Thứ sáu, 03/05/2024 13:32 (GMT+7)

Nghệ sĩ Cải lương: Vẫn còn “đất” diễn

P.H - Mai Anh -  Thứ ba, 13/10/2020 08:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thừa nhận cải lương đang gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều nghệ sĩ theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống này cho biết, Ở Nam Bộ vẫn còn “đất diễn” cho Nghệ sĩ cải lương

Cải lương vốn là một loại hình nghệ thuật truyền thống rất được yêu thích, đặc biệt là khu vực phía Nam. Với những người dân Nam bộ, cải lương là máu thịt, là loại hình nghệ thuật không thể thiếu, nhưng đáng tiếc là cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển, thậm chí có thể nói là đang dần rơi vào nguy cơ bị mai một dần… 

Thời kỳ vàng son

 Nghệ thuật cải lương có tiến trình hình thành với một chặng đường khá dài và trải qua từng giai đoạn gắn liền với lịch sử dân tộc. Cải lương đã được hình thành và phát triển từ nguồn gốc đàn ca tài tử, phát triển thành ca ra bộ, rồi trở thành cải lương như ngày nay. Theo các nhà nghiên cứu, từ năm 1955 đến đầu thập niên 1960, cải lương đạt mốc phát triển thịnh vượng nhất ở miền Nam.

Từ năm 1975-1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng trên 20 đoàn cải lương quốc doanh biểu diễn tại 15 rạp với hàng ngàn khán giả mỗi tối.

Nghệ sỹ nhân dân Lệ Thủy

Trong hơn nửa thế kỷ, sân khấu cải lương vượt xa các loại hình sân khấu khác về thế mạnh, có thời kỳ nó giữ địa vị độc tôn, thu hút khán giả nhiều hơn tất cả các loại hình sân khấu khác.

Nghệ sỹ nhân dân Lệ Thủy miêu tả, vào thời vàng son của cải lương, mỗi đêm diễn, người xem xếp hàng mua vé rất đông. Khoảng 200 vé là diễn viên chê. Phải cả nghìn vé trở lên thì đêm hát mới diễn ra. Từ sáng sớm, các xe đi phát tờ bướm đông vui, rôm rả. Còn nhiều vùng quê chưa có đèn điện, phải chạy điện bình. Mỗi lần ghe hát về đến ngã tư sông, người ta kéo đến đông như ngày hội.

Thế nhưng, thời vàng son của nghệ thuật cải lương hiện chỉ còn trong tâm thức của nhiều người. Nghệ thuật cải lương đang đối mặt với những khó khăn từ việc thu hút khán giả cho đến thiếu vắng đội ngũ trẻ kế thừa.

Nỗ lực để sân khấu cải lương luôn sáng đèn

Cải lương hiện nay đang chịu sự tác động lớn của xu hướng toàn cầu hóa, cơ chế thị trường và sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Sự đa dạng, phong phú các loại hình nghệ thuật mang tính giải trí hiện đại đã và đang lấn át các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương. Bên cạnh đó, cải lương đang thiếu nguồn nhân lực; khan hiếm kịch bản văn học, tác phẩm hay; chính sách dành cho văn hóa, văn học nghệ thuật còn bất cập, không theo kịp tình hình phát triển của kinh tế thị trường…

Nghệ sĩ Phùng Ngọc Bảy 

Việc tìm lại ánh hào quang cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này, giúp nó luôn có “chỗ đứng” trong lòng khán giả, đang là điều trăn trở khôn nguôi của những người tâm huyết với nghệ thuật cải lương.

 Canh cánh trong lòng nỗi niềm bảo tồn và phát triển cải lương, nghệ sĩ Phùng Ngọc Bảy (Đoạt giải Chuông vàng vọng cổ năm 2011) cho rằng, muốn cải lương khởi sắc như thời hoàng kim cần có một chính sách đặc biệt. Cụ thể là đầu tư kinh phí cho những công trình sáng tác, dàn dựng và biểu diễn để có được những vở diễn hay, những tác phẩm vừa đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng vừa có tính tư tưởng cao.

Theo nghệ sĩ Phùng Ngọc Bảy, các ban ngành, đoàn thể cần có sự quan tâm và có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ nhân cũng như kế hoạch đầu tư để đào tạo những đội ngũ kế thừa, giúp cho cải lương vẫn giữ được sự thu hút từ kịch bản đến lối ca diễn và sự thu hút từ âm nhạc, góp phần làm cho cải lương xứng đáng là một sự lựa chọn của khán giả trong thời đại công nghệ nghe nhìn như hiện nay.

 Trao đổi với chúng tôi, nghệ sĩ Bùi Trung Đẳng (Giải Chuông vọng cổ năm 2010) cho biết, trong tình hình sân khấu cải lương vắng khách và ế ẩm, các phương tiện truyền thông giảm dần việc phát sóng, đề cập và đưa tin về nghệ thuật sân khấu cải lương, nên các nghệ sĩ phải vận dụng mạng xã hội và Youtobe để quảng bá và đưa hình ảnh, tiếng hát của mình đến với công chúng một cách dễ dàng hơn khi khán giả lười đến sân khấu, đặc biệt là những khán giả trẻ. Bên cạnh đó, những cuộc thi như: Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ… là sân chơi chơi rất bổ ích, lan rộng trong công chúng, đã phần nào đã cứu cánh cho cải lương “sống lại”. “Cũng nhờ có các giải thưởng trên, mà Đài truyền hình TPHCM (HTV) và công chúng đã phát hiện ra những giọng ca mới, lạ được nhiều người yêu thích. Và nếu như các phương tiện truyền thông, các cơ quan báo đài quay lưng với cải lương thì chúng ta thì khó tìm ra được những giọng ca trẻ mới lạ như hiện nay. Thí sinh trẻ đoạt giải sẽ được tham gia biểu diễn ở những sân khấu lớn, được nhiều đài truyền hình địa phương và công chúng biết đến, được mời lưu diễn và phát sóng ở nhiều kênh. Nhờ vậy mà thu nhập của nghệ sĩ trẻ được tăng cao và có được đời sống ổn định”, nghệ sĩ Bùi Trung Đẳng chia sẻ.

 Nghệ sĩ cải lương Bùi Trung Đẳng

Còn Nghệ nhân ưu tú Lương Hồng Huệ cho biết, để phát triển nghệ thuật cải lương hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề thì cần có không gian để nghệ sĩ cải lương biểu diễn. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm đến khán giả, thu hút khán giả đến với cải lương nhiều hơn, đặc biệt là giới trẻ.

“Cải lương cũng gặp nhiều khó khăn khi các sân khấu cải lương ngày càng bị thu hẹp và “chuyển đổi mục đích” sang loại hình nghệ thuật khác. Trong bối cảnh giọng hát cải lương còn thiếu nhiều như hiện nay, thì sân khấu cải lương trên truyền hình được xem là cứu cánh cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không còn hoặc rất ít chương trình cải lương trên sóng truyền hình”, NNUT Lương Hồng Huệ chia sẻ.

Đời sống nghệ sĩ cải lương ra sao?

 Mặc dù tình hình sàn diễn cải lương không còn sôi động như trước, nhưng cuộc sống của các nghệ sĩ cải lương không vì thế mà giảm theo. Hiện nay, có không ít nghệ sĩ cải lương đang ăn nên làm ra, thu nhập đều đều mỗi tháng có thể từ 50-70 triệu đồng hoặc thậm chí cao hơn nếu chịu khó “cày bừa”.

 Nghệ nhân ưu tú Lương Hồng Huệ cho biết, chị luôn chịu khó nhận show dù lớn hay nhỏ với mục đích lấy ngắn nuôi dài.

Nghệ sĩ Phùng Ngọc Bảy chia sẻ, với những giọng ca có thâm niên hơn, từng đoạt 1 – 2 giải thưởng, chưa phải là hàng “sao” thì mỗi lần đi show ở các tỉnh, dù diễn trong một chương trình đại nhạc hội hay các hội chợ hàng tiêu dùng, ngoài được lo ăn ở, tiền cát-xê cũng được vài triệu đồng cho một lần biểu diễn 2 bản vọng cổ. Còn đối với các “sao” sân khấu cải lương, tiền cát-xê đi tỉnh hát, mỗi lần cũng được 7 – 8 triệu đồng hoặc hơn 10 triệu đồng/đêm diễn, tùy theo xa – gần và sự “thân quen” của bầu show.

 Bên cạnh đó, theo Nghệ nhân ưu tú Lương Hồng Huệ cho biết, thời gian gần đây, nhiều gia đình yêu thích cải lương mỗi khi tổ chức tiệc tùng hay mời các nghệ sĩ đến góp vui. Bên cạnh đó cũng không nhiều cá nhân, các công ty, cơ quan… mỗi khi tiếp khách ở các quán ăn, nhà hàng cũng thường mời các nghệ sĩ cải lương đến hát giao lưu . Mỗi tháng, 1 nghệ sĩ cũng có được cỡ 15 đến 20 show. Mỗi show, tiền cát-xê của mỗi nghệ sĩ cũng tùy thuộc vào mức độ hay - dở của giọng ca và sự nổi tiếng của từng người… Nhưng nếu chịu “cày”, mỗi tháng thu nhập của mỗi nghệ sĩ cũng từ 50 triệu trở lên.

 Tâm sự về với chúng tôi, Nghệ nhân ưu tú Lương Hồng Huệ tỏ lòng biết ơn đến 2 người thầy - Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Long và Ns Nhã Phượng. Đối với Lương Hồng Huệ, đây không chỉ là 2 người giảng dạy, truyền kiến thức về nghề cải lương mà còn giúp chị nuôi dưỡng niềm đam mê và nhiệt huyết với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Bên cạnh đó chị còn có thầy Bùi Trung Đẳng (đoạt giải Chuông vàng vọng cổ 2010) cũng đã tận tâm chỉ dạy cho chị rất nhiều từ phong cách biểu diễn, chất giọng, âm điệu… để phù hợp với loại hình cải lương Nam Bộ. Ngoài ra, những sản phẩm đầu tay trên Yotob được nhiều khán giả đón nhận cũng là phần công sức của thầy Đẳng đã chấp cánh cho chị có được sự thành công hôm nay. Từ mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió, Lương Hồng Huệ vào Nam với nhiều ước mơ và hoài bão. Cho đến nay đã được 3 năm chị xây dựng sự nghiệp ở phố thị, xác định đây là nơi “đất lành chim đậu” và đã quyết định gắn bó lâu dài.

 Tuy nhiên, ai cũng thừa nhận một điều, rằng tiền thì không thiếu, nhưng nghề thì có điều gì đó chưa ổn. Các nghệ sĩ tâm sự, trong cuộc sống tiền luôn rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả, bởi cái nghề làm ra tiền, chứ tiền khó tạo dựng nên nghề. Cho nên, bên cạnh việc đi show kiếm tiền, ai nấy đều mong muốn có được nhiều đêm diễn phục vụ quần chúng. Nếu không, trong đời sống của người nghệ sĩ, chỉ giàu tiền mà nghèo nghề thì thật đáng lo ngại!

Bạn đang đọc bài viết Nghệ sĩ Cải lương: Vẫn còn “đất” diễn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Yên bình
Em hãy sống một đời bình yên nhé///Nhìn mọi điều như đứa trẻ giản đơn///Như bản chất vốn sinh ra là thế///Bận lòng gì vài ba chuyện thiệt hơn.

Tin mới

Bắc Giang: Những bãi rác tự phát gây ô nhiễm
Phong trào dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các địa phương quan tâm triển khai tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Bài thơ: Yên bình
Em hãy sống một đời bình yên nhé///Nhìn mọi điều như đứa trẻ giản đơn///Như bản chất vốn sinh ra là thế///Bận lòng gì vài ba chuyện thiệt hơn.