Thứ bảy, 27/04/2024 06:31 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/8/2019

MTĐT -  Thứ ba, 06/08/2019 11:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/8/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/8/2019 trong nước và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quan hệ giữa Việt Nam và EU đang có nhiều bước tiến tích cực

Tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đồng thời là Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini vào chiều nay (5/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đánh giá cao bà đã có nhiều đóng góp trong thúc đẩy quan hệ giữa hai bên, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu vừa được ký ngày 30/6 vừa qua. Đây là dấu mốc quan trọng có ý nghĩa lịch sử.

Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ giữa Việt Nam và Liên mình châu Âu đang có nhiều bước tiến tích cực, mang tầm chiến lược. Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng với lãnh đạo châu Âu gần đây, Thủ tướng luôn bày tỏ trân trọng đối với tình cảm, sự quan tâm cũng như chia sẻ hết sức thẳng thắn của các lãnh đạo Liên minh châu Âu trong thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Đồng thời đặc biệt nhấn mạnh, mối quan hệ này đã đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực.

Về kinh tế, Thủ tướng đề nghị Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do cùng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Việt Nam, để hiện thực hóa các cơ hội hợp tác phục vụ lợi ích của người dân cũng như khẳng định cam kết của hai bên đối với tự do thương mại, đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những bước phát triển tích cực về hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, đồng thời hy vọng cùng với nhiều thỏa thuận song phương khác về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường. Tới đây, hai bên sẽ sớm ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch EC, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cũng đề nghị Liên minh châu Âu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp khắc phục, tiến tới tháo gỡ "thẻ vàng" trong việc phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp, cùng với tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường nhất là nông, thủy sản tại Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn quan hệ, hợp tác giữa Liên minh châu Âu và ASEAN cũng như với Việt Nam trong khuôn khổ đa phương sẽ được tăng cường trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, Việt Nam hoan nghênh Liên minh châu Âu luôn có lập trường ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông. Đồng thời đề nghị Liên minh châu Âu duy trì lập trường đề cao thượng tôn pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, các bên không có hành động làm phức tạp tình hình, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đồng thời là Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini đánh giá cao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn có thiện chí và nỗ lực trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Bà khẳng định, thời gian tới, các cơ quan lãnh đạo của Liên minh có sự thay đổi nhân sự nhưng có điều không đổi là Việt Nam luôn là ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với Liên minh châu Âu.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh việc hai bên ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư là tín hiệu tích cực gửi ra thế giới về ủng hộ tự do thương mại trong bối cảnh thế giới có biến động phức tạp. Bà cũng đánh giá cao Việt Nam luôn nỗ lực của trong cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu về kinh tế, văn hóa, lao động và an ninh mạng. Đây là cơ sở tốt để Nghị viện châu Âu thông qua các hiệp định mà hai bên vừa ký.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng khẳng định mạnh mẽ lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển đi cùng với bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không. Đây là vấn đề quốc tế mà các nước cùng quan tâm vì Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng cho cả châu Âu, châu Á và toàn cầu.

Bà Federica Mogherini cũng chúc mừng Việt Nam năm tới đảm nhiệm cả vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đồng thời kỳ vọng Liên minh châu Âu sẽ phối hợp hiệu quả hơn với Việt Nam trong năm tới về các vấn đề quốc tế, khu vực và thúc đẩy quan hệ song phương. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu

Sáng 5/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách Đối ngoại và An ninh.

Chủ tịch Quốc hội chào mừng bà Federica Mogherini lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam; đồng thời bày tỏ vui mừng trước những bước tiến mới trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU thời gian qua.

Hai bên đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); triển khai các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp nhằm triển khai Hiệp định Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam – EU (PCA), Đối thoại nhân quyền Việt Nam - EU; phê chuẩn và đưa vào triển khai ngay sau khi có hiệu lực Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

Quang cảnh buổi tiếp.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn coi Liên minh châu Âu là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, tiếp theo việc thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vào tháng 6/2019 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đang phối hợp với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xem xét, thông qua hai Công ước số 108 và 87 của ILO, Bộ luật Lao động sửa đổi. Điều này thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn lao động được nêu trong EVFTA, cũng như thực hiện các nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên ILO.

Bày tỏ lạc quan về triển vọng quan hệ Việt Nam – EU thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia EU sớm xem xét phê chuẩn EVFTA và EVIPA để hiện thực hóa những cam kết của hai bên đối với thương mại tự do và đầu tư với những lợi ích chiến lược cho cả Việt Nam và EU. Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã yêu cầu Chính phủ hoàn tất thủ tục để Quốc hội phê chuẩn hai hiệp định này vào tháng 10 tới.

Bà Federica Mogherini cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp; đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam, trong đó vào năm 2020 sắp tới khi Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA).

Bà F. Mogherini cho rằng, trong cơ chế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và Việt Nam đã điều phối với nhau trong nhiều vấn đề, đã thể hiện lập trường của các bên. Do đó, khi Việt Nam đảm nhận các vai trò trên sẽ là cơ hội tốt để EU và các nước thành viên thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, với ASEAN trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc...

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đánh giá, việc ký kết, phê chuẩn nhiều văn bản pháp lý và tần suất cao các chuyến thăm của lãnh đạo hai bên trong thời gian qua đã thể hiện vị trí ưu tiên của quan hệ song phương trong chính sách đối ngoại của mỗi bên; đồng thời tạo nền tảng ngày càng vững chắc và mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ Việt Nam - EU trong thời gian tới.

Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, là một quốc gia có biển, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng...

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách Đối ngoại và An ninh F.Mogherini đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 đối với quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển. Theo bà F.Mogherini, nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng, Biển Đông cũng là lợi ích kinh tế, lợi ích về an ninh của nhiều quốc gia, trong đó có Liên minh châu Âu; đây là vấn đề của toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng quan tâm.

Biểu diễn âm nhạc nhân dịp kỷ niệm 198 năm Quốc khánh Cộng hòa Peru

Tối 5/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Peru tại Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình biểu diễn âm nhạc, khiêu vũ truyền thống, nhân dịp kỷ niệm 198 năm Quốc khánh Cộng hòa Peru (1821-2019), 25 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Peru.

Tham dự sự kiện có đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và kiều bào Peru.

Ông Augusto Morelli, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Peru phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Khẳng định các hoạt động nhân kỷ niệm 198 năm Quốc khánh Peru là dịp điểm lại những thành tựu trong mối quan hệ giữa Việt Nam - Peru, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Peru tại Việt Nam Augusto Morelli cho rằng, đây là cơ hội để hai bên hướng tới sự hợp tác tích cực, sâu rộng giữa trong thời gian tới.

Theo Đại sứ, mối quan hệ giữa Peru và Việt Nam còn rất trẻ, đang trong quá trình hình thành. Hiện nay là thời điểm thích hợp nhất để tăng cường, làm sâu sắc hơn mối quan hệ này ở nhiều mặt: kinh tế - tài chính, văn hóa, đầu tư, hợp tác song phương và hợp tác đa phương. Đồng thời, đây cũng là thách thức hai nước đang đối mặt với mong muốn đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân.

Đại sứ Augusto Morelli mong muốn buổi biểu diễn này sẽ góp phần giúp nhân dân Việt Nam hiểu biết hơn về nền âm nhạc phong phú của Peru nói riêng, nền văn hóa Peru nói chung.

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, mặc dù cách xa về địa lý nhưng Việt Nam - Peru có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa. Nhân dân hai nước có nhiều thiện cảm, tình đoàn kết, sự ủng hộ và mong muốn hợp tác tốt đẹp. Đây là nền tảng quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh ngoại giao văn hóa được xác định là một trong ba trụ cột chính của nền ngoại giao Việt Nam.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, buổi biểu diễn là cơ hội quý báu để người dân Việt Nam có dịp thưởng thức những nét đẹp độc đáo của nền văn hóa Peru; đồng thời bày tỏ tin tưởng, các tác phẩm nghệ thuật truyền thống của Peru được trình bày dưới sự kết hợp của các thành viên Ban nhạc Apu Inka sẽ đưa đất nước Peru đến gần hơn với người dân Việt Nam.

Tại chương trình, Ban nhạc Apu Inka đã giới thiệu tới công chúng Việt Nam âm nhạc dân gian và các vũ điệu truyền thống của các dân tộc sống tại rừng rậm Amazon cho tới vùng núi cao Andes. Trên nền các giai điệu được thể hiện bằng các nhạc cụ cổ truyền xen lẫn hiện đại, các vũ công Peru đã trình diễn các điệu nhảy truyền thống tiêu biểu của các nền văn minh cổ xưa ở Peru cũng như những vũ điệu mới hơn được hình thành nhờ sự kết hợp giữa văn hóa bản địa với văn hóa Tây Ban Nha và văn hóa châu Phi.

Apu Inka là ban nhạc nổi tiếng của Peru, đã, đang thực hiện tour lưu diễn ở nhiều nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Việt Nam…, để quảng bá âm nhạc truyền thống của đất nước Nam Mỹ này.

Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật.

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phối hợp "Năm dân vận chính quyền" 2019 giữa Ban Dân vận Trung ương, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Người dân đến giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận Đống Đa. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, nổi cộm, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; tổ chức triển khai giải quyết nghiêm túc, triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng của Trung ương; quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có biện pháp giải quyết, không để vụ việc kéo dài, gây bức xúc cho người dân.

Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ dân vận chính quyền trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 6/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới