Chủ nhật, 28/04/2024 19:41 (GMT+7)

Thái Nguyên: Khắc phục hạn chế trong quản lý bảo vệ môi trường

MTĐT -  Thứ sáu, 15/12/2023 09:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo cáo giám sát mới đây của HĐND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục kịp thời.

Theo đó, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường; còn tình trạng vứt bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng một cách bừa bãi; thiếu kiểm soát môi trường trong chăn nuôi; chưa thu gom, xử lý nước thải, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt một cách hiệu quả…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khách quan mà nói, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường. Các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn được cải thiện đáng kể, một số điểm ô nhiễm cao đã được quan tâm chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Tuy vậy, không thể phủ nhận vẫn còn tình trạng ô nhiễm xảy ra ở một số nơi trên địa bàn, có nơi ô nhiễm kéo dài chưa được xử lý.

Thực tế cho thấy, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của một số khu, cụm công nghiệp chưa được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu, quy định. Môi trường không khí xung quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp tại từng thời điểm có hàm lượng bụi vượt ngưỡng cho phép.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 172 cơ sở chưa hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường, trong đó có 87 dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, 28 trang trại chăn nuôi, 53 mỏ khai thác, chế biến khoáng sản và 4 cơ sở y tế.

Một trong những khu vực ô nhiễm môi trường gây bức xúc nhất hiện nay chính là từ các trang trại chăn nuôi. Công tác quản lý hiện trạng, quy mô chăn nuôi trang trại của chính quyền một số địa phương trong tỉnh còn lỏng lẻo, chưa kịp thời hướng dẫn hồ sơ môi trường khi thay đổi quy mô chăn nuôi. Còn địa phương dù chú trọng phát triển chăn nuôi nhưng thiếu kiểm soát việc thực hiện quy định bảo vệ môi trường. Còn trang trại không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không đảm bảo hồ sơ công trình bảo vệ môi trường.

Hoạt động khai thác khoáng sản, luyện kim và xây dựng cũng cho thấy không ít trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Theo thống kê, toàn tỉnh có 27 đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục, trong đó có 16 cơ sở liên quan đến nước thải và 11 cơ sở liên quan đến khí thải.

Có 31 mỏ, thuộc 17 đơn vị, doanh nghiệp còn thiếu trong ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 3 mỏ của 3 đơn vị chưa ký quỹ. Có 47 đơn vị, doanh nghiệp còn nợ thuế và phí bảo vệ môi trường với số tiền lên tới trên 31 tỷ đồng.

Công tác quản lý, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong hoạt động y tế được xem là có lúc, có nơi chưa kịp thời. Vẫn tồn tại cơ sở y tế đang hoạt động nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế tập trung và hoàn thiện hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định. Một số cơ sở y tế thiết lập và tổ chức cụm lưu giữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo yêu cầu…

Cùng với đó, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, miền núi chưa cao, lượng rác thải nhựa phát sinh lớn, chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa đạt kết quả như mong muốn, còn địa phương chưa bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt.

Thực tế trên cho thấy, đã đến lúc phải có giải pháp quyết liệt hơn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các chuyên gia cho rằng, muốn sớm có được kết quả cần phải đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường; hình thành lối sống, sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường.

Cơ quan chuyên môn cần nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từ đó giám sát thực hiện các biện pháp buộc khắc phục hậu quả và những trường hợp chậm khắc phục theo kết luận thanh tra.

Với địa phương, cần có giải pháp cải tạo, khắc phục hoặc đóng cửa các bãi chôn lập rác thải gây ô nhiễm; hướng dẫn người dân chủ động phân loại, xử lý rác thải tại nguồn…

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Khắc phục hạn chế trong quản lý bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.