Thứ hai, 13/05/2024 15:45 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/12/2022

MTĐT -  Thứ ba, 13/12/2022 16:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/12/2022. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/12/2022 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Hà Giang: Đã có nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị mới Cao Nguyên Đá

Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị mới Cao Nguyên Đá, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Theo đó, có 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án là: Cty CP Đầu tư Thương mại Xây dựng số 7 và Cty CP Phát triển đầu tư LP Land.

Dự án có sử dụng đất với diện tích 97.041 m2, sơ bộ tổng chi phí thực hiện 220,131 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng).

tm-img-alt
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Quy mô đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nhà ở thương mại, công trình dịch vụ công cộng, nhà văn hóa, cây xanh, khớp nối với các dự án đầu tư, khu dân cư lân cận. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm.

Hai nhà đầu tư đăng ký là: Công ty CP Đầu tư Thương mại Xây dựng số 7 có địa chỉ tại Hải Phòng; Công ty CP Phát triển Đầu tư LP Land có địa chỉ tại Hà Nội.

>>> Xem thêm tại đây

Hà Nội: Xử phạt 21 đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về đào hè, đường

Theo tin từ Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trong tháng 11-2022, lực lượng này đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 21 trường hợp vi phạm quy định về đào hè, đào đường, hoàn trả mặt đường không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, với tổng số tiền hơn 118 triệu đồng.

tm-img-alt
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội xử phạt 21 trường hợp tự ý cải tạo vỉa hè trái phép, để vật liệu ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông. (Ảnh: Internet).

Trong số các trường hợp vi phạm có cả các cá nhân tự ý cải tạo vỉa hè trái phép; một số đơn vị để vật liệu ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông…

Để bảo đảm trật tự an toàn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, Thanh tra Sở kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đặc biệt, các đơn vị quản lý đường phải giám sát chặt chẽ các vị trí hoàn trả mặt đường, bảo đảm êm thuận cho các phương tiện tham gia giao thông. Cùng với đó có văn bản chấn chỉnh đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công vi phạm nhiều lần.

Sẽ khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trước ngày 31/12

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, 12 gói thầu khởi công đầu tiên (331km) của 12 dự án thành phần đã được các ban quản lý dự án phát hành hồ sơ gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát. Việc mở thầu tiến hành vào ngày 16/12 để đánh giá, thương thảo, ký hợp đồng trước ngày 25/12. Toàn bộ 12 dự án được khởi công trước ngày 31/12.

Đối với 13 gói thầu còn lại, các ban quản lý dự án được yêu cầu phải phát hành hồ sơ yêu cầu trước ngày 25/12/2022; mở thầu và đánh giá, thương thảo, ký hợp đồng trước ngày 10/1/2023 để đảm bảo tiến độ khởi công trước ngày 15/1/2023.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, các ban quản lý dự án đã trình thẩm định toàn bộ 25 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tính đến ngày 8/12, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã thẩm định xong 23/25 gói thầu. Hai gói thầu còn lại là XL2 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và gói 13-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Dự kiến, thiết kế kỹ thuật các gói thầu sẽ được Cục thẩm định xong trước ngày 10/12 và Ban quản lý dự án phê duyệt trước ngày 16/12.

Đối với công tác dự toán, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã thẩm định xong 16/25 gói thầu và Ban QLDA đã phê duyệt 13/25 gói thầu (gồm 12 gói thầu khởi công và gói thầu XL1 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ).

"Dự kiến, Cục sẽ thẩm định xong dự toán các gói thầu trước ngày 15/12/2022 và các ban phê duyệt trước ngày 20/12/2022”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.

Cập nhật tiến độ bàn giao mặt bằng dự án, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, với 12 gói thầu khởi công, tính đến ngày 8/12/2022, có 6/12 dự án các địa phương đã bàn giao được trên 70% mặt bằng.

>>> Xem thêm tại đây

Bình Định: Xe trộn bê tông lao xuống biển, 3 người thương vong

Trưa 13/12, lãnh đạo UBND xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) xác nhận có xảy ra vụ việc một xe trộn bê tông đang xuống dốc thì bất ngờ tông vào thành kè chắn, lao xuống biển khiến 1 người tử vong.

tm-img-alt
Xe trộn bê tông đang xuống dốc thì bất ngờ tông vào thành kè chắn, lao xuống biển khiến 3 người thương vong. (Ảnh: Internet)

Theo thông tin ban đầu, khoảng 7h35 sáng cùng ngày, xe trộn bê tông BKS 77H-014.xx (chưa rõ người điều khiển), xe đang lưu thông hướng từ TP Quy Nhơn về xã Nhơn Hải, trên xe có 3 người gồm: Ng.N.N (SN 2001), N.Đ.T (chưa rõ năm sinh) và V.N.Q (SN 1981).

Theo đó, khi xe đang xuống dốc thì bất ngờ lao thẳng ra hướng biển, tông vào tường thành bờ kè chắn sóng đoạn gần Lăng Ông Nam Hải (xã Nhơn Hải), rồi đâm xuống bãi biển.

Vụ tai nạn khiến ông V.N.Q tử vong tại chỗ, thi thể mắc kẹt trong cabin, hai người còn lại bị thương. Tại hiện trường xe trộn bê tông bị hư hỏng nặng.

>>> Xem thêm tại đây

Quảng Bình: Rà soát lại 38 dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị nhằm chống thất thoát ngân sách

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - ông Phan Mạnh Hùng đã ký ban hành công văn số 1981/UBND-KT về việc xác định chi phí hạ tầng kỹ thuật trong việc xác định giá đất các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị.

Cụ thể, đối với các dự án đã thực hiện lựa chọn Nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP bao gồm các dự án chưa phê duyệt giá đất cụ thể và các dự án đã phê duyệt giá đất cụ thể sau ngày 09/8/2021(ngày quyết định 23/2021/QĐ-UBND có hiệu lực), UBND tỉnh giao Sở Xây dựng căn cứ vào yêu cầu hạ tầng kỹ thuật tối thiểu (trong hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu) và điều chỉnh (quy hoạch, ranh giới…) để xác định chi phí hạ tầng kỹ thuật tối thiểu tại thời điểm lập hồ sơ mời thầu để làm cơ sở xem xét lại (đối với các dự án đã phê duyệt giá đất cụ thể) hoặc để thực hiện việc định giá đất (đối với các dự án chưa định giá).

tm-img-alt
Quảng Bình cho xác định lại chi phía hạ tầng kỹ thuật 38 dự án bất động sản do Sở Xây dựng là Bên mời thầu

Căn cứ vào kết quả do Sở Xây dựng báo cáo thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc định giá đất theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đối với các dự án thực hiện lựa chọn Nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định đối với quy trình xác định chi phí hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở cho việc thực hiện công tác định giá đất đối với các dự án.

Được biết, từ năm 2016 - 2022, tỉnh Quảng Bình có 38 dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị được lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Tất cả 38 dự án này do Sở Xây dựng là bên mời thầu và trực tiếp ký hợp đồng thực hiện dự án với các nhà đầu tư.

Căn cứ vào quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt, Sở Xây dựng xác định sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án để làm cơ sở lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thực tế phải nộp được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND tỉnh Quảng Bình đối với nhà đầu tư.

>>> Xem thêm tại đây

Đà Nẵng lập đoàn giám sát các dự án chậm triển khai, chậm bàn giao, chậm đưa đất vào sử dụng

Theo đó, đối tượng, phạm vi giám sát là các dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao, dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn thành phố giai đoạn từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2022.

Được biết, thành phần dự kiến của đoàn giám sát sẽ có 10 thành viên, trong đó ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng là Trưởng đoàn và ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố là Phó Trưởng đoàn.

Các thành viên dự kiến của đoàn gồm các trưởng và phó ban thuộc HĐND thành phố: bà Phan Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách; ông Nguyễn Đình Khánh Vân - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội; ông Lương Công Tuấn - Trưởng ban Pháp chế; ông Định Vui, Phó Trưởng ban Đô thị; ông Lê Văn Dũng, Phó Trưởng ban Đô thị; ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách; ông Trương Minh Hải, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội; ông Huỳnh Bá Cử, Phó Trưởng ban Pháp chế.

Ngoài ra, đoàn còn mời thêm các đại biểu tham gia giám sát, gồm: Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng; Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Tổ trưởng các Tổ Đại biểu HĐND thành phố; Thành viên các Ban HĐND thành phố (Đại biểu không chuyên trách); Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố và một số chuyên gia khác.

>>> Xem thêm tại đây

TP.HCM tính hoàn trả hơn 200 tỷ cho dự án BOT bị dừng

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thường trực HĐND TP về quá trình thực hiện dự án xây dựng cầu mới Tân Kỳ - Tân Quý.

Dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý được xây dựng để thay cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát, được bổ sung vào dự án BOT cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc theo phụ lục hợp đồng được ký với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO vào năm 2018.

Công trình được khởi công quý I/2018, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2018 với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng. Trong đó, xây cầu dài 82,9m vượt qua kênh Tham Lương, rộng 16m, lề bộ hành rộng 1,5m, cho 4 làn xe lưu thông, đường vào cầu có tổng chiều dài 224,8m. Khi hoàn thành, cây cầu giúp tăng kết nối với quốc lộ 1, giảm ùn tắc cho cửa ngõ Tây Bắc thành phố.

tm-img-alt
Thành phố dự kiến chi hơn 200 tỷ đồng để trả chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra làm cầu Tân Kỳ - Tân Quý, sau khi dừng hợp đồng BOT để chuyển qua vốn ngân sách. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, dự án đã tạm dừng thi công do chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Khối lượng xây lắp thực hiện hoàn thành thời điểm lúc đó đạt 70% công trình.

Đến tháng 8/2019, Kiểm toán Nhà nước đã khuyến cáo việc đầu tư BOT cầu Tân Kỳ -Tân Quý để thu phí trên quốc lộ 1 không thích hợp với lợi ích của nhà đầu tư và của người sử dụng. Đồng thời, theo Nghị quyết số 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án đường bộ đầu tư hình thức BOT chỉ áp dụng cho các tuyến đường xây mới.

Sau đó, các sở ngành TP đã rà soát, tiến hành đàm phán và chấm dứt phụ lục hợp đồng trước thời hạn với nhà đầu tư. UBND TP.HCM sau đó dừng hợp đồng BOT để chuyển qua đầu tư công, tổng vốn hơn 491 tỷ đồng và đã được HĐND thành phố thông qua.

>>> Xem thêm tại đây

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/12/2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm.
Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi qua đời ở tuổi 86
Trung tá – NSND Tường Vi tên đầy đủ là Trương Tường Vi, SN 1938 tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trong sự nghiệp ca hát, NSND Tường Vi để lại dấu ấn với các ca khúc âm nhạc bất hủ, nổi bật là ca khúc “Cô gái vót chông”.
Bài thơ: Nhà bao việc...
Người biết đấy nhà còn bao nhiêu việc///Cơn cớ chi nghĩ mấy chuyện đau lòng///Thời gian đâu mà ngồi để nhớ mong///Rồi trông ngóng một người không đáng nhớ