Chủ nhật, 28/04/2024 22:57 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/2/2024

MTĐT -  Thứ hai, 19/02/2024 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/2/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/2/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Bộ Xây dựng: Năm 2024 cả nước sẽ hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Hiện đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tăng ưu đãi hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và các chính sách riêng về nhà ở lưu trú công nhân trong KCN, nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, với việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), hiện nay đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tăng ưu đãi hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và các chính sách riêng về nhà ở lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Về việc quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, đại diện Bộ Xây dựng cho biết qua tổng kết báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội.

Như vậy so với báo cáo năm 2023 (năm 2019, cả nước quy hoạch 3.359 ha) thì diện tích đất phát triển làm nhà ở xã hội hiện đã tăng thêm hơn 5.00 ha. Trong số đó một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.063 ha; Thành phố Hồ Chí Minh 608 ha; Long An 577 ha; thành phố Hải Phòng 471 ha; thành phố Hà Nội 412 ha.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

“Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như Ninh Bình, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đồng Tháp,” báo cáo của Bộ Xây dựng lưu ý.

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/2/2023 của Chính phủ, theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 27.966 tỷ đồng.

Tính đến ngày 5/2/2024, trên cả nước đã có 5 dự án nhà ở xã hội (tại các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, An Giang) được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng. Như vậy với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, bước đầu đã có kết quả, song giải ngân còn chậm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 4 phương pháp xác định giá đất theo Luật Đất đai sửa đổi

Dự thảo Nghị định quy định về giá đất gồm 6 Chương, 44 Điều. Dự thảo đề xuất trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp: So sánh; thu nhập; thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất.

Về phương pháp định giá đất, dự thảo nghị định quy định việc lựa chọn phương pháp định giá đất; thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất, trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá đất khi thu thập thông tin, trách nhiệm của các đơn vị trong việc cung cấp thông tin; quy định trình tự, nội dung xác định giá đất theo phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất; quy định cụ thể các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất trong phương pháp so sánh.

Cụ thể, căn cứ vào mục đích sử dụng đất được đưa ra định giá, đặc điểm của thửa đất, khu đất cần định giá, các thông tin đã thu thập được, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất quy định tại khoản 6 Điều 158 Luật Đất đai, tổ chức tư vấn định giá đất được thuê có trách nhiệm phân tích, lựa chọn phương pháp định giá đất phù hợp và đề xuất trong báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất làm cơ sở để cơ quan tài nguyên và môi trường trình Hội đồng thẩm định giá đất cùng cấp quyết định.

Thông tin về giá đất, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng để áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất, là thông tin trong khoảng thời gian không quá 24 tháng tính từ thời điểm định giá đất trở về trước được thu thập trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Thông tin cũng có thể được thu thập từ các nguồn như giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng; giá đất đã sử dụng để thu nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế; giá đất chuyển nhượng, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng thành công trên thị trường được thu thập…

Ngoài ra, theo dự thảo, thông tin về chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất nông nghiệp để áp dụng phương pháp thu nhập phải được thu thập tại cơ quan thống kê, thuế, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trường hợp chưa có số liệu thống kê, không có số liệu từ các cơ quan đó thì thu thập thông tin về chi phí thực tế phổ biến trên thị trường của tối thiểu 3 thửa đất có khoảng cách gần nhất đến thửa đất, khu đất cần định giá.

Tổ chức tư vấn định giá đất khi thu thập thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất phải trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin điều tra.

Đơn vị, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn, có trách nhiệm cung cấp thông tin để phục vụ công tác định giá đất bằng văn bản hoặc phương thức điện tử trong thời gian không quá 5 ngày làm việc.

Sở TN-MT có trách nhiệm đăng dự thảo bảng giá đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời gian 30 ngày để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Hải Phòng mời đầu tư vào dự án chỉnh trang đô thị với hơn 288 tỷ đồng

Dự án chỉnh trang đô thị tại khu vực phường Lãm Hà, quận Kiến An có diện tích 1,41 ha, tọa lạc tại phường Lãm Hà, quận Kiến An, TP Hải Phòng. Dự án bao gồm xây dựng trung tâm thương mại với diện tích đất 5.984 m2, gồm 2 tòa nhà cao 3 tầng, trong đó có một tòa nhà có 2 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng là 20.663 m2.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Mục tiêu của dự án là xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại hiện đại, đa chức năng, tạo điểm nhấn kiến trúc, thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận Kiến An.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 288 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện là 285 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 3,4 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là 57,6 tỷ đồng. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký là 21/3/2024.

Hải Dương gọi đầu tư dự án khu đô thị 895 tỷ tại TP. Chí Linh

Dự án có tổng vốn đầu tư là 686,358 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư là 208,966 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất là 360.000 m2, với địa điểm thực hiện tại phường Văn An, thành phố Chí Linh.

Dự án bao gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật, 70 công trình nhà ở (bao gồm xây thô và hoàn thiện mặt ngoài), công trình giáo dục (trường mầm non), công trình thương mại, dịch vụ...

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tiến độ hoàn thành đầu tư xây dựng là 30 tháng tính từ ngày bàn giao mặt bằng.

Nhà đầu tư quan tâm được yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trước 15 giờ 30 phút ngày 29/3/2024.

Khởi công dự án đường nối cao tốc Bắc-Nam, Quốc lộ 1 đi cảng Nghi Sơn

Sáng 19/2 tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tổ chức Lễ khởi công dự án đường giao thông nối cao tốc Bắc-Nam, Quốc lộ 1 đi cảng Nghi Sơn.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.345 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 1.113 tỷ đồng; ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là 232 tỷ đồng.

Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ năm 2022-2025.

Việc đầu tư xây dựng dự án nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông trong khu vực, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các khu công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung và khu vực dự án đi qua nói riêng.

Theo hồ sơ thiết kế, dự án chia thành hai đoạn tuyến; trong đó, tuyến số 1: Đường tỉnh 512 đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Thọ Xuân-Nghi Sơn có chiều dài 10,366km.

Tuyến số 2: Đường Nghi Sơn-Bãi Trành đoạn từ cầu Hổ đến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông có chiều dài 3km.

tm-img-alt
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án đường nối cao tốc Bắc-Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cùng chủ đầu tư đã bàn giao một số đoạn tuyến cho nhà thầu để triển khai thi công.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ khởi công, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Tuyến đường có vai trò là trục giao thông kết nối liên vùng trong khu vực và là tuyến giao thông đối ngoại kết nối trực tiếp với Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam; tuyến đường sau khi xây dựng hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các huyện phía Tây của tỉnh với Khu kinh tế Nghi Sơn, đảm bảo phục vụ lưu thông vận chuyển hàng hóa, hành khách, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối đường cao tốc Bắc - Nam, đường Nghi Sơn - Thọ Xuân và các tuyến đường khu vực với Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng biển Nghi Sơn.

Đồng thời, tạo giao thông thuận lợi cho các khu công nghiệp dọc tuyến (trong đó có Khu công nghiệp số 3, số 4), cũng như tăng tính kết nối về du lịch ven biển. Sự kiện khởi công xây dựng dự án ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng; góp phần thực hiện hoàn thành Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

tm-img-alt
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; các sở, ban, ngành cấp tỉnh; cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có tuyến đường đi qua thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định về đầu tư xây dựng, tổ chức thi công đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, tiến độ, an toàn vệ sinh môi trường, an toàn lao động.

Các nhà thầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, đồng loạt tổ chức các mũi thi công; cải tiến phương pháp làm việc, huy động trang thiết bị và công nghệ hiện đại tham gia thi công xây dựng; qua đó, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đã đề ra, đưa dự án vào khai thác sử dụng trong năm 2025.

Gilimex khởi công trạm xử lý nước thải tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo đại diện Công ty cổ phần khu công nghiệp Gilimex, lễ khởi công trạm xử lý nước thải tại Thừa Thiên Huế là hoạt động mở đầu cho năm 2024, thể hiện sự kiên định của doanh nghiệp đối với chiến lược phát triển bền vững, lâu dài trong hệ thống chuỗi khu công nghiệp mang thương hiệu Gilimex.

Trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Gilimex có công suất 7.600 m3 một ngày đêm. Dự án được thiết kế và ứng dụng công nghệ hiện đại, an toàn, khi hoàn thành sẽ đảm bảo xử lý toàn bộ vấn đề nước thải của nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp theo tiêu chuẩn cao nhất về nước thải công nghiệp. Tổng mức đầu tư 130 tỷ, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành từ tháng 12/2024.

tm-img-alt
Ảnh phối cảnh trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Gilimex. Ảnh: Gilimex

Dự án nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể hạ tầng đồng bộ của khu công nghiệp Gilimex nhằm mang đến một khu công nghiệp hiện đại, xanh, sạch, phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để đưa khu công nghiệp Gilimex sớm đi vào hoạt động đồng bộ, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex và sự đồng hành của các sở, ngành, UBND thị xã Hương Thủy, trực tiếp là Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh trong công tác đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Phương cũng đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu thi công tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, an toàn lao động, giữ gìn môi trường cảnh quan công trình và hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải đúng kế hoạch.

Công ty cổ phần khu công nghiệp Gilimex thành lập từ tháng 11/2019, có trụ sở tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Công ty là chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex với diện tích 460,85 ha, tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bình Định mời đầu tư vào dự án xử lý chất thải rắn trị giá 1.500 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định vừa công bố danh mục Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, được thực hiện tại xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Dự án được triển khai tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn, diện tích đất dự kiến sử dụng hơn 100.401m2

Tổng vốn đầu tư của dự án 1.500 tỷ đồng. Công suất thiết kế 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày đêm có phát điện với công suất phù hợp Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

tm-img-alt
Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng (Ảnh minh họa/Nguồn: Internet)

Phạm vi phục vụ của dự án là thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Về lâu dài, sẽ gia tăng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt dựa trên nhu cầu thực tế và mở rộng phạm vi phục vụ theo Kế hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giá dịch vụ xử lý không quá 430.000 đồng/tấn (đã bao gồm thuế VAT và các chi phí xử lý tro bay, tro xỉ, chất thải thứ cấp hình thành từ quá trình tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt).

Ổn định giá trong vòng 3 năm đầu, kể từ ngày nhà máy đi vào vận hành chính thức. Sau 3 năm sẽ cập nhật, điều chỉnh tăng giá; tần suất tăng giá là 2 năm/lần. Hệ số giá tăng được tính theo chỉ số CPI trung bình của 2 năm trước đó.

Lộ trình tăng giá này là lộ trình tăng giá tối đa, khuyến khích các nhà đầu tư có lộ trình tăng giá theo hướng tiết kiệm hơn cho ngân sách nhà nước.

Mục tiêu dự án nhằm xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt (và chất thải công nghiệp thông thường nếu nhà đầu tư có nhu cầu) với công nghệ đốt rác phát điện; chất thải thứ cấp (tro xỉ) sau khi xử lý được tái sử dụng, tái chế, góp phần giảm chôn lấp chất thải, cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.

Tỉnh Bình Định yêu cầu xây dựng nhà máy phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý triệt để mùi hôi, tro bụi và không yêu cầu phân loại rác tại nguồn; máy móc, thiết bị, dây chuyền xử lý phải đảm bảo đầu tư mới, chưa qua sử dụng.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/2/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.