Thứ sáu, 26/04/2024 17:55 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 28/1/2020

MTĐT -  Thứ ba, 28/01/2020 09:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 28/1/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 28/1/2020.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp khẩn phòng, chống dịch bệnh do vi rút Corona

Chiều 27/1, tức chiều mùng 3 Tết Nguyên đán Canh Tý, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp khẩn với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan để nắm bắt tình hình và thống nhất những giải pháp ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm này. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các ban, bộ ngành địa phương nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe nhân dân; có những giải pháp cụ thể, khẩn trương, đồng bộ không được để dịch Corona lan tràn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân Việt Nam.

Nhấn mạnh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Thủ tướng chỉ đạo cần “có những biện pháp kịp thời hơn, đồng bộ hơn, không được để dịch bệnh Corona bùng phát ở nước ta”.

Về tình hình diễn biến của dịch bệnh, theo báo cáo của Bộ Y tế dẫn nguồn từ Hệ thống Giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam) – Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế ở Việt Nam, đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận 2.797 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Trong số này, đã có 80 trường hợp tử vong (đều tại thành phố Vũ Hán, tình Hồ Bắc, Trung Quốc và có 1 trường hợp là cán bộ y tế). Riêng tại Trung Quốc, đã ghi nhận 2.747 trường hợp tại 30 tỉnh, thành phố. Trung Quốc đã khởi động cơ chế ứng phó cấp 1 đối với dịch bệnh.

Hợp tác kinh tế: Một trong 3 trụ cột chính trong hợp tác Việt Nam - ASEAN

Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Bên cạnh các mục tiêu đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực nội khối ASEAN; Việt Nam cũng đặt ra những ưu tiên thúc trong trụ cột kinh tế ASEAN.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, ASEAN đóng vai trò đối tác thương mại quan trọng hàng đầu. Năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia Khối thương mại tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới chỉ đạt khoảng gần 6 tỷ USD, nhưng đến nay, con số này đã tăng tới hơn 10 lần, trên 60 tỷ USD.

Đến nay Việt Nam đã có 16 FTA, trong số đó có rất nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới, bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Có tới 15 trên tổng số 20 nước trong G20 Việt Nam đã ký kết các FTA. Điều đó chứng tỏ năng lực và vị thế, hình ảnh của Việt Nam đã tăng lên rất mạnh mẽ. Đánh giá tầm quan trọng của hội nhập kinh tế ASEAN trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Có thể nói, hợp tác của chúng ta với ASEAN là những bước đi đầu tiên. Dư địa cho của Việt Nam trong tiếp cận với kinh tế của khu vực và các khu vực khác trên thế giới thông qua vai trò của ASEAN được khẳng định mạnh mẽ. Chính sự hợp tác của Việt Nam với ASEAN trong tất cả các lĩnh vực, khía cạnh, trong đó lấy kinh tế là trụ cột quan trọng đã đưa lại vị thế rất quan trọng cho Việt Nam như hiện nay, cả về chính trị, đối ngoại cũng như kinh tế.

Hội nhập kinh tế ASEAN không chỉ đem lại những cơ hội tăng cường thúc đẩy hợp tác thương mại thế giới, mà còn đóng góp tích cực và có ý nghĩa cho việc tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền, trên nền tảng của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành vào tháng 12/2015 đã chứng minh cho một tầm nhìn chung của các nhà lãnh đạo của các nước ASEAN cũng như của Việt Nam, mà trong đó phải khẳng định sự đóng góp rất tích cực của Việt Nam trong nền tảng chung này. Và chính Cộng đồng kinh tế ASEAN và Tầm nhìn ASEAN 2025 chính là những định hướng cơ bản cũng như then chốt để đảm bảo vị thế, vai trò của ASEAN như là một trung tâm của Đông Nam Á và của khu vực Đông Á, của Châu Á Thái Bình Dương, giúp cho cả Việt Nam cũng như thành các nước thành viên trong ASEAN có được sự phồn vinh và phát triển.

Năm 2020 cũng là năm Việt Nam kết thúc 5 năm nhiệm kỳ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, và bắt đầu cho việc xây dựng Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện những trọng trách của Chủ tịch ASEAN cũng đòi hỏi Việt Nam phải có những quan điểm nhất quán, rõ ràng cả về khía cạnh đối ngoại cũng như trong các yếu tố liên quan đến mục tiêu chiến lược phát triển 5 năm, cũng như chiến lược 10 năm và xa hơn nữa.

Và với hai nội hàm trong chủ đề của năm 2020 thì Việt Nam cũng đã có định hướng những mục tiêu ưu tiên cụ thể. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, thương mại đơn phương đang đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó có cả những khuôn khổ của khối AFTA, làm sao tăng cường khả năng thích ứng của ASEAN, tăng cường kết nối trong khởi nghiệp sáng tạo, trong thương mại điện tử, phá bỏ những rào cản tự do hóa thương mại… là những trọng tâm ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một vai trò của người Chủ tịch của ASEAN đủ sức nắm bắt, điều hành với vai trò xung kích của mình để cùng với các nước ASEAN khẳng định lại một lần nữa ở mức độ mới, cục diện mới, với sự kết nối, sự liên kết. Phải làm sao đảm bảo khả năng thích ứng và chống chọi với những diễn biến mới và tiếp tục tạo ra những sức sống mới cho ASEAN, cũng như cho các khuôn khổ hợp tác của ASEAN và các đối tác.

Với tư cách là Chủ tịch của ASEAN 2020, năm nay Việt Nam có khoảng 16 - 17 sáng kiến triển khai trên tất cả những lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ… Cùng các FTA sẵn có giữa ASEAN với các đối tác thế giới, hiệp định RCEP mà ASEAN dự kiến chuẩn bị ký kết năm nay, hợp tác kinh tế ASEAN năm 2020 chắc chắn mang lại những cục diện mới.

Báo Singapore đánh giá thị trường thương mại điện tử Việt Nam bùng nổ

Kết quả này phần lớn là do dòng vốn đầu tư ở nước này vẫn đang gia tăng với tốc độ chưa từng thấy. Trong 4 năm qua, khoảng 1 tỷ USD vốn tài trợ đã được rót vào khu vực thương mại điện tử của Việt Nam, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019.

Dẫn báo trên, phóng viên TTXVN tại Singapore cho biết trong hai năm qua, khu vực đã chứng kiến sự nổi lên của các bên tham gia thương mại điện tử của Việt Nam, như Tiki, Thế giới di động và Sendo, nằm trong số những nền tảng thương mại điện tử thành công nhất trong khu vực.

Qua báo cáo “Thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ của Việt Nam do Viện nghiên cứu Đông Nam Á – ISEAS Yusof Ishak – công bố mới đây trong tháng 1, có thể thấy tiềm năng lớn nhất trong khu vực thương mại điện tử của Việt Nam qua sự mở rộng rất lớn của nó, được dự đoán đạt tới 15 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.

Về mặt doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 30% vào năm 2018, đạt mức cao mới khoảng 8 tỷ USD. Số người tham gia thương mại điện tử tăng cao kỷ lục, khoảng 56,7% năm 2019 và được cho là đạt 64,4% trong 4 năm tới. Nếu thị trường thương mại điện tử này có thể duy trì được tỷ lệ tăng trưởng hiện nay của nó là 30%, thì quy mô thị trường của nó có thể đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, xếp thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

Những yếu tố hỗ trợ khác cũng đang phát huy tác dụng. Kinh doanh logistics và phân phối đã chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng mang tính hiện tượng là 70% trong sự cạnh tranh mạnh mẽ năm 2018. Các doanh nghiệp này cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như tự động hóa và dữ liệu lớn.

Về mặt khuôn khổ pháp lý, so với các nước khác thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam có môi trường pháp lý tương đối thuận lợi cho việc phát triển thương mại điện tử, với 5 trong số 6 luật chính được ban hành đầy đủ để điều tiết các hoạt động của thương mại điện tử.

Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam cũng phải đối mặt với một số trở ngại. Chẳng hạn, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu hơn so với các nhà cung cấp trực tuyến toàn cầu nên người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, ưa thích hơn việc mua hàng từ các trang như Amazon hay eBay. Như vậy, sự xâm nhập của Amazon vào thị trường Việt Nam đã gây sức ép mạnh mẽ cho các bên tham gia thương mại điện tử trong nước đang tồn tại của Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đã không đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu thị hiếu khách hàng. Chất lượng và thiết kế của các sản phẩm trong nước vẫn thua kém các sản phẩm tương tự của các công ty khác.

Bên cạnh đó là thực tế các nhà kinh doanh trong nước và quốc tế tiếp tục sử dụng thương mại điện tử để bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và thậm chí là hàng dán nhãn thương mại. Những vụ lừa đảo trên mạng như đánh cắp thông tin, dữ liệu và tài khoản ngân hàng đã khiến người tiêu dùng thận trọng với việc mua sắm trực tuyến.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 28/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới