Thứ sáu, 29/03/2024 00:01 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/5/2023

MTĐT -  Thứ hai, 22/05/2023 16:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Sau đợt nắng nóng đổ lửa, miền Bắc dịu mát được trong bao lâu?

Vietnamnet đưa tin, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, hôm nay là ngày nắng nóng diện rộng cuối cùng.

Từ đêm nay, phía Đông Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội sẽ có mưa rào và rải rác có giông. Nhiệt độ từ ngày mai (23/5) giảm mạnh, từ mức 37-39 độ hôm nay, xuống còn 31-33 độ.

Ông Hoàng Phúc Lâm nhận định: “Từ ngày 24 đến hết tháng 5, dù không mưa liên tục nhưng nền nhiệt độ luôn giữ ở mức ổn định, cao nhất trong ngày khoảng 32-34 độ, ban đêm trời khá mát mẻ với nhiệt độ 26-28 độ".

Cụ thể, theo cơ quan khí tượng, hiện nay rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25-27 độ Vĩ Bắc tiếp tục bị nén và đẩy xuống phía Nam bởi bộ phận áp cao được tăng cường ở phía Bắc.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500m nên từ đêm 22-23/5, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm/24h, có nơi trên 60mm/24h.

Từ chiều tối 23-24/5, mưa mở rộng vào khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế với lượng mưa từ 10-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h.

Tuy nhiên, trước khi có mưa giông, những khu vực trên đang hứng nắng nóng đến đặc biệt gay gắt. Theo bản tin vừa phát của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên vẫn ở mức 37-39 độ, có nơi trên 39 độ.

Nhiệt độ lúc 13h tại các trạm đo như: Yên Châu (Sơn La) 40.9 độ, Mai Châu (Hòa Bình) 40.4 độ, Bắc Mê (Hà Giang) 42 độ, Bảo Lạc (Cao Bằng) 39.8 độ, Hồi Xuân (Thanh Hóa) 41.8 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 41 độ...; độ ẩm tương đối phổ biến 35-65%.

Trong ngày 23/5, phía Đông Bắc Bộ nắng nóng kết thúc. Các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên vẫn có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Nhưng nhiệt độ những khu vực này có xu hướng giảm dần, mức cao nhất còn 34-37 độ, có nơi trên 37 độ. Đến ngày 24/5, nắng nóng sẽ chấm dứt.

Từ nay đến tháng 11 có bao nhiêu cơn bão và áp thấp nhiệt đới?

Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia vừa phát đi bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc từ tháng 6-11/2023.

Cụ thể, từ tháng 6-8/2023, về khí tượng, dự báo khả năng hiện tượng ENSO chuyển từ trạng thái trung tính sang El Nino từ tháng 6-8/2023 với xác suất khoảng từ 60-70%.

Về bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ có khoảng 5-6 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Về nắng nóng tiếp tục có khả năng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, số ngày nắng nóng năm nay xảy ra nhiều hơn trung bình nhiều năm và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022.

Về nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tháng 7-8/2023 phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm.

Về lượng mưa, Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia dự báo, hầu hết các khu vực trên cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng tháng 8/2023 tổng lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ tháng 9-11/2023, Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia cho biết, về khí tượng, hiện tượng Elnino tiếp tục xảy ra với xác suất từ 70-80% và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024.

Hà Nội: Sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai, đảm bảo đời sống cho nhân dân

Tin tức trên Dân sinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, trong năm 2022, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố rất quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện, vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) bảo đảm sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành của Thành phố đã tổ chức, duy trì nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định, chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sớm ổn định đời sống nhân dân…

tm-img-alt
Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội đã phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức triển khai diễn tập phòng chống thiên tai.

Tuy nhiên, trong năm qua, thiên tai diễn ra rất phức tạp với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Trên địa bàn thành phố đã chịu ảnh hưởng bởi 4 cơn bão (cơn bão số 2, số 3, số 4 và số 6); 13 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng; 22 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường; 9 đợt nắng nóng… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Qua báo cáo của các quận, huyện, thị xã, thiên tai đã làm 4 người chết (do sét đánh); 30 ngôi nhà bị ngập, sập đổ; gần 9.000ha lúa bị thiệt hại; gần 2.500ha hoa màu, rau màu bị ảnh hưởng; trên 200 cây xanh gãy đổ; trên 100 con gia súc và 36.500 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; trên 600ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; trên 2.400m đê, kè bị sạt lở, hư hỏng…

Về sự cố, trên địa bàn Thành phố xảy ra 145 vụ việc (thiên tai 3 vụ, hỏa hoạn 133 vụ, cháy rừng 6 vụ, tìm kiếm cứu nạn 3 vụ khiến 21 người chết, 10 người bị thương; diện tích cháy (sập) nhà 27.979m2, cháy rừng khoảng 1,6ha, ước tính thiệt hại 37,709 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố xảy ra 355 vụ cháy (7 vụ cháy lớn, 10 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 2 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 143 vụ cháy trung bình, 183 vụ cháy nhỏ, 10 vụ cháy rừng) hậu quả làm 21 người chết, 17 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 19 tỷ đồng; xảy ra 754 vụ tai nạn gia thông làm 378 người chết, 533 người bị thương.

Tỉnh Sơn La đã tổ chức chương trình “Vá rừng trên núi đá"

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) và Ngày Môi trường Thế giới (5/6), mới đây, tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và chính quyền huyện Vân Hồ tổ chứcChương trình “Vá rừng trên núi đá”.

Tham dự sự kiện có Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch VUSTA - Phạm Quang Thao và TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký VUSTA - Lê Công Lương cùng đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hạt Kiểm lâm lãnh đạo UBND xã Vân Hồ, UBND xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

tm-img-alt
Ngay trong ngày đầu phát động, chương trình “Vá rừng trên núi đá” đã có gần 200 người tham gia

Sự kiện đã thu hút sự tham gia của gần 250 người, bao gồm lực lượng Đoàn thanh niên xã Vân Hồ, Hội phụ nữ xã Vân Hồ, Mạng lưới cộng đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên và những người ủng hộ phục hồi rừng từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Gia Lai, Hà Nội, Quảng Bình, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La…

Mục tiêu của Chương trình “Vá rừng trên núi đá” là trồng phủ xanh khoảng 10 ha rừng thuộc huyện Vân Hồ nơi sinh sống của loài vượn đen má trắng đặc hữu và nguy cấp nằm trong sách đỏ; phổ biến nội dung, hướng dẫn về địa điểm và cách thức tham gia trồng cây.

Ngay trong ngày đầu phát động (21/5), chương trình “Vá rừng trên núi đá” đã có gần 200 người tham gia. Trồng hơn 5.000 cây giổi, trám, móc, đa, mắc mật, 1.000 hom dâu da xoan, phát tán gần 9.000 bom hạt trên diện tích 10 ha, phục hồi những mảnh rừng bị suy thoái và sinh cảnh sống cũng như nguồn thức ăn của loài vượn đen má trắng nguy cấp, quý hiếm nơi đây.

Đồng bằng sông Cửu Long cần trữ nước để ứng phó với xâm nhập mặn​

Ngày 21/5, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 21 đến 31/5, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần, độ mặn phổ biến tại các trạm ở mức cao hơn so với độ mặn cao nhất tháng 5/2022.

Chú thích ảnh
Nạo vét kênh mương nội đồng để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Trong thời gian trên, chiều sâu ranh mặn 4‰ có khả năng xâm nhập trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 35-47km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 25-30km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 30-36km; sông Hậu là 30-35km; sông Cái Lớn là 45-50km.

Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương mùa khô năm 2021-2022. Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: cấp 1-2

Trước tình hình trên, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp, phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời cần hạn chế tưới nước nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước, người dân cần kiểm tra nồng độ mặn.

Các địa phương thường xuyên phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng của xâm nhập mặn...

Hoả hoạn thiêu rụi hơn 8.000 hécta rừng gần biên giới Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha

Ngày 20/5, hơn 200 binh sỹ cùng hàng trăm lính cứu hỏa Tây Ban Nha được điều động trên khắp cả nước, với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Bồ Đào Nha, đã cùng tham gia nỗ lực khống chế đám cháy rừng đang vượt ngoài tầm kiểm soát ở vùng Extremadura miền Tây nước này.

tm-img-alt
Năm 2022, gần 500 vụ cháy đã xảy ra thiêu rụi hơn 300.000 hecta rừng ở quốc gia Nam Âu này. Ảnh: AP

Từ trước đó 1 ngày, chính quyền sở tại đã phải sơ tán khoảng 700 người dân tại 3 ngôi làng và hy vọng điều kiện thời tiết sẽ thuận lợi hơn để giúp sớm kiểm soát được đám cháy.

Trước đó, tốc độ gió lên tới 60km/h đã khiến việc khống chế đám cháy, bùng phát từ hôm 18/5, trở nên rất khó khăn. Đám cháy đã khiến hơn 8.000 hécta rừng gần biên giới với Bồ Đào Nha bị thiêu trụi.

Mùa Đông khô bất thường diễn ra ở miền Nam châu Âu sau 3 năm ghi nhận lượng mưa dưới trung bình đã làm gia tăng nguy cơ cháy rừng ở Tây Ban Nha. Tình hình càng tồi tệ hơn khi xuất hiện đợt nóng bất thường vào cuối tháng Tư, khiến nhiệt độ tăng cao ở nhiều nơi trên cả nước.

Năm 2022, gần 500 vụ cháy đã xảy ra thiêu rụi hơn 300.000 hecta rừng ở quốc gia Nam Âu này. Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính khiến hạn hán kéo dài, tạo điều kiện lý tưởng cho cháy rừng lan rộng ngoài tầm kiểm soát và gây ra thiệt hại chưa từng có về vật chất và môi trường.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.