Thứ sáu, 29/03/2024 04:04 (GMT+7)

Thời gian giải quyết tranh chấp đất đai tại Toà án

MTĐT -  Thứ ba, 05/05/2020 15:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Câu hỏi: Nếu khởi kiện ra toà vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, cụ thể ai là người có quyền sử dụng đất hợp pháp thì quy trình giải quyết mất bao lâu? Nếu khi hoà giải thành tại cấp cơ sở là xã thì cần phải làm gì, để được công nhận quyền sử dụng đất?

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Căn cứ vào Điều 202, 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc hoà giải, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thì trước khi khởi kiện ra Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ việc thì phải thực hiện thủ tục hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất. Và thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai được hướng dẫn cụ thể và chi tiết tại Điều 88 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP.

Sau khi có kết quả hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất thì bạn có quyền nộp một bộ hồ sơ khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu được thụ lý, xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về thời gian giải quyết tranh chấp đất đai tại Toà án: Căn cứ vào Điều 190, 191, 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì:

+/ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Sau đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  1. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  2. Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện;
  3. Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  4. Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

+/ Tiếp đó, Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí; đối với trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

+/ Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài; Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

+/ Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đưa vụ án ra xét xử.

+/ Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Về kết quả hoà giải thành tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất: Căn cứ vào Điều 88 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 57 Điều 2 Nghị định số: 01/2017/NĐ-CP thì kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến Phòng TN&MT thuộc UBND cấp huyện.

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline KĐT Văn Quán, Văn Quán, Q.Hà Đông, Tp. Hà Nội.
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Thời gian giải quyết tranh chấp đất đai tại Toà án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.