Thứ sáu, 26/04/2024 21:33 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/5/2020

MTĐT -  Thứ tư, 27/05/2020 06:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/5/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 27/5/2020.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ODA cho các dự án hạ tầng

Chiều 26/5, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tiếp ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chúc mừng ông Yamada Takio được Chính phủ Nhật Bản bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Ông Vương Đình Huệ cho biết, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tốt đẹp. Đây là nền tảng để các địa phương tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau.

Đối với Hà Nội, Nhật Bản nói chung và Thủ đô Tokyo, các địa phương khác nói riêng là những đối tác hết sức quan trọng và Hà Nội đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ mọi mặt với các địa phương. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nhật Bản là đối tác đầu tư số một của Việt Nam và cũng là nhà tài trợ ODA lớn nhất với kim ngạch thương mại 2 chiều và lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio

Thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Thành phố đã vào cuộc quyết liệt và tới nay cơ bản đã đẩy lùi, kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, đời sống của người dân, qua đó tạo tiền đề để phục hồi và phát triển kinh tế. Hà Nội cũng đã có kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện, phấn đấu đạt mức tăng trưởng gấp 1,3 lần so với bình quân chung của cả nước, bảo đảm thu - chi ngân sách.

Đề cập đến hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn tại Hà Nội, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 tới đây, ông Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đã chuẩn bị mọi điều kiện từ đầu tháng 3. Đây là sự kiện góp phần kết nối lại các hoạt động kinh tế, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi lời mời Đại sứ Nhật Bản tới tham dự hội nghị; đồng thời khẳng định sẵn sàng trao đổi với Đại sứ các giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai bên trong điều kiện “bình thường mới”.

Đánh giá cao vai trò lãnh đạo của chính quyền Hà Nội trong thành công của nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, Đại sứ Yamada Takio khẳng định việc kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 sẽ là tiền đề quan trọng thu hút doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào thành phố và Chính phủ Nhật Bản mong muốn nhanh chóng khôi phục quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam. Ông Yamada Takio cũng nhận lời tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư sắp tới của thành phố Hà Nội và mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có thể nhanh chóng nối lại hoạt động.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ODA cho Hà Nội trong các dự án quan trọng, đặc biệt là về hạ tầng. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành phố đã có chủ trương rà soát, giải quyết các vướng mắc liên quan tới các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn, trong đó có những dự án của Nhật Bản. Ông Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới của các nước, đặc biệt là Nhật Bản, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang tái cơ cấu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Khai mạc Đại hội Đảng bộ điểm của Đảng bộ thành phố Hà Nội

Sáng nay 26/5, Đại hội đại biểu lần thứ 22 Đảng bộ huyện Gia Lâm (Hà Nội) nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc.

Với chủ đề “Đoàn kết - Trí tuệ - Dân chủ - Kỷ cương”, đây là đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở đầu tiên và cũng là một trong 3 đại hội điểm của Đảng bộ thành phố Hà Nội, với sự tham dự đại hội có 219 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 11.000 đảng viên Đảng bộ huyện Gia Lâm. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2015-2020 của thường trực huyện ủy Gia Lâm nêu rõ: thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI, Đảng bộ huyện Gia Lâm đã đạt kết quả quan trọng, toàn diện; hoàn thành 20/20 chỉ tiêu. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu thuộc huyện quản lý tăng bình quân hằng năm 11,03%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 dự kiến đạt 62,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,88 lần so với năm 2015.

Khai mạc Đại hội Đảng bộ điểm của Đảng bộ thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hà Nội mới)

Đến nay, huyện Gia Lâm không còn hộ nghèo… với những kết quả nổi bật, huyện được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ 3 năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019). Đảng bộ huyện vinh dự là đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm (2015-2019), được Ban Thường vụ Thành ủy tặng Bằng khen…

Dự thảo Báo cáo chính trị của huyện nêu 6 định hướng phát triển, 4 nhóm chỉ tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ - giải pháp chủ yếu. Với quyết tâm trở thành quận vào năm 2025, huyện Gia Lâm sẽ tạo đột phá về kết cấu hạ tầng khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp; đồng thời tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và bản lĩnh hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ 22 là một sự kiện chính trị quan trọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện; là Đảng bộ đầu tiên trực thuộc Thành ủy tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020 -2025 và là một trong ba Đảng bộ cấp quận, huyện được lựa chọn tổ chức Đại hội điểm. Vì vậy, thành công của Đại hội sẽ đóng góp rất quan trọng vào thành công chung của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17.

Chúc mừng những thành quả mà đảng bộ, dảng viên, nhân dân huyện Gia Lâm đạt được trong 5 năm qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội cơ bản tán thành với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, những giải pháp chủ yếu cùng với các chương trình và 2 khâu đột phá đã đề ra trong Báo cáo chính trị trình Đại hội.

“Cần chú trọng triển khai thực hiện tốt Đề án “Đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận đến năm 2025”; đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế giáo dục và các thiết chế văn hóa thiết yếu. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải đi trước một bước để hình thành Quận mới hiện đại, thông minh, xanh, phát triển hài hòa, bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường” - Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu.

Thái Lan xem xét quyết định gia nhập CPTPP trong 30 ngày

Theo Reuters, chính phủ Thái Lan hôm 26/5 đã nhất trí thiết lập ủy ban để xem xét khả năng đưa nước này gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khi xuất hiện nhiều ý kiến phản đối cho rằng việc gia nhập CPTPP sẽ gây tác động tiêu cực đối với nền nông nghiệp của nước này.

Hạ viện Thái Lan dự kiến cũng sẽ lấy ý kiến của công luận về việc tham gia CPTPP, người phát ngôn chính phủ Rachada Dhnadirek thông báo trong một buổi thông tin báo chí.

Hiệp định CPTPP gồm 11 thành viên là các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: AP.

"Kết luận của ủy ban sẽ rất hữu ích cho chính phủ trong việc quyết định có gia nhập CPTPP hay không, và chính phủ muốn hoàn thành công việc trong vòng 30 ngày", bà Rachada cho biết.

Bộ Thương mại Thái Lan trước đó cho biết nghiên cứu của cơ quan này cho thấy việc tham gia CPTPP sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của nước này, tạo điều kiện giải quyết những tác động tiêu cực gây ra bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đã tạm dừng đưa ra quyết định về việc gia nhập CPTPP trong tháng 4 sau khi một số chính trị gia, các nhóm xã hội dân sự và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng lên tiếng phản đối khi cho rằng bộ phận nông nghiệp và chăm sóc y tế Thái Lan sẽ chịu thiệt hại.

CPTPP được ký kết ngày 8/3/2018 gồm 11 thành viên, gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, và Singapore. Trước đó, Mỹ đã rút khỏi văn kiện tiền thân của CPTPP là TPP vào đầu năm 2017 sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới