Thứ hai, 29/04/2024 18:15 (GMT+7)

Quảng Nam: Gỡ “nút thắt” hạ tầng môi trường tại các khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ tư, 31/01/2024 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo quy định, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung, tuy nhiên, hiện nay, hầu hết CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không đáp ứng được yêu cầu này.

Thiếu nhà máy xử lý nước thải tại các CCN

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam), tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7/8 KCN đi vào hoạt động có hồ sơ môi trường và có hệ thống thu gom, XLNT tập trung với tổng công suất xử lý khoảng 47.400m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 85,71%). Hiện vẫn còn KCN Thuận Yên chưa đầu tư hệ thống XLNT tập trung.

kcn1.jpg
KCN Điện Nam - Điện Ngọc là một trong những KCN của tỉnh Quảng Nam đã hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng môi trường

Nếu như tại các KCN, việc xử lý các vấn đề môi trường như thu gom nước thải công nghiệp được quan tâm đầu tư bài bản thì tại các CCN trên địa bàn tỉnh, vấn đề này còn nhiều hạn chế. Đến nay, mới chỉ có 20/44 CCN đã đi vào vận hành đáp ứng yêu cầu về môi trường, đạt tỷ lệ 45,45%.

Việc thiếu hệ thống XLNT tại CCN cũng như ủy thác cho doanh nghiệp tự xây dựng không chỉ hạn chế thu hút doanh nghiệp đầu tư mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường chung tại các CCN. Thậm chí, tại một số CCN, không ít doanh nghiệp đã vi phạm về vấn đề môi trường.

Lý giải cho tình trạng ít ỏi các nhà máy XLNT ở CCN, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam) cho biết, nguyên nhân là hầu hết CCN của tỉnh có quy mô diện tích hạn chế (nhỏ nhất 3ha), doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, ngành nghề đăng ký ít ảnh hưởng đến nước thải hoặc ô nhiễm môi trường như cơ khí, dăm gỗ… trong khi để đầu tư vận hành một nhà máy thu gom, XLNT thì cần số vốn khá lớn nên không đủ ngân sách để hoạt động. Có nơi xây dựng được nhà máy XLNT thì hoạt động chưa tới 50% công suất do nước thải các cơ sở sản xuất dồn về không nhiều, như tại CCN An Lưu (Điện Bàn).

Tập trung đầu tư đồng bộ

KCN Điện Nam - Điện Ngọc là một trong những KCN của tỉnh Quảng Nam đã hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, với đầy đủ các tiện ích cho các nhà đầu tư, trong đó có Nhà máy XLNT công suất 5000m3/ngày đêm được đưa vào vận hành và hiện trên 15% diện tích đất của KCN được trồng cây xanh giúp giảm bụi và tiếng ồn, giữ vệ sinh môi trường.

kcn2.jpg

Ông Đăng Thành Trung - Phụ trách Dự án KCN Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, đến nay, KCN đã thu hút 69 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 39 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.728,28 tỷ đồng và 30 dự án nước ngoài với vố đầu tư 518,34 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động địa phương. Hàng năm đóng góp đáng kể cho việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam. Kết quả này có được chủ yếu nhờ hạ tầng KCN được đầu tư đồng bộ, giúp nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Viết Thuận - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, để đảm bảo điều kiện hạ tầng về bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Sở TN&MT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn đôn đốc, triển khai một số nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN theo Luật Bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Tam Kỳ sớm có giải pháp, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống XLNT tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải đối với KCN Thuận Yên, phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hệ thống XLNT tập trung, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.

Sở cũng yêu cầu các địa phương cần quan tâm, ưu tiên kinh phí hoặc kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư trong việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, XLNT các CCN đang hoạt động trên địa bàn, trước mắt xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí hạng mục công trình XLNT tập trung cho các CCN đang hoạt động hiện còn quỹ đất công nghiệp lớn đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư các dự án.

“Đặc biệt, đối với một số CCN hiện nay đã được đưa vào quy hoạch theo Phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, có xét đến năm 2035 nhưng hiện nay chưa có quyết định thành lập CCN, chúng tôi đã có công văn đề nghị UBND tỉnh xem xét, cân nhắc trong việc thành lập đối với các CCN có diện tích quy hoạch nhỏ (dưới 10ha) nhằm thuận tiện trong việc kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư và công tác quản lý vận hành công trình môi trường sau này” - ông Thuận cho biết.

Hiện nay theo quy định tại Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2023 các CCN phải hoàn thành hạ tầng bảo vệ môi trường. Tuy nhiên với tình hình đầu tư hạ tầng XLNT ở các CCN của Quảng Nam hiện nay thì đây sẽ là thách thức rất lớn đối với địa phương trong việc thu hút đầu tư./.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Nam: Gỡ “nút thắt” hạ tầng môi trường tại các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Lan Anh/Báo TNMT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...