Thứ sáu, 26/04/2024 19:52 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/5/2023

MTĐT -  Thứ năm, 25/05/2023 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tờ trình về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật Tài nguyên nước 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

tm-img-alt
Phiên họp chiều 25/5. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án luật được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Cùng với đó, dự án Luật hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.

Bảo đảm không gian sống xanh cho Thủ đô

Trong năm 2022, Công ty thực hiện cắt sửa cây bóng mát trên địa bàn Thành phố khoảng 78.076 cây; cắt sửa, chặt hạ, đánh gốc, dịch chuyển cây theo đơn công văn gần 2.000 cây (trong đó cắt sửa cây nghiêng, nặng tán 263 cây; chặt hạ cây chết, sâu mục, nguy hiểm, dựng lạí: 1.569 cây). Công tác thực hiện cắt sửa, chặt hạ cây theo đơn thư, công văn luôn được ưu tiên giải quyết kịp thời (nhất là các trường họp cây nguy hiếm cần giải quyết ngay đế đảm bảo an toàn) không đế xảy ra tình trạng tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, việc được trang bị đồng bộ các thiết bị phụ trợ, các thiết bị bảo hộ an toàn lao động (như bộ đàm, kính, barie, nấm, dây phản quang, đèn quay...) giúp Công ty ngày càng hoàn thiện, chuyên nghiệp hóa công tác cắt sửa cây xanh. Điều đáng mừng là trong năm 2022 không có trường hợp tai nạn lao động xảy ra.

Công ty đã thực hiện tốt công tác trang trí phục vụ các ngày lễ, Tết trong năm 2022: trang trí Tết Dương Lịch; trang trí phục vụ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần và ngày thành lập Đảng 03/2/2022; trang trí kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền nam thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế lao động 1/5/2022; trang trí phục vụ ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2022, trang trí phục vụ SEA games lần thứ 31 với nhiều chủng loại cây hoa, cây cảnh đẹp, kiểu dáng thiết kế với mẫu mã phong phú, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, Công ty còn triển khai thực hiện công tác sửa chữa vật kiến trúc hư hỏng trong các vườn hoa, công viên trên địa bàn được phân công quản lý; phòng chữa sâu bệnh xử lý mối gốc cây lâu năm quý hiếm, phòng trừ sâu bệnh và cắt tỉa cho cây chà là.

Năm 2022, công tác tài chính được thực hiện công khai, minh bạch, lương, thưởng được chi trả đầy đủ, mua sắm tài sản được thực hiện đúng quy định,... Công ty đã thực hiện tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa lợi nhuận, đảm bảo ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Bảo đảm không gian sống xanh cho Thủ đô
Công nhân Công ty công viên cây xanh Hà Nội cắt cỏ, duy trì hệ thống cây xanh trên đường (Ảnh: Đoàn Bổng)

Ngoài ra, những tháng đầu năm 2022, cả nước tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, nhiều cán bộ, công nhân viên của Công ty bị mắc bệnh phải thực hiện nghỉ giãn cách xã hội, người lao động phải ngừng việc, đóng cửa các công viên kín; một số địa bàn bị cách ly, phong tỏa,... ảnh hưởng đến khối lượng, doanh thu của Công ty do không triển khai được nhiều hạng mục công việc đã trúng thầu: giảm quy mô, khối lượng thực hiện nhiều hạng mục không thường xuyên: trang trí lễ, Tết, công tác cắt tỉa cây bóng mát, sửa chữa vật kiến trúc,...

Công ty đã phải điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình mới, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp kịp thời nhằm nâng cao năng lực, ổn định tình hình tổ chức và các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty để hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị UBND Thành phố giao, đảm bảo tăng trưởng doanh nghiệp cũng như thu nhập cho toàn thế cán bộ công nhân viên Công ty.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Chặt hạ 3 cây sưa đỏ quý hiếm ở hồ Hoàn Kiếm

Trong ngày 24/5, lực lượng chức năng chặt hạ cây sưa ở đối diện ngã 3 Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng (ô số 94), hai cây còn lại sẽ được chặt hạ vào ngày 25/5.

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, đơn vị đã kiểm tra hiện trạng và lập biên bản hai cây sưa gần đồng hồ hoa Thụy Sĩ, sát mép hồ và một cây sưa đối diện ngã 3 Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng (ô số 94) đã bị chết.

Sau đó đơn vị này đã hoàn thành các thủ tục xin cấp phép dịch chuyển, chặt hạ, cắt tỉa cây xanh.

Việc chặt hạ, trồng thay thế cây mới sẽ do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng chặt hạ cây sưa ở đối diện ngã 3 Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng (ô số 94). 

Công nhân dùng máy cẩu, cưa máy cắt cây sưa thành từng khúc ngắn. Mỗi khúc đều được kiểm đếm, đo kích thước, ghi biên bản. Việc chặt hạ diễn ra trong hai ngày 24-25/5.

Ba cây sưa đỏ bị chết nằm rải rác quanh Hồ Gươm, trong đó cây đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng, gần cầu Thê Húc, đường kính 59 cm, cao 12 m, được xác định chết từ năm 2019. Hai cây còn lại gần đồng hồ hoa Thụy Sỹ, đường kính 35-40 cm, chưa xác định thời điểm chết.

Phần gỗ sau chặt hạ được bàn giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội để bảo quản, tổ chức thanh lý. Tại vị trí chặt hạ, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh thành phố sẽ cho trồng thay thế bằng cây mới.

Những cây sưa đỏ bị chết đều là những cây cổ thụ hàng chục năm, có phần lõi đỏ to. Khu vực hồ Hoàn Kiếm có khoảng 40 cây sưa đỏ trong tổng số 700 cây bóng mát. Cây sưa đỏ thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam và cấm khai thác dưới mục đích thương mại từ năm 1994.

Trấn Yên (Yên Bái): Triển khai mô hình điểm phân loại rác thải tại nguồn

Đây là một trong hoạt động nằm trong Kế hoạch phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đối với hộ gia đình trên địa bàn các xã, thị trấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trấn Yên.

z4375027205093_757a95877a8abbb6f8db2182ed4d7119.jpg
Quang cảnh hội nghị

Thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 17/3/2023 của UBND huyện Trấn Yên về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023; Công văn số 452/UBND-TNMT ngày 12/5/2021 của UBND huyện Trấn Yên về việc hướng dẫn thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình đối với các khu vực chưa có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung trên địa bàn huyện.

Với mục tiêu trong năm 2023 có 100% tổ dân phố, các thôn tại thị trấn Cổ Phúc triển phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Đến năm 2024, đạt 100% các thôn, bản của các xã, thị trấn thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã phối hợp với Phòng TNMT triển khai việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Cùng với đó đã mời Công ty cổ phần xây dựng An Bảo (Hải Phòng) về truyền thông hướng dẫn người dân ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, thông qua mô hình thùng ủ tại hộ gia đình tại tổ dân phố số 2, thị trấn Cổ Phúc. Sau một tháng triển khai đã mang lại hiệu quả.

z4375022259410_3fdc331cd0b2fe9364b6ce8f02521f22.jpg
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ người dân thôn 8, xã Minh Quán thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và ủ rác hữu cơ bằng ứng dụng công nghệ vi sinh theo mô hình thùng ủ

Từ đó, để tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác bảo vệ môi trường từ việc phân loại rác thải tại nguồn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục tuyên truyền tới các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện.

Tại hội nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tuyên truyền tới người dân việc phân loại rác thải tại nguồn là việc làm cần thiết và bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Sau khi phân loại rác thải, các chất thải hữu cơ có thể phân huỷ như: Vỏ rau củ quả, trái cây, thực phẩm, thức ăn thừa... sẽ cho vào thùng ủ với men vi sinh, sau 15-20 ngày rác thải hữu cơ đó sẽ trở thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng.

Từ đó, sẽ hạn chế được lượng rác thải ra môi trường, giảm được chi phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Mặt khác, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật hưởng ứng chương trình "Em và ước mơ xanh"

Sáng 24/5, hơn 270 học sinh của trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được tham gia chương trình "Em và ước mơ xanh" với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Vẽ tranh chủ đề bảo vệ môi trường; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tái chế do HS trường tự làm; xem biểu diễn ảo thuật; văn nghệ.

tm-img-alt
Đại diện Công ty TNHH SCG Việt Nam và Tỉnh Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu tặng những phần quà khích lệ tinh thần của các em

Dịp này, Tập đoàn SCG đã trao các thiết bị hỗ trợ cơ sở vật chất, tặng túi đựng máy tính cho  giáo viên, tặng 30 suất học bổng (500 ngàn đồng/suất) cho học sinh hiếu học của nhà trường. Doanh nghiệp xã hội Limloop cũng tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho các em.

Ngoài chương trình trên, từ cuối tháng 5 đến nay, Tập đoàn SGG tổ chức nhiều hoạt động dành cho học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh như: Tổ chức buổi chia sẻ truyền cảm hứng cho ọc sinh khiếm thính của trường nhằm định hướng nghề nghiệp; tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp. Tổng trị giá chuỗi các hoạt động là 240 triệu đồng, do Tập đoàn SCG tài trợ.

Đồng Nai: Xử lý trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm theo phản ánh của báo chí

Theo đó, huyện đã tiến hành kiểm tra 2 vị trí chăn nuôi chưa đảm bảo môi trường. Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Hồng tại xã Lộ 25 và ông Nguyễn Tấn Phát ở xã Hưng Lộc theo phản ánh của báo chí.

Đối với trường hợp chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Hồng tại xã Lộ 25. Thời điểm kiểm tra ngày 21-4 ghi nhận cơ sở nuôi khoảng 5 ngàn con vịt thịt, có 2 hố chứa nước thải nhưng nước rửa chuồng, phân vịt xịt rửa hàng ngày chỉ chảy theo mương vào hố chứa, sau đó chảy tràn ra mương nước chung.

Cơ sở chưa có giấy phép môi trường. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu bà Hồng không được xả chất thải chăn nuôi ra môi trường, đồng thời ngưng chăn nuôi để xử lý môi trường. UBND xã Lộ 25 đang hoàn thiện hồ sơ và ban hành quyết định xử phạt theo quy định.

tm-img-alt

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Thống Nhất kiểm tra cơ sở chăn nuôi vịt của bà Nguyễn Thị Hồng tại xã Lộ 25.

Tiếp đó là cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Tấn Phát tại xã Hưng Lộc. Đây là cơ sở chăn nuôi heo gia công cho Công ty TNHH CJ Vina Agri - chi nhánh Đồng Nai. Qua kiểm tra thực tế ngày 15-3, trang trại có 900 con heo thịt, 1 hầm biogas chứa nước thải và 4 hố chứa sau xử lý, có nước thải tràn ra ra môi trường. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước thải phân tích và kết quả nước thải sau xử lý chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, vượt quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi.

UBND huyện ban hành quyết định xử phạt cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Tấn Phát 48 triệu đồng, đồng thời yêu cầu không được xả nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường và thực hiện ngưng chăn nuôi để xử lý môi trường.

Ngày 16-5, huyện tái kiểm tra, cơ sở này đã xuất chuồng 400/900 con heo, UBND huyện đề nghị xuất hết, không cho chăn nuôi tại vị trí nêu trên.

Cũng theo báo cáo của huyện, trên địa bàn xã Lộ 25 và xã Hưng Lộc có 98 trang trại chăn nuôi gia công cho 4 công ty gồm: C.P Việt Nam, Japfa Comfeed Việt Nam, CJ Vina Agri - chi nhánh Đồng Nai và Sunjin Vina.

Tuy nhiên, mới có 75 trang trại được cấp giấy phép môi trường. Vì chưa có giấy phép môi trường, chăn nuôi vượt quy mô xin phép dẫn đến hệ thống xử lý nước thải, phân heo, mùi hôi chưa đảm bảo gây bức xúc với người dân.

An Giang: Liên tục xảy ra sạt lở bờ sông, rạch tại huyện Chợ Mới

Tin trên TTXVN, tối 24/5, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu-Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, cho biết từ ngày 21-24/5, tỉnh ghi nhận 3 vụ sạt lở đất bờ sông, rạch xảy ra trên địa bàn hai huyện Chợ Mới, Châu Phú, với tổng chiều dài 125m.

Tại huyện Châu Phú, khoảng 7 giờ ngày 24/5, bờ sông Xép Ka Tam Pong tại tổ 20, ấp Khánh Hòa, xã Khánh Hòa đã xảy ra sạt lở đất với tổng chiều dài khoảng 35m, ngang 2m. Vụ sạt lở gây thiệt hại 4 nhà kho của người dân, buộc phải tháo dỡ và di dời tài sản.

tm-img-alt
Bờ rạch Ông Chưởng, xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bị sạt lở với chiều dài 20m. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước đó, tại huyện Chợ Mới, ngày 21/5, tuyến bờ sông Hậu đoạn qua địa bàn khu vực tổ 1, ấp An Thái, xã Hòa Bình đã xảy ra sạt lở đất cục bộ với tổng chiều dài khoảng 70m ăn sâu vào đất liền 10m. Vụ sạt lở ảnh hưởng đến Xí nghiệp Chế biến lương thực xuất khẩu Hòa Bình-Hòa Lộc.

Đến ngày 23/5, tuyến bờ rạch Ông Chưởng qua địa bàn ấp Long Hưng, xã Long Giang xảy ra sạt lở đất cục bộ với tổng chiều dài khoảng 20m. Vụ sạt lở gây thiệt hại 3 căn nhà. Chính quyền địa phương hỗ trợ 3 hộ dân trong vùng sạt lở di dời tài sản đến nơi an toàn. Các vụ sạt lở tuy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản hàng trăm triệu đồng.

Theo ông Lương Huy Khanh, nguyên nhân ba vụ sạt lở bước đầu được xác định là do ảnh hưởng của biên độ triều cao và có những đợt mưa đầu mùa đã phá hoại kết cấu đất, kết hợp tác động của dòng chảy, các phương tiện giao thông thủy gây sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch.

Sau khi các vụ sạt lở xảy ra, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú đã chỉ đạo lực lượng xung kích, công an, quân sự, ban ngành đoàn thể xã cùng ban ấp đến hỗ trợ tháo dỡ nhà, di dời tài sản và các hộ dân đến nơi an toàn.

Khai mạc hội nghị và triển lãm quốc tế về biến đổi khí hậu

Triển lãm sẽ giới thiệu các công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường hiện đại nhất do khoảng 500 doanh nghiệp và các chuyên gia về biến đổi khí hậu phát triển. Triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Busan, dự kiến kéo dài đến ngày 27/5, với chủ đề "Vượt qua Khủng hoảng Khí hậu để hướng tới Thịnh vượng Bền vững."

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ: Internet

11 bộ, ngành của Hàn Quốc cùng 14 cơ quan công quyền, trong đó có chính quyền thành phố Busan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc ( KCCI) và Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc đã phối hợp đồng tổ chức buổi triển lãm quy mô lớn nhất quốc gia về giải pháp cho biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Khoảng 500 công ty, bao gồm các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Samsung Electronics, LG Electronics, Hyundai Motor và Kia Motors, SK Group, POSCO, Lotte Group, Hyundai Heavy Industries, Hanwha Q Cells, Doosan Enerbility, Mercedes-Benz Korea, Volkswagen Group Korea, RWE và Equinor, đã tham gia trưng bày các sản phẩm và công nghệ "xanh" mới nhất tại 2.195 gian hàng. Diễn đàn cũng quy tụ các chuyên gia nổi tiếng, lãnh đạo ngành, quan chức chính phủ và đại diện của các tổ chức quốc tế.

WCE là kết quả của sự sáp nhập 3 hội chợ công nghiệp năng lượng và khí hậu riêng biệt mà trước đây do Bộ thương mại, Bộ Môi trường và chính quyền thành phố Busan tổ chức. Tại WCE năm nay, Bộ Thương mại đã tổ chức triển lãm về ngành năng lượng và tính trung hòa carbon, trong khi Bộ Môi trường chủ trì sự kiện mang tên "Trung tâm xanh toàn cầu Hàn Quốc" và chính quyền thành phố Busan tổ chức triển lãm ngành năng lượng môi trường.

Triển lãm gồm 5 khu vực khác nhau, dành riêng cho các sản phẩm ở mảng năng lượng sạch, hiệu quả năng lượng, tính trung lập carbon, tính dịch chuyển trong tương lai, công nghệ khí hậu và môi trường. Quan khách sẽ có dịp tham khảo kỹ hơn về các sản phẩm năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió, xe điện, xe hydro, xe tự hành, tuabin hydro, lò phản ứng module nhỏ, năng lượng sạch không carbon, công nghệ xử lý chất thải và các công nghệ thân thiện với môi trường.

Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Han Duck-soo đã có bài phát biểu mở màn, trong đó cam kết nỗ lực đầu tư và thúc đẩy phát triển của các ngành năng lượng xanh. Thủ tướng tái khẳng định mục tiêu cắt giảm 40% lượng khí thải năm 2018 vào năm 2030 thông qua việc thay thế và chuyển đổi bằng các nguồn năng lượng không carbon.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế Fatih Birol và nhà vật lý nổi tiếng từ Đại học California, Berkeley Richard Mueller cũng có bài phát biểu tại khai mạc.

UNICEF kêu gọi bảo vệ trẻ em trước nguy cơ khủng hoảng khí hậu

Hơn bất kỳ khu vực nào khác, trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang phải vật lộn với nhiều mối nguy hiểm và cú "sốc" về khí hậu, môi trường chồng chéo, theo báo cáo mới nhất của UNICEF khu vực - 'Vượt qua điểm bùng phát".

Trong 50 năm qua, tại khu vực này, số các trận lũ lụt tăng gấp 11 lần, bão tăng gấp 4 lần, hạn hán tăng gấp 2,4 lần và sạt lở đất tăng gấp 5 lần. 

tm-img-alt
Cuộc khủng hoảng khí hậu đang đặt cuộc sống của trẻ em trước nhiều nguy cơ - Ảnh minh họa

Với nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt nghiêm trọng, lở đất và hạn hán ngày càng tăng, hàng triệu trẻ em đang phải chịu nguy hiểm. Nhiều trẻ em và gia đình phải di chuyển chỗ ở, bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nước sạch và vệ sinh.

"Tình hình trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương rất đáng báo động. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang đặt cuộc sống của các em trước nhiều nguy cơ, khiến các em bị bỏ lỡ tuổi thơ, quyền được sống và phát triển. Các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà tài trợ cần cùng nhau hành động một cách khẩn cấp để giải quyết các trở ngại chính trong quản lý rủi ro thiên tai và áp dụng các dịch vụ thông minh thích ứng với khí hậu để trẻ em có thể lớn lên trong một môi trường an toàn và lành mạnh", bà Debora Comini, Giám đốc khu vực UNICEF Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu.

Theo phân tích mới nhất, dựa trên chỉ số rủi ro khí hậu của trẻ em (CCRI), khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có hơn 210 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy; 140 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị thiếu nước; 120 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị ảnh hưởng lũ lụt ven biển; 460 triệu trẻ em bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí.

Hơn nữa, trẻ em trong khu vực còn chịu ảnh hưởng từ nhiều loại sốc về khí hậu và môi trường, bị căng thẳng hoặc nguy hiểm. 

Khi những cú sốc chồng chéo này được kết hợp với các loại khủng hoảng khác như thiếu lương thực, suy dinh dưỡng và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, thì việc đối phó và phục hồi trở nên đặc biệt khó khăn đối với trẻ em dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là là trẻ em nghèo và bị thiệt thòi và trẻ khuyết tật. 

Cuối cùng, những tác động này còn làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng mà trẻ em đã phải hứng chịu, làm những người nghèo nhất nghèo thêm.

Từ những phân tích trên, báo cáo của UNICEF nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đầu tư vào các dịch vụ và chính sách xã hội thông minh thích ứng với khí hậu để bảo vệ trẻ em.

UNICEF kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà tài trợ cần hành động khẩn cấp, đầu tư vào xây dựng các dịch vụ xã hội thông minh thích ứng với khí hậu bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cung cấp nước sạch và vệ sinh, hệ thống cảnh báo sớm và bảo trợ xã hội thích ứng với khí hậu như hỗ trợ tiền mặt.

Tại Việt Nam, UNICEF cùng với Chính phủ tiến hành đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em và đánh giá các hạn chế về năng lực trong hệ thống quản lý thiên tai, sử dụng phương pháp tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm.

UNICEF đã tiến hành khảo sát về khả năng lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà ở các trường học và trung tâm y tế, công trình cấp nước tập trung và thử nghiệm phương pháp đánh giá sử dụng bộ chỉ số rủi ro khí hậu cho trẻ em. Hầu hết các sáng kiến này hiện đã sẵn sàng để nhân rộng.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới