Chủ nhật, 28/04/2024 05:55 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/10/2023

MTĐT -  Thứ năm, 26/10/2023 16:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 26/10/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao...

Hà Nội chưa giải ngân 90 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini

Tính đến thời điểm ngày 16/10 (thời điểm đóng tài khoản nhận hỗ trợ), MTTQ phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tiếp nhận được khoảng 90 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho các nạn nhân và gia đình các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) Trần Phương Linh cho biết, tính đến ngày 16/10, kênh tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân và gia đình các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini qua tài khoản của MTTQ phường đã đóng lại với số tiền tiếp nhận được khoảng 90 tỷ đồng. Hiện số tiền này đã được chuyển về MTTQ quận Thanh Xuân để lên phương án hỗ trợ các nạn nhân.

tm-img-alt
Tính đến thời điểm ngày 16/10, sau khi đóng tài khoản tiếp nhận hỗ trợ, MTTQ phường Khương Đình tiếp nhận khoảng 90 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân và gia đình các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini

“Cả 3 kênh tiếp nhận tiền ủng hộ các nạn nhân và gia đình các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini là MTTQ TP. Hà Nội, MTTQ quận Thanh Xuân và MTTQ phường Khương Đình đã đóng lại vào ngày 16/10. Theo đúng chức năng nhiệm vụ, MTTQ phường cũng đã hoàn thành xong việc tiếp nhận. Toàn bộ số tiền mà đơn vị nhận được đã được chuyển về MTTQ quận Thanh Xuân”, bà Trần Phương Linh nói.

Theo bà Trần Phương Linh, sau khi đóng tài khoản, đã có một số đơn vị, cá nhân đến ủng hộ tiếp, nhưng đơn vị đã không nhận nữa.

“Sau khi đóng tài khoản, đã có một đơn vị ở TP.HCM bay ra Hà Nội để hỗ trợ nhưng đơn vị đã từ chối và họ lại bay vào Nam. Một số người dân cũng đến hỗ trợ tiền mặt nhưng chúng tôi đều trả lời là không còn tiếp nhận nữa”, bà Linh nói.

Cũng theo bà Trần Phương Linh, theo Nghị định 93 đến thời điểm này, toàn bộ các phương án hỗ trợ đang được đưa lên Thành ủy phê duyệt và cơ quan trực tiếp thực hiện nội dung hỗ trợ này sẽ là cấp quận, huyện.

“Phương án tiếp theo theo đúng Nghị định 93/2021, sau khi đóng kênh tiếp nhận, trong vòng 20 ngày, UBND quận sẽ lên phương án hỗ trợ cho bà con”, bà Trần Phương Linh cho biết.

Trao đổi về vấn đề giải ngân tiền hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch thường trực MTTQ TP. Hà Nội cho biết hiện nay vẫn chưa có kế hoạch trong việc phân bổ nguồn tiền tiếp nhận ủng hộ các nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư đường dây 500kV 'cứu điện' cho miền Bắc

Đây là một trong 4 dự án thành phần thuộc đường dây 500kV mạch 3. Dự án này có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu hơn 925 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị tổng mức đầu tư được phân bổ theo kế hoạch. Vốn vay ngân hàng thương mại là hơn 2.100 tỷ đồng, chiếm 70% giá trị tổng mức đầu tư (bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Thủ tướng chấp thuận nhà đầu tư là Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia - đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mục tiêu của dự án là giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500kV hiện hữu, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc-Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp.

Dự án góp phần nâng cao độ dự trữ ổn định truyền tải trên giao diện Bắc-Trung, kết hợp với các cung đoạn đường dây 500kV Quảng Trạch-Quỳnh Lưu-Thanh Hóa-Nhà máy nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối, góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.

Theo đó, Dự án đóng vai trò truyền tải công suất nhà máy nhiệt điện Nam Định I sau khi nhà máy đi vào vận hành và các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung bộ, nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực miền Trung vào hệ thống điện Quốc gia, tạo mối liên kết lưới điện các khu vực.

tm-img-alt
Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư đường dây 500kV 'cứu điện' cho miền Bắc. Ảnh BĐT.

Chiều dài đường dây này là khoảng 74,4 km từ sân phân phối 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I đến Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa. Dự án trải dài trên địa bàn 3 tỉnh là Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa. Tiến độ thực hiện dự án từ 2023-2025, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2024.

Đường dây 500kV mạch ba gồm 4 dự án thành phần là: Quảng Trạch-Quỳnh Lưu dài 225km có tổng mức đầu tư 10.110 tỷ đồng; Quỳnh Lưu-Thanh Hóa 92km có tổng mức đầu tư 4.116 tỷ đồng; Thanh Hóa-Nhà máy nhiệt điện Nam Định I dài 74km có tổng mức đầu tư 3.086 tỷ đồng; Nhà máy nhiệt điện Nam Định I-Phố Nối 124km có tổng mức đầu tư 5.539 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án theo ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định pháp luật; chỉ đạo và hướng dẫn EVNNPT trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án cũng như việc lựa chọn công nghệ trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, bảo đảm an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư và phù hợp với mục đích truyền tải trong Hệ thống điện Quốc gia.

Cải tạo chung cư cũ: Các chủ sở hữu phải góp tiền xây lại nhà mới

Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với các chung cư mới, xây dựng sau năm 1994 mà thuộc diện xây dựng lại do vẫn phù hợp với quy hoạch thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư và được nộp kinh phí này theo tiến độ thực hiện dự án.

Đối với cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm di dời người dân ra khỏi nhà chung cư bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ. Đồng thời nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để tránh trùng lặp, rút ngắn thời gian, tăng cường thu hút đầu tư.

Theo đó, ông Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến để bổ sung 01 mục (Mục 5 Chương V) gồm các điều 73, 74 và 75 quy định cụ thể về việc di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, cưỡng chế di dời, phá dỡ nhà chung cư.

Về đề nghị nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, UBTVQH cũng đã tiếp thu ý kiến và chỉnh lý lại dự thảo Luật theo hướng đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của UBND cấp tỉnh thì hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện theo Luật Nhà ở mà không phải thực hiện theo Luật Đầu tư;

Với trường hợp dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì hồ sơ thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Tùng cho biết quy định một số nội dung đặc thù trong thủ tục đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

tm-img-alt
Các chủ sở hữu phải đóng kinh phí xây dựng lại chung cư cũ.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, một số ý kiến đề nghị cần dự liệu phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khả thi hơn trong giai đoạn nhiều năm tới khi các nhà chung cư hiện đại, mới xây dựng trong thời gian gần đây đều đã xây tối đa hệ số cao tầng, sau này khi cải tạo, xây dựng lại không thể nâng chiều cao thêm nữa và dự án không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nếu phải thực hiện cơ chế bồi thường với hệ số K như hiện nay.

Về ý kiến này, UBTVQH cho là xác đáng vì trong giai đoạn tiếp theo, các đô thị lớn sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực cải tạo các chung cư cũ ở nội đô đã xây tối đa chiều cao được phép xây dựng và không thể gia tăng được mật độ dân cư thêm nữa, do đó, các nhà đầu tư không còn động lực để thực hiện các dự án này, đồng thời, Nhà nước cũng không có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng lại.

Theo đó, để bảo đảm tính khả thi, hài hòa giữa lợi ích của chủ sở hữu nhà chung cư, Nhà nước và nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị, UBTVQH tiếp thu và chỉnh lý lại các điều 70, 71 và 72 của dự thảo Luật theo hướng đối với các chung cư cũ, xây dựng trước năm 1994 thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ.

Bắt giam nguyên phó trưởng phòng Công ty Cao su Đắk Lắk

Hôm nay 26/10, VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Võ Tiến Hùng (SN 1968, nguyên Phó Trưởng phòng Kỹ thuật kế hoạch đầu tư Công ty Cao su Đắk Lắk) để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Liên quan đến vụ án này, trước đó VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Văn Đức Lư (68 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đắk Lắk) để điều tra cùng tội danh trên.

ết quả điều tra ban đầu cho thấy, ngày 24/9/2007, ông Võ Tiến Hùng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật kế hoạch đầu tư Công ty Cao su Đắk Lắk đã tham mưu soạn thảo Tờ trình số 146/TTr-CT để ông Huỳnh Văn Khiết - Giám đốc ký duyệt và gửi UBND tỉnh Đắk Lắk về việc xin chủ trương nhập một số giống cây cao su mới của Viện nghiên cứu Malaysia.

Đến ngày 9/10/2007, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn đồng ý với chủ trương nhập giống mới của Viện nghiên cứu Malaysia theo tờ trình của Công ty Cao su Đắk Lắk.

Ngày 21/1/2008, ông Huỳnh Văn Khiết - Giám đốc đại diện Công ty Cao su Đắk Lắk và đại diện Công ty TNHH Cao Su Huỳnh Phước ký hợp đồng kinh tế về việc mua bán giống cây trồng.

Trong đó, thỏa thuận nội dung: Công ty Cao su Đắk Lắk đồng ý mua 6 loại giống với số lượng 1,5 triệu cây, đơn giá 1,2 USD/cây, thành tiền (tính cả VAT 5%) là 1,89 triệu USD.

Sau khi hợp đồng kinh tế được ký kết, ông Hùng tham mưu cho ông Khiết ký thông báo về việc giao cho Trung tâm quản lý chất lượng và dịch vụ khoa học kỹ thuật Cao su Đắk Lắk (đơn vị thuộc Công ty Cao su Đắk Lắk) thực hiện nhiệm vụ trực tiếp nhận giống từ Công ty TNHH Cao su Huỳnh Phước (Công ty Cao su Huỳnh Phước) tại Cảng sân bay TP Hồ Chí Minh và vận chuyển cây giống về giao cho các đơn vị trực thuộc công ty.

Ông Hùng theo dõi và tổng hợp số liệu từng đợt nhận cây giống, ký tên xác nhận vào các phiếu nhập kho hoặc các hóa đơn có liên quan đến việc mua giống cây trồng từ Công ty Cao su Huỳnh Phước.

Do cây giống vận chuyển từ Malaysia bằng đường hàng không, không đảm bảo điều kiện bảo quản nên khi về đến Cảng sân bay Tân Sơn Nhất thì cây giống không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Do đó, trong 2 năm 2008 và 2009, Công ty Cao su Đắk Lắk thực nhận số lượng 328.406 cây. Số lượng cây bị hư hỏng, thiệt hại là 118.672 cây.

Ngày 1/11/2010, đại diện Công ty Cao su Huỳnh Phước có công văn đề nghị Công ty Cao su Đắk Lắk chia sẻ số lượng cây thiệt hại (118.672 cây) mỗi bên chịu 50% thiệt hại.

Đến ngày 9/12/2010, đại diện Công ty Cao su Đắk Lắk gồm: ông Văn Đức Lư (Phó Giám đốc) và ông Võ Tiến Hùng cùng làm việc với đại diện Công ty Cao su Huỳnh Phước thống nhất Công ty Cao su Đắk Lắk đồng ý chịu một nửa kinh phí, chia sẻ rủi ro với Công ty Cao su Huỳnh Phước đối với 118.672 cây đã bị hư hỏng tương đương số tiền gần 1,4 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, việc Công ty Cao su Đắk Lắk thanh toán 50% cây giống bị thiệt hại cho Công ty Cao su Huỳnh Phước là sai quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 1,4 tỷ đồng.

Hiện vụ việc tiếp tục được mở rộng điều tra.

Công an TP.HCM kiểm tra Công ty Thành Bưởi và các chi nhánh

Vietnamnet đưa tin, chiều 26/10, lực lượng Công an TP.HCM phối hợp cùng Công an quận 5 đã phong tỏa và kiểm tra tại Công ty TNHH Thành Bưởi (số 266 – 268 đường Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5).

CSGT - trật tự - Công an quận 5 đã có mặt phía trước, điều tiết giao thông để lực lượng chức năng TP.HCM làm việc, kiểm tra bên trong.

tm-img-alt
Công an TP.HCM phối hợp cùng Công an quận 5 để kiểm tra tại Công ty TNHH Thành Bưởi, ở đường Lê Hồng Phong, quận 5. 

Cũng trong chiều 25/10, Công an TP.HCM phối hợp cùng Công an quận Bình Thạnh, Thanh tra sở GTVT TP.HCM kiểm tra tại chi nhánh của Công ty Thành Bưởi ở đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh.

Khi các lực lượng chức năng xuất hiện thì có một số khách hàng liên hệ đặt mua vé trực tiếp, nhưng sau đó thì tất cả hoạt động tại trụ sở công ty chính và chi nhánh đã dừng.

Được biết, Thành Bưởi khai thác vận tải hành khách nhiều tuyến như: TP.HCM – Đà Lạt, TP.HCM - Cần Thơ, Đà Lạt - Cần Thơ…

Trước đó, ngày 30/9 xe khách BKS 50F-004.83 của Thành Bưởi đã gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Quốc lộ 20, đoạn thuộc địa bàn huyện Định Quán, Đồng Nai khi va chạm với xe khách 16 chỗ, làm cho 5 người tử vong và 4 người khác bị thương.

Mong muốn của người dân nhường đất xây dựng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Ngày 26/10, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã gặp gỡ, đối thoại với người dân nhường đất xây dựng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Buổi đối thoại có sự tham gia của các ngành chức năng tỉnh và hàng trăm người dân vùng dự án.

Tại buổi đối thoại, người dân bày tỏ đồng tình, ủng hộ dự án, mong muốn chính quyền sớm thực hiện giải phóng mặt bằng để họ ổn định cuộc sống.

Người dân đề nghị khi thu hồi đất, ngành chức năng áp giá bồi thường sát với giá thị trường, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm.

Về vấn đề tái định cư, nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án rất chậm, dù cao tốc đã khởi công gần 3 tháng, nhưng đến nay người bị thu hồi đất vẫn chưa biết chỗ ở. Thông tin về diện tích lô đất, hệ thống hạ tầng khu tái định cư người dân chưa nắm được.

Ông Nguyễn Cao Nam (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, trong phạm vi dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có nhiều gia đình các thế hệ cùng chung sống; xây nhà trên đất nông nghiệp; sinh sống lâu năm nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người dân mong cơ quan chức năng thông tin về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với những trường hợp này.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài gần 54km, từ Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34km.

Để triển khai dự án, tỉnh phải thu hồi đất của khoảng 3.700 hộ tại 11 xã, phường thuộc thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, trong đó có khoảng 1.800 hộ cần bố trí tái định cư.

Tỉnh đang kiểm đếm đất đai, tài sản, dự kiến tháng 12 năm nay sẽ đồng loạt chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai chậm, các khu tái định cư phục vụ dự án chưa được xây dựng.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết khi thu hồi đất của các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất đủ điều kiện nhưng do nằm trong vùng quy hoạch nên không thể cấp Giấy), Nhà nước vẫn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như các hộ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

tm-img-alt
Người dân tìm hiểu về cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Với đất đồng sở hữu, nếu các phần đất có diện tích rõ ràng, Đồng Nai sẽ bồi thường cho từng hộ, trường hợp đồng sở hữu không xác định rõ diện tích, người dân tự thỏa thuận, thống nhất và cử đại diện, ngành chức năng sẽ chi trả tiền bồi thường cho các hộ qua đầu mối là người đại diện.

Đồng Nai đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền tạm cư, sau khi nhường đất cho Nhà nước, nếu người dân vẫn chưa có chỗ ở mới, được hỗ trợ tiền thuê trọ, mức hỗ trợ từ 3 triệu đồng/hộ/tháng đến 4 triệu đồng/hộ/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa là 5 tháng.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai khẳng định cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là dự án trọng điểm quốc gia, song chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn thực hiện như các dự án khác, không có cơ chế đặc thù.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 26/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề