Thứ ba, 19/03/2024 18:18 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/3/2023

MTĐT -  Thứ hai, 27/03/2023 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/3/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 27/3/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Lai Châu phát động trồng cây “Vì tương lai xanh” và trao tặng 1 tỷ đồng mua cây xanh

Tại Lễ phát động, Agribank đã trao tặng cho tỉnh Lai Châu 1 tỷ đồng từ nguồn quyên góp hàng năm của cán bộ, nhân viên Agribank để mua cây xanh, góp phần xanh hóa vùng đất trống, bảo vệ môi trường sống, vì tương lai xanh… Một tỷ đồng được trao tặng UBND tỉnh Lai Châu giao cho UBND thành phố triển khai thực hiện.

tm-img-alt
Các đại biểu trồng cây trong khuôn viên của Khu Lâm viên thành phố Lai Châu

Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh: Hiện Agribank đã và đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động gắn với thông điệp “Agribank - Vì tương lai xanh - Thêm cây, thêm sự sống”, “Gìn giữ môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp”… Agribank mong muốn thông điệp này ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng để từ đó cùng xây dựng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước…

Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức địa phương đăng cai tổ chức Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023 tại tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Hưởng ứng chương trình phát động của Chính phủ "Trồng 1 tỷ cây xanh, vì một Việt Nam xanh" giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lai Châu được Ngân hàng Agribank trao tặng 1 tỷ để mua cây xanh, phát triển cây xanh, trồng thêm cây xanh, làm cho môi trường Lai Châu sạch hơn - xanh hơn...

Ngay sau Lễ phát động, gần 200 cây hoa Ban đã được trồng trong khuôn viên của Khu Lâm viên thành phố Lai Châu. Đây là một trong những nội dung nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023 tại Lai Châu.

Ninh Bình phát động chiến dịch “Tuần lễ du lịch xanh” gắn với giảm thiểu rác thải nhựa

Sáng 26/3, tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, UBND huyện Gia Viễn tổ chức lễ phát động chiến dịch "Tuần lễ du lịch xanh" gắn với Đề án giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch năm 2023.

Tham dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, Hiệp hội du lịch tỉnh, Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô Hà Nội và đông đảo nhân dân, lực lượng vũ trang và học sinh trên địa bàn xã Gia Vân.

tm-img-alt
Quang cảnh lễ phát động

Tại lễ phát động, đại diện lãnh đạo huyên Gia Viễn kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị- xã hội và toàn thể nhân dân, tiếp tục thực hiện các biện pháp để bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa.

Trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động và nhân rộng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn; tổ chức ra quân hưởng ứng phong trào vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan trên các tuyến phố, đường làng, ngõ xóm, khu dân cư; thu gom xử lý rác thải, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương và hệ thống thoát nước; tổ chức trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường hoa...

Tại lễ phát động, đại diện Hiệp hội du lịch tỉnh, Ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện, các ngành, các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Gia Viễn đã ký kết chấp hành bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan hướng tới "Vì môi trường du lịch xanh".

Ngay sau lễ phát động, các đại biểu đã tham gia chuỗi các chương trình, sự kiện: chương trình trao tặng giỏ đựng rác cho lái đò với thông điệp "Chở xanh - Thở lành"; chương trình "Điều em muốn nói" với hoạt động đổi rác nhận quà, bán sản phẩm tái chế, tạo tháp cây; ra quân tổng vệ sinh môi trường Khu du lịch Vân Long.

Sau 2 tuần, đám cháy ở bãi rác Cam Ly vẫn chưa tắt

Sáng 27/3, sau hơn 2 tuần nỗ lực dập lửa, đám cháy xảy ra tại bãi rác Cam Ly, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã được khống chế, có thể dập tắt hoàn toàn trong vài ngày tới.

Theo UBND phường 5, TP Đà Lạt, những ngày qua, hàng chục người cùng các phương tiện liên tục chở nước vào hiện trường phun dập lửa. Do chất thải bị chôn lấp hàng chục năm dưới lòng đất, gặp thời tiết hanh khô, nhiều tháng qua không có mưa nên đã xảy ra cháy âm ỉ, khói đen độc hại bốc lên dày đặc khiến cho công tác cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, do địa hình dốc mạnh, nhiều vị trí thẳng đứng, xe chở nước không thể tiếp cận được hiện trường. Lực lượng chức năng buộc phải dùng máy múc tiếp cận các điểm cháy để cào lấp đất dập lửa bằng phương pháp thủ công.

tm-img-alt
Vụ hỏa hoạn tại bãi rác Cam Ly, TP Đà Lạt đã được khống chế sau hơn 2 tuần.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại bãi rác Cam Ly, TP Đà Lạt từ chiều ngày 11/3. Khi phát hiện sự việc, Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt và Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã điều động lực lượng và phương tiện tới dập lửa.

Sau một ngày triển khai công tác chữa cháy, các bên đã thống nhất phương án giao cho lực lượng của Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt tiếp tục dùng xe bồn chở nước của doanh nghiệp này tới dập lửa, đồng thời sử dụng máy múc đào đất phân ranh không cho các đám cháy lan rộng.

Bãi rác Cam Ly cháy trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhiều gia đình, làm ô nhiễm môi trường và cảnh quan trong khu vực.

Chương trình giao lưu, gặp mặt với chủ đề “Mang rác về bờ”

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (ngày 26/3/1931- 26/3/2023), ngày 24/3/2023, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp với Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 Hải quân, tổ chức Chương trình giao lưu- gặp mặt với chủ đề “ Mang Rác về Bờ”. Đây là sự kiện  nằm trong chuỗi hoạt động Chương trình Vì biển đảo xanh Tổ quốc được phát động từ năm 2020.

Theo đại diện  Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, tại Chương trình giao lưu tuyên truyền về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng và đặt câu hỏi với cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 Hải quân, về vai trò của nguồn nước có quan trọng đối với cuộc sống, sức khỏe con người, các biện pháp phân loại rác thải tại nguồn, rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường đại dương...được đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia giao lưu sôi nổi, sau những câu trả lời đúng được nhận những phần quà có ý nghĩa.

tm-img-alt
Chương trình giao lưu- gặp mặt chủ đề “Mang rác về bờ”

Tai Chương trình, Hội đã trao 10 thùng rác nhỏ để trong các khu vực của tân bình, tặng túi đựng rác tự phân hủy, trồng cây xanh tại khu vực cột cờ cùng nhiều sản phẩm khác cho cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 Hải quân. Với chủ đề “Mang rác về bờ”, Hội mong muốn Trung tâm ngoài việc giữ gìn biển đảo quê hương thì các anh còn thêm nhiệm vụ là bảo vệ môi trường biển ngày càng xanh- sạch-đẹp hơn để giữ gìn nguồn tài nguyên biển.

Trong buổi giao lưu - gặp mặt rất xúc động, Lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 Hải quân đã bày tỏ cám ơn sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ một cách thiết thực của các tổ chức Hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí.

Chương trình giao lưu góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân, cùng bảo vệ môi trường biển, là hoạt động thiết thực, tác động đến nhận thức và hành động của mọi người trong công tác bảo vệ môi trường biển xanh- sạch- đẹp văn minh và bền vững. Thời gian tới, Hội Nước sạch và Môi trường tiếp tục đồng hành cùng Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 Hải quân về công tác bảo vệ môi trường.

Đắk Nông gắn trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm với chủ rừng

Mục đích của Kế hoạch là triển khai, thực hiện có hiệu quả, cụ thể hóa các nhiệm vụ, định hướng và giải pháp trong Đề án tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm với chủ rừng; Xây dựng nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc tổ chức thực hiện Đề án; Đảm bảo chất lượng, đồng bộ, kịp thời và thống nhất; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh; Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua.

tm-img-alt
Hiện trường một vụ phá rừng tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G'long

Mục tiêu chung của Kế hoạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Đắk Nông đạt trên 40% vào năm 2025 và trên 42% vào năm 2030; Phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng và các đơn vị liên quan đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Mục tiêu cụ thể giữ vững diện tích 248.343,79 ha rừng hiện còn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt diện tích 196.358,32 ha rừng tự nhiên.

Phấn đấu 100% diện tích rừng bị phá, đất bị lấn, chiếm được phục hồi lại rừng (sau khi hoàn thiện hồ sơ thủ tục xử lý), hạn chế thấp nhất tình trạng tái lấn, chiếm; hạn chế tối thiểu số vụ vi phạm không phát hiện được đối tượng.

Hậu Giang: Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt do hạn và xâm nhập mặn

Chiều 27/3, tin từ UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Trương Cảnh Tuyên vừa ký ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo đó, kế hoạch nêu rõ, để chủ động kịp thời ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023, phục vụ sản xuất và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng bị hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn.

Toàn tỉnh có khoảng 90.000 ha đến 100.000 ha vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và TP Ngã Bảy, có nguy cơ hạn. Khoảng 50.000 ha đến 60.000 ha vụ Đông Xuân 2022 - 2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh, có nguy cơ xâm nhập mặn.

tm-img-alt
Hậu Giang ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, để đảm bảo đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng bị hạn, xâm nhập mặn; phòng, chống xâm nhập mặn, trữ nước ngọt phục vụ cho diện tích lúa Đông Xuân 2022 - 2023, Hè Thu 2023 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và TP Ngã Bảy, huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh đòi hỏi các cơ quan, ban ngành, UBND huyện, thành phố cùng chung tay.

Trong đó, chú trọng thực hiện nạo vét hệ thống các cấp kênh và đắp các đập cải tiến, thời vụ ở các đầu kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng khi độ mặn đạt mức 1,5‰, không để mặn xâm nhập lên đồng. Huy động mọi nguồn lực, mọi phương tiện đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân; có kế hoạch mở rộng đường ống các vùng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Tận dụng các hệ thống kênh, rạch hiện có để trữ nước ngọt, dẫn ngọt đảm bảo đủ nước ngọt cho các đối tượng vật nuôi, cây trồng giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Đồng thời, xác định rõ vùng có nguy cơ hạn, vùng nguy cơ mặn, vùng thiếu nước sinh hoạt để có những biện pháp và kế hoạch cụ thể.

Nắng nóng ở Tây Ninh kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm

Theo bà Trần Thị Ngân Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, ngay từ đầu mùa khô chi cục đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, đặc biệt khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát nhanh chóng triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng; tính đến nay các đơn vị đã thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay đã xảy ra cháy rừng nhưng đều được dập tắt kịp thời.

Do đó, sắp tới đơn vị sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các đơn vị chủ rừng, người dân cùng lực lượng biên phòng, công an và chính quyền địa phương tại địa bàn có rừng để kịp thời ứng phó.

tm-img-alt
Kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng khu vực suối Đa Ha, thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát. Ảnh: Internet.

Trước tình hình này, theo ông Tạ Ngọc Dân, Phó giám đốc Vườn quốc giaLò Gò - Xa Mát, Ban quản lý Vườn quốc gia cũng đã cử lực lượng trực 24/24 tại các chốt, trạm. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức tuần tra kiểm soát người và phương tiện ra vào rừng, bố trí phương tiện dụng cụ phòng chống cháy tại những khu vực trọng điểm. Ngoài ra, đốt chủ động và có kiểm soát tại các vị trí dễ xảy ra cháy rừng để ngăn chặn cháy lan.

Riêng các rừng trồng, đơn vị cũng yêu cầu các hộ nhận khoán trồng rừng xử lý lớp thực bì đúng kỹ thuật, không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô, xử lý các bờ ranh, bờ lô đảm bảo không để cháy lan.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 27/3/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quảng Ninh tăng cường kiểm soát khống chế bệnh dại
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát khống chế bệnh dại trên địa bàn, đặc biệt việc thành lập tổ xử lý chó thả rông, chó chưa tiêm phòng vắc xin, xử lý chủ nuôi nếu cố tình không chấp hành các qu
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.