Thứ sáu, 26/04/2024 15:02 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 19/5/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 19/05/2023 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/5/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/5/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nội: Người dân có thể phản ánh hành vi vi phạm trật tự, ATGT qua Zalo

Ngày 16/5, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND về xây dựng và phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể,thành phố sẽ triển khai thống nhất, đồng bộ các biện pháp, giải pháp, trọng tâm là vận dụng triệt để thành tựu của Cuộc cách mạng 4.0 trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy dân chủ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi để huy động người dân tham gia vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

tm-img-alt
Ảnh minh họa ( nguồn: Internet)

Các cơ quan chức năng thành phố sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người dân về phương pháp nhận biết các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông để việc thu thập, cung cấp thông tin bảo đảm chính xác, khách quan, có cơ sở, tập trung vào các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường được dư luận xã hội quan tâm, trọng tâm gồm: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; hoạt động không đúng giờ quy định; xe ô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc; ô tô, xe máy lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện khác, mất trật tự, an toàn xã hội...

Đồng thời, thành phố tuyên truyền, vận động nhân dân, trên cơ sở nhận diện các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, tài liệu phản ánh về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, ghi nhận đầy đủ thông tin về: Nội dung hành vi vi phạm; video clip, hình ảnh của hành vi vi phạm; thời gian phát hiện; tuyến đường xảy ra vi phạm; biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện; chủ xe, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan theo tính chất của từng vụ việc, hành vi vi phạm cụ thể.

Công nhân lương 7 triệu đồng/tháng có thể tiếp cận nhà xã hội tại Hà Nội?

Chiều 18/5, tai Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng đoàn công tác thành phố gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô.

Hội nghị do UBND Thành phố và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố phối hợp tổ chức nhằm thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023; đồng thời cũng là hoạt động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Tham dự hội nghị có gần 1.000 công nhân lao động (CNLĐ).

Báo cáo về tình hình quan hệ lao động, đời sống, việc làm ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, Hà Nội có trên 250.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,5 triệu lao động.

tm-img-alt
Công nhân lao động đối thoại với Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Năm 2022, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn công nhân lao động tiếp tục gặp những khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp, người lao động và cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở; tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023 đã có nhiều khởi sắc.

Về tiền lương, năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn Thành phố tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý I năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.

Người lao động, với mức thu nhập như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... và còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các Khu công nghiệp và chế xuất.

Về vấn đề đề nhà ở cho công nhân lao động, hiện nay, Thành phố có 3 Khu công nghiệp là: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân; do vậy khoảng trên 80% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao,...

Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như trường mầm non công lập còn thiếu nhiều; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các Khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có. Đặc biệt, khối trường phổ thông trung học còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường phổ thông trung học công lập, điều đó đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường phổ thông trung học dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của công nhân lao động.

Về chính sách lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội, hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội của Thành phố là 2.218.675 người; tăng 160.898 người, tăng 7,8% so với năm 2022; trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động: Tính đến hết tháng 4/2023, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội toàn Thành phố là 9,13% so với số phải thu, tương ứng 5.191,9 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 512.696 người lao động; trong đó: Riêng nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể chiếm 34,6% tổng số tiền nợ.

Tại hội nghị công nhân lao động thành phố đã có những kiến nghị trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Thành phố về các vấn đề đời sống dân sinh của người lao động như: về chính sách nhà ở xã hội dành cho CNLĐ., chính sách tiền lương, chế độ, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, giao thông, giải quyết úng ngập, việc chậm đóng bảo hiểm của chủ doanh nghiệp, các vấn đề giáo dục.

Trả lời vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, đây là vấn đề được Trung ương, Thành phố, Thành ủy, các cấp, ngành vô cùng quan tâm. Trong những năm qua, UBND Thành phố đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó đã định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng sẽ triển khai kế hoạch này. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, Thành phố cũng đã có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân.

Bắc Giang tổ chức hội nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh nhà ở xã hội

Tại hội nghị, đại diện các sàn giao dịch BĐS thảo luận một số nội dung về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp tại cơ sở; khó khăn về chính sách pháp luật mà doanh nghiệp gặp phải. Cụ thể, thủ tục về xét duyệt điều kiện vay, xét duyệt hồ sơ vay còn nhiều khâu, nhiều nội dung phải xác nhận.

Đáng chú ý, chính sách, thủ tục của các ngân hàng khi cho người có thu nhập thấp vay tại các huyện là khác nhau, gây khó khăn cho người dân, các đơn vị kinh doanh, phân phối; đối tượng vay người ngoại tỉnh khó tiếp cận được vốn vay. Tại khoản 5, Điều 13 của Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định khách hàng vay mua NOXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng chính sách xã hội hàng tháng tối thiểu 12 tháng, với mức gửi theo quy định của bên cho vay. Quy định này đã gây khó cho khách hàng có nhu cầu.

Khó khăn, kinh doanh nhà ở xã hội, khó khăn
Quang cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, mẫu biểu hồ sơ theo quy định chưa thực sự phù hợp với đặc thù NOXH dành cho công nhân, nên khi triển khai, dẫn đến yêu cầu khác nhau giữa chủ đầu tư, cơ quan thuế và ngân hàng, gây khó khăn cho người dân khi mua nhà. Việc yêu cầu doanh nghiệp chủ quản của khách hàng phải xác nhận về sở hữu nhà ở, xác nhận điều kiện mua nhà là chưa phù hợp. Gói tín dụng cho vay có mức lãi suất còn cao, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người có thu nhập thấp.

Từ những khó khăn trên, đại diện các sàn giao dịch BĐS đề xuất Hiệp hội BĐS tỉnh kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các ngân hàng quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kể trên, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, nhất là đối tượng công nhân tiếp cận NOXH.

Đại diện các sàn BĐS cho rằng, để mỗi dự án NOXH phát huy được hiệu quả, mục đích, đến đúng đối tượng có nhu cầu, khi triển khai dự án, doanh nghiệp, chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ về thị trường, đối tượng có nhu cầu mua, quy mô căn hộ cho phù hợp.

Về phía cơ quan chức năng liên quan, Liên đoàn Lao động tỉnh cần quan tâm tuyên truyền đậm nét, cụ thể hơn nữa về các dự án NOXH để người dân hiểu rõ hơn về chính sách ưu đãi này của Nhà nước, yên tâm mua NOXH, an cư lạc nghiệp.

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP.HCM về tiến độ giải quyết đối với 148 dự án nhà ở của 121 chủ đầu tư đang bị vướng mắc pháp lý do Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) tổng hợp, kiến nghị.

Cụ thể, Sở Xây dựng được UBND TP.HCM giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan như: Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Sở QHKT trao đổi, thống nhất với HoREA phân nhóm vướng mắc để trình UBND TP.HCM có ý kiến chỉ đạo, phân công đơn vị chịu trách nhiệm thụ lý, giải quyết đối với các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Theo kết quả tổng hợp cho thấy, có 148 dự án với 189 kiến nghị giải quyết, tháo gỡ. Đến nay, Sở Xây dựng TP.HCM đã nhận được báo cáo tiến độ trả lời của 7/8 đơn vị.

Trong đó, có báo cáo tiến độ, trả lời của Sở KH&ĐT, Sở GTVT, Ban Quản lý khu Nam, Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính), Cục Thuế TP.HCM, Sở QHKT, UBND TP Thủ Đức. Đối với Sở TN&MT chưa có báo cáo trả lời.

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở
Ảnh minh họa: Internet.

Về tiến độ giải quyết và trả lời liên quan đến 189 kiến nghị từ 148 dự án thuộc trách nhiệm các sở, ngành như sau: Sở TN&MT có 101 kiến nghị liên quan đến 96 dự án; Sở KH&ĐT có 38 kiến nghị liên quan 27 dự án, đã có 29 văn bản trả lời; Sở Xây dựng có 20 kiến nghị liên quan 20 dự án, đã có 17 văn bản trả lời; Sở QHKT có 21 kiến nghị liên quan 21 dự án, đã có 13 văn bản trả lời; Ban Quản lý khu Nam có 01 kiến nghị liên quan, 01 dự án đã có văn bản trả lời…

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, HoREA đã có nhiều văn bản gửi sở này tổng hợp các kiến nghị của nhiều doanh nghiệp và nhiều nội dung không thuộc chức năng của Sở Xây dựng.

Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM giao trách nhiệm cho từng sở, ngành giải quyết kiến nghị theo kết quả phân nhóm của Sở cho đến khi các kiến nghị, vướng mắc được tháo gỡ và không chuyển cho các sở, ngành khác giải quyết vướng mắc.

Đặc biệt, đối với các kiến nghị, vướng mắc của sở, ngành nào thì đơn vị đó phải chủ động làm việc với chủ đầu tư để hướng dẫn hoàn tất hồ sơ và thủ tục theo quy định hoặc chủ trì cùng các sở, ngành liên quan để giải quyết vướng mắc.

Trường hợp các sở, ngành không phối hợp giải quyết thì có văn bản báo cáo UBND TP.HCM để chỉ đạo thực hiện. Đối với các dự án mới phát sinh vướng mắc nằm ngoài danh sách 148 dự án nói trên thì HoREA tổng hợp báo cáo để các cơ quan chức năng tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.

Bình Dương thông qua đề xuất thực hiện 2 "siêu dự án" giao thông

Ngày 18/5, tại kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, đã biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết liên quan đến đầu tư hai dự án đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành và đường Vành đai 4 TPHCM qua địa bàn tỉnh này.

Đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương đầu tư theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, thực hiện đầu tư đoạn từ cầu Khánh Vân đến ranh tỉnh Bình Dương - Bình Phước (qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 45,6km). Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (lộ giới 60m) và đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ (có làn dừng khẩn cấp suốt tuyến). Đoạn từ Vành đai 3 đến cầu Khánh Vân: Giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc Dự án ĐT.743 và ĐT.747B, tổng bề rộng nền từ 36m - 38m (giữ quy hoạch với lộ giới 60m). Giai đoạn 2, đầu tư đường cao tốc hoàn thiện với quy mô 6 làn xe cao tốc (đoạn từ Vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương - Bình Phước).

Địa điểm đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1): TP Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Phương thức thực hiện đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1) dự kiến theo phương thức đối tác công tư (PPP), sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến 16.196 tỉ đồng; trong đó, giải phóng mặt bằng 7.388 tỉ đồng; xây lắp 8.808 tỉ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1), Dự án đường Vành đai 4 có điểm đầu tại vị trí vuốt nối đường Vành đai 4 TP HCM với đầu cầu Thủ Biên hiện tại phía tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài khoảng 47,85 km. Quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế: 100 km/h; loại công trình giao thông cấp I.

Chiều dài tuyến gần 48km, quy mô đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư giải phóng mặt bằng với quy mô 8 làn xe cao tốc. Giai đoạn đầu sẽ đầu tư 4 làn cao tốc hoàn chỉnh.

Dự kiến diện tích thu hồi đất cho dự án vành đai 4 qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 419ha. Dự án có tổng kinh phí dự kiến hơn 18.200 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay), trong đó vốn tham gia của Nhà nước hơn 8.700 tỉ đồng, còn lại vốn của nhà đầu tư.

Dự án này cũng dự kiến được đầu tư theo hình thức BOT, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2026. Nhà đầu tư được đề xuất là Tổng công ty Becamex IDC.

Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối vùng, kết nối giao thông giữa Cảng quốc tế hàng không Long Thành với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Sóc Trăng: Đề xuất lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi siêu cảng Trần Đề

Cụ thể, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận việc cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định pháp luật về đầu tư hoặc theo phương thức PPP, phù hợp với nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư hoặc Cơ quan nhà nước đề xuất dự án.

UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo Bộ Luật hàng hải Việt Nam, lĩnh vực cảng biển thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của cơ quan Trung ương.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xúc tiến đầu tư triển khai cảng biển góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng và của vùng đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo tỉnh này kiến nghị Bộ GTVT ủng hộ, thống nhất để UBND tỉnh Sóc Trăng sử dụng ngân sách địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng biển Trần Đề có quy mô cảng đặc biệt, là cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị làm cơ sở trình cấp thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án, lựa chọn nhà đầu tư.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay, có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm được làm chủ đầu tư Cảng biển Trần Đề theo quy định.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Sóc Trăng thuộc cảng biển loại III, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Trong đó, khu bến Trần Đề phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 19/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới