lối sống ruộng vườn ăn sâu  vào lớp lớp thế hệ, tất cả sinh hoạt đời sống hầu như đổi từ lúa gạo, nông thổ sản và chăn nuôi mà ra, trừ thiểu số làm nghề bán buôn, công chức hay ngư nghiệp. Vì vậy, quan niệm con trâu là đầu cơ nghiệp của các cụ lão nông tri điền quả là chẳng sai tí nào.

Năm nay Tân sửu -con trâu mới vừa lên ngôi vương, quán xuyến sơn hà xã tắc, nói về con trâu cũng đáng lắm thay.

Thú thực, nói chuyện với nhau cũng phải có người đồng điệu, tương quan với nhau, như ngưu tầm ngưu, mã tầm mã vậy. Nếu người nói Nam, kẻ nghe Bắc thì sao tán đồng được, làm sao cao hứng trong nhàn đàm ngày xuân. Các cụ đã nói rồi, “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu/ Văn bất đồng tâm bán cú đa”. Ồ, mở đầu nhàn đàm nghe cũng chí lý.

Hình ảnh hạnh phúc và lãng mạn nhất về con trâu từ xưa đến nay có lẽ là câu ca dao: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Vợ chồng đề huề thuận thảo, chăm chỉ làm ăn, chung lưng đấu cật thì chuyện gì lại không được, thuận vợ chồng tát biển Đông cũng cạn cơ mà.

Những hoàng đế tuổi Sửu

Về lịch sử các vua nước Nam ta lắm người tuổi con trâu, nhắc dăm ba người để nhớ, sưu tầm cho hết chắc là bài báo không đủ.

Đầu tiên là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Phùng Hưng sinh năm Tân Sửu (761) quê ở làng Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội. Sinh thời, Phùng Hưng là người khoẻ mạnh và thao lược. Chính ông đã lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa, đập tan quan quân đô hộ nhà Đường, xây dựng nền độc lập, tự chủ cho nước Nam ta từ giữa thế kỷ thứ VIII.

Ông mất năm 802  hưởng dương 41 tuổi. Công lao chói lọi của ông được nhân dân suy tôn là Bố cái Đại vương.

Vua áo vải Lê Lợi sinh năm Ất Sửu (1385). Lê Lợi quê tại Lam Sơn, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khi giặc Minh xâm lược nước Nam ta, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi tập hợp hào kiệt, nhân sĩ dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược.

Sau 10 năm kháng chiến, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã bình định được giặc Minh vào tháng 12 năm 1427 giành lại độc lập cho nước Đại Việt ta. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở ra triều đại Hậu Lê. Lăng mộ ông hiện nay ở Lam Kinh, Thanh Hóa vẫn còn nguyên.

Vua Tự Đức sinh năm Kỷ Sửu (1829) tên là Nguyễn Hồng Nhậm, con thứ hai của vua Thiệu Trị và mẹ là bà Từ Dũ Hoàng Thái hậu. Ông lên ngôi vua năm 1847 lấy niên hiệu là Tự Đức. Ông lên ngôi giữa lúc nước nhà đang đứng trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.

Tự Đức là người có tài văn chương, ông lập nên Tao đàn Thi xã Nhị thập bát tú. Tuy nhiên, nhiều giai thoại của hội thơ nầy, người xem thường lại là Cao Bá Quát: Ngán thay cái mủi vô duyên/ Câu thơ Thi xã con thuyền Nghệ An.

Ông ở ngôi Hoàng đế trị vì 36 năm.

Một vị vua không phải tuổi trâu nhưng thuở thiếu thời gắn liền với trâu có đặc hiệu “Cờ lau tập trận”. Nhờ tập trận lúc nhỏ nên lớn lên ông dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, lập nên triều đại nhà Đinh lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng

Con trâu trong dân gian

Khi nói với ai đó mà không nghe, không hiểu gì thì các cụ lại dùng đến con trâu để xỏ xiên, nói như “đàn gảy tai trâu”, không  biết các cụ có thái quá không nữa chứ thời nay người ta nuôi trâu bò cho nghe nhạc, điều nầy chứng tỏ trâu biết nghe, biết sảng khoái nên chất lượng thịt tốt hơn!

Ăn giỗ đi trước, lội nước đi sau là kinh nghiệm. Hôm nào có việc đi muộn đám giỗ, các cụ lại dùng hình ảnh con trâu ví von trâu chậm uống nước đục. Có người tuổi đã luống, mong trẻ lại bằng cách này, cách khác cố gắng cho trẻ ra bằng được so với tuổi tác, các cụ nhà ta lại dùng hình tượng con trâu cho rằng muốn cưa sừng làm nghé. Nào phải đâu trâu già ham gặm cỏ non, lý ra trâu già hay trâu nghé đều thích cỏ non cơ mà, bởi cỏ non mướt mát đầy đủ dinh dưỡng dễ gặm hơn phải không nào!

Thời ấy, người Việt định cư thường an cư trong vườn, quanh quẩn trong lũy tre làng xã, vì phương tiện di chuyển chủ yếu là đôi chân, nên các cụ khuyên trai gái: Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ đừng ham cỏ tốt ăn qua đồng người, thời nay chắc không phù hợp nữa.

Trâu cột (buộc) ghét trâu ăn để nói người nhà nông vì bận việc nên đem trâu cột trên chiếc nọc đóng ngoài miếng đất có cỏ, trâu chỉ ăn giới hạn trong bán kính tối đa của dây cột, ngoài xa thấy các con khác đang tự do tìm kiếm cỏ mà ăn, còn trâu cột vẫn chăm chỉ gặm, có lẽ do con người nghĩ rồi áp đặt cho trâu chăng? Năm 2009 cũng năm trâu, trà dư tửu hậu với nhau mạn đàm về con vật nầy, có anh bạn cùng suy nghĩ như tôi, có thơ rằng: “Trâu buộc nào ghét trâu ăn/ Được chăng hay chớ, có chăng chỉ người”. Cả bạn chúng tôi đồng tình nâng cốc rượu đầu năm, chúc mừng sự phản biện hữu lý ấy.

Người viết bài này thấy cũng tạm đủ về mục nhàn đàm đầu xuân về con trâu, nhắc lại câu kết của bài học thuộc lòng TRÂU ƠI thời tiểu học của chúng tôi:

 "Dẫu rằng vất vả khó khăn/ Cùng Trâu ta tiến phăng phăng không lùi

Năm chuột vừa rồi dịch Covid hoành hành đất nước dữ dội quá, kinh tế khó khăn trên mọi địa phương. Dù biết vậy nhưng năm Trâu 2021 này đồng lòng nắm tay nhau “Tiến phăng phăng, không lùi” nhé.

Bạn đang đọc bài viết Ngày Xuân nhàn đàm về Trâu!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.

Tin mới