Thứ sáu, 03/05/2024 14:18 (GMT+7)

Quận Hoàn Kiếm: Bền bỉ tạo lập không gian đáng sống

Theo Kiến trúc Việt Nam -  Thứ ba, 21/11/2023 11:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quận Hoàn Kiếm nổi tiếng với khu Phố cổ – Phố Hàng xưa, Phố Pháp cũ và gần đây là phố Bờ Sông.

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Hà Nội và là trái tim của thành phố. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quận Hoàn Kiếm luôn đối mặt với nhiều thách thức, và trong quá trình phát triển, Chính quyền và nhân dân Quận đã không ngừng nỗ lực để có được dáng vẻ mới của quận Hoàn Kiếm ngày hôm nay.

BA MƯƠI NĂM DỰ ÁN BẢO TỒN KHU PHỐ CỔ (1993-2023)

Quận Hoàn Kiếm nổi tiếng với khu Phố cổ – Phố Hàng xưa, Phố Pháp cũ và gần đây là phố Bờ Sông. Trong vòng 30 năm qua, đã có nhiều cuộc bàn luận sôi nổi với dự án bảo vệ Khu Phố cổ – tên gọi chung của khu phố cổ Hà Nội với những phố hàng truyền thống. Năm 1995, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội được thành lập trực thuộc Thành phố như một mô hình mới, quàng lên khu phố cũ vốn đã chật hẹp nay thêm ngột ngạt với những quy định, thể lệ hành chính nặng nề, hình thức, kém hiệu quả: phố cổ biến dạng hàng ngày, chất lượng không gian sống không cải thiện được bao nhiêu. Ban Quản lý vẽ ra khu nhà bên kia sông Hồng để di dân phố cổ sang đó mà bỏ qua những lợi – thiệt của kẻ đi người ở, nên quỹ nhà di dân phố cổ không thấy ai sang, trong khi hàng chục ngàn dân phố cố tự tìm nơi ở mới, bán lại nhà trong phố cho các ông chủ, phá đi xây nhà hàng khách sạn cao tầng mọc lên lừng lững mỗi năm một cao hơn, to hơn, bước qua những chính sách, quy định được viết ra, bàn thảo… để rồi xếp sâu trong các ngăn tủ.

Hình ảnh Hà Nội bước ra khỏi thời bao cấp chuyển sang mô hình kinh tế thị trường hiện rõ nhất tại quận Hoàn Kiếm với các dãy phố hàng tấp nập kẻ mua người bán. Năm 2004, quận Hoàn Kiếm khai trương phố đi bộ Hàng Đào – Chợ đêm Đồng Xuân. Mặc dù, Dự án được xây dựng rất hợp với thời thế, nhưng mô hình phố đi bộ do bộ máy quan liêu cũ viết ra nên phố đi bộ là những dãy kiosk chợ làng tẻ nhạt, nghèo nàn, lộn xộn, dần tắt lịm vì ế ẩm.

Quận Hoàn Kiếm: Bền bỉ tạo lập không gian đáng sống - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Đoàn khảo sát hiện trạng phố Phùng Hưng và các nghệ sĩ, kiến trúc sư tham gia thiết kế, triển lãm các phương án đề xuất trên phố. Rất nhiều hoạt động của cộng đồng diễn ra trên tuyến phố.

Sau khi thử nghiệm triển khai phố đi bộ Hàng Đào – Chợ đêm Đồng Xuân vào 2 ngày nghỉ cuối tuần từ năm 2004, đến năm 2014, quận Hoàn Kiếm tiếp tục mở rộng không gian đi bộ ra các phố Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ. Ngày 1/9/2016, thành phố khai trương phố đi bộ 2 ngày cuối tuần quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận.

Phố đi bộ đã mang lại hình ảnh mới cho Hồ Gươm và khu vực phụ cận với những dự án tôn tạo di sản đô thị, tăng cường sinh hoạt văn hóa – giải trí phong phú đồng thời đem lại lợi ích kinh tế ngoạn mục. Thu ngân sách quận Hoàn Kiếm tăng liên tục: từ 2.000 tỷ đồng năm 2014 lên 14.008 tỷ đồng năm 2021.

Xuất phát từ Dự án “Phố đi bộ”, quận Hoàn Kiếm đã hướng tới không gian đi bộ thân thiện an toàn trong phạm vi toàn bộ không gian phụ cận Hồ Gươm, sẽ lan toả ra một phần khu phố Pháp. “Phố đi bộ” đã bổ sung tức thời sự thiếu hụt không gian công cộng của một địa bàn chật hẹp nhất thành phố, không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng giải trí cho cư dân thành phố hay gia tăng sinh kế mà còn phát triển các hoạt động cộng đồng có ý nghĩa sâu sắc.

SỨC SỐNG MỚI CỦA KHU PHỐ LỊCH SỬ TRONG THÀNH PHỐ HIỆN ĐẠI

Đây là tên của chương trình nghiên cứu tại khu phố cổ Hà Nội (Việt Nam), Incheon (Hàn Quốc), Makati (Philippines), Đài Bắc (Đài Loan), Penang (Malaysia), BangKok (Thái Lan), Yokohama (Nhật Bản) và Macao (Trung Quốc) do các KTS của 8 thành phố châu Á phối hợp thực hiện trong 4 năm (2013-2016), nhằm tìm ra những thách thức mới mà các thành phố phải đối mặt và những cách thức thích ứng, chia sẻ những bài học thành công và thất bại. Kế thừa những bài học từ “Phố đi bộ”, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành mở rộng không gian phố đi bộ bằng sáng kiến đột phá là thực hiện dự án “Phố nghệ thuật Phùng Hưng”. Quận Hoàn Kiếm đã huy động sự tham gia của cộng đồng để tôn tạo nơi đây trở thành phố nghệ thuật, thu hút cộng đồng đến sinh hoạt văn hóa nghệ thuật. Dự án nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của UN Habitat, Quỹ Hàn Quốc, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, các nghệ sĩ mỹ thuật đương đại… Dự án đã thu hút sự chú ý của các trường đại học và cộng đồng, các doanh nghiệp địa phương.

Đoạn phố Nghệ thuật chỉ chiếm 1/10 chiều dài con phố Phùng Hưng nhưng giờ đây đã là điểm đến ưa thích của cư dân Thủ đô và người dân cả nước. Trong ngày thường hay phiên chợ Hoa Tết, Trung Thu… nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt nghệ thuật cộng đồng, mở rộng không gian đi bộ từ khu phố Hàng Buồm, Lãn Ông, Hàng Mã và lan sang các khu phố chung quanh.

Quận Hoàn Kiếm: Bền bỉ tạo lập không gian đáng sống - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Phố Phùng Hưng: Sáng kiến nhỏ đem lại niềm vui lớn

Theo đó, phố Phùng Hưng đang là trọng tâm của chuỗi hoạt động nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc cảnh quan từ đường biên của khu phụ cận Hồ Gươm, đem lại lợi ích đa dạng. Nó vừa khai thông dự án đường sắt đô thị số 1 đang bế tắc, vừa làm sống lại tuyến đường sắt quốc gia đang hoạt động cầm chừng, vừa biến không gian kiến trúc đô thị đang bị lãng quên thành một tuyến phố thương mại với hơn 300 cửa hàng trên con phố đẹp là ranh giới giữa khu phụ cận Hồ Gươm và di sản Hoàng thành Hà Nội.

Phố nghệ thuật trên đường Phùng Hưng đã tạo cảm hứng cho rất nhiều nhóm nghệ sĩ tại Hà Nội và các địa phương khác thực hiện các dự án làm đẹp đường phố bằng các tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, chậu hoa, phù điêu, sắp đặt nghệ thuật… gây dựng hình ảnh đẹp đẽ về nơi chốn và nâng cao ý thức trách nhiệm với xã hội. Dự án này mới là khởi đầu cho một chuỗi các nghiên cứu tái phát triển đô thị tại các khu vực qua thời gian đã chuyển đổi dần các vai trò, chức năng sử dụng… nay cần can thiệp để thích ứng hơn.

Nếu trục giao thông trên phố Phùng Hưng đã khai thông thì không gian tiềm năng tiếp theo sẽ là bãi giữa sông Hồng. Tiếp giáp phía Đông Bắc quận Hoàn Kiếm là 2km bờ bãi sông Hồng, vốn là không gian cảnh quan rất có giá trị. Từ năm 2007 đã có dự án bất động sản quy mô nhiều tỷ USD của doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất nhưng không thực hiện được. Hàng chục năm qua, nơi đây trở thành không gian sinh hoạt ưa thích của cư dân Hà Nội nhưng do hoạt động tự phát nên nơi đây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, bị bỏ mặc cho môi trường xuống cấp và trật tự xã hội buông lỏng. Dự án Nghệ thuật cộng đồng tại phường Phúc Tân với sự tham gia của 16 nghệ sĩ do nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn tuyển chọn đã kể lại câu chuyện của dòng sông và thành phố một cách sống động, đã biến khu vực bờ sông ngập ngụa rác thải và nạn lấn chiếm lòng sông tràn lan thành một nơi sạch sẽ, hấp dẫn, an toàn, tạo cảm hứng cho sự ra đời các công viên cộng đồng bên bờ sông, với sự chung tay của cư dân tại chỗ và các tổ chức tình nguyện khác.

Quận Hoàn Kiếm: Bền bỉ tạo lập không gian đáng sống - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Hiện trạng đường sắt quốc gia trên cầu dẫn. Phương án xây dựng đường sắt đô thị có cột bê tông cốt thép trên vỉa hè Phùng Hưng được thiết kế năm 2014. Phương án tích hợp đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, phố thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp nâng cấp kiến trúc cảnh quan đường biên khu phụ cận Hồ Gươm.

CHUYỂN ĐỔI SỐ QUẢN TRỊ PHÁT TRIỂN TRONG KHU PHỐ LỊCH SỬ

Năm 2022-2023, UBND quận Hoàn Kiếm đã chủ động đề xuất dự án Công viên Bãi giữa sông Hồng, dự án đã được thành phố chấp thuận và khởi động với nhiều bản trình bày đề xuất của các KTS, nghệ sĩ và các nhóm hoạt động xã hội khác. Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo có thể làm thơ, làm phim, kiến trúc thì việc vẽ ra một viễn cảnh Thành phố bên sông thật dễ dàng: trong một đêm có thể vẽ ra những viễn cảnh bắt mắt hay những dự án hấp dẫn, như quận sáng tạo bên sông, dòng chảy lịch sử bất tận, tương lai soi bóng đôi bờ… hay còn hay hơn thế. Nhưng làm thế nào để từng bước giảm tệ nạn đổ phế thải ra bờ sông, đổ nước thải đầu độc dòng sông, lấn chiếm đất công, xây nhà trái phép, giảm nạn chiếm vỉa hè lòng đường đỗ xe, kinh doanh bừa bãi, giảm nguy cơ cháy nổ, tăng lối đi bộ an toàn, tăng chất lượng dịch vụ, tăng an toàn thực phẩm, tăng năng lực cho cán bộ công chức… đang là những công việc khó khăn, phức tạp mà Hoàn Kiếm hàng ngày đối mặt. Trong muôn vàn khó khăn ấy, Hoàn Kiếm đã phấn đấu đến tháng 12/2023, đạt 100% tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh tại các tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, với sự hợp tác của 7 Ngân hàng và 3 công ty công nghệ, bước đi nhỏ trong một tầm nhìn lớn: hiện thực hóa quản trị số tất cả các hoạt động kinh tế xã hội. Đây chính là mô hình quản trị xã hội “một hệ thống” đã thành công trong các thành phố châu Á hiện đại với những thực nghiệm khởi đầu tại các phố đi bộ ở khu phố lịch sử.

Quận Hoàn Kiếm: Bền bỉ tạo lập không gian đáng sống - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Bãi giữa Sông Hồng một thời gian với thải rác và cư trú tự phát… đã có những mô hình tạo dựng không gian công cộng chi phí thấp, hứa hẹn trở thành không gian an toàn và vệ sinh cho cư dân Thủ đô

Tiến trình phát triển Hoàn Kiếm thông minh hơn không xuất hiện sau một đêm mơ mộng mà đã được chuẩn bị nhiều năm, không ngừng học hỏi.

Với tầm nhìn phát triển bền vững, quận Hoàn Kiếm đã bắt đầu từ việc phát triển không gian công cộng Hà Nội một cách sáng tạo: đầu tư nhỏ, lợi ích lớn, kiên định, bền bỉ để từng bước vững chắc tạo lập không gian đáng sống cho cư dân Hà Nội ngay trên địa bàn quận Hoàn Kiếm./.

KTS Trần Huy Ánh, KTS Ngô Bá Thành

Bạn đang đọc bài viết Quận Hoàn Kiếm: Bền bỉ tạo lập không gian đáng sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bắc Giang: Những bãi rác tự phát gây ô nhiễm
Phong trào dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các địa phương quan tâm triển khai tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Bài thơ: Yên bình
Em hãy sống một đời bình yên nhé///Nhìn mọi điều như đứa trẻ giản đơn///Như bản chất vốn sinh ra là thế///Bận lòng gì vài ba chuyện thiệt hơn.