Thứ hai, 29/04/2024 12:44 (GMT+7)

Trung Quốc phát hiện mỏ đất hiếm trữ lượng lớn ở dãy Himalaya

Thiên Bảo -  Thứ năm, 22/06/2023 16:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nhà địa chất học Trung Quốc gần đây phát hiện trữ lượng đất hiếm có lớn ở dãy núi Himalaya, tiềm năng sẽ giúp nâng cao đáng kể vị thế của nước này trên thị trường đất hiếm toàn cầu.

Vành đai đất hiếm này được đánh giá là trải dài hơn 1.000km và việc đánh giá một khu vực rộng lớn và xa xôi như vậy có thể mất nhiều năm, hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.

Một vấn đề đau đầu khác là vị trí của vành đai này nằm dọc biên giới phía Nam của Tây Tạng, nơi Trung Quốc có tranh chấp lâu năm với nước láng giềng Ấn Độ.

Vì thế, các nhà địa chất Trung Quốc cho rằng, quốc gia nào có thể xác định chính xác trữ lượng đất hiếm này thì càng giành được “lợi thế chiến lược”.

Từ năm 2020, với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ, một nhóm nghiên cứu đã xây dựng công cụ AI để xử lý tự động gần như tất cả dữ liệu thô mà vệ tinh thu thập được, kết hợp với các phương tiện khác để xác định trữ lượng đất hiếm trên cao nguyên Tây Tạng.

tm-img-alt
Trung Quốc phát hiện tiềm năng trữ lượng đất hiếm khổng lồ ở Himalaya. Ảnh: AFP

Thiết bị tích hợp AI trên đang tìm kiếm một dạng đá granit độc đáo có tông màu sáng hơn bình thường. Chúng có thể chứa các loại đất hiếm như niobi và tantalum dùng cho sản phẩm công nghệ cao, đồng thời chứa một lượng đáng kể lithium, rất quan trọng để sản xuất ôtô điện.

Các nhà khoa học, công tác tại phòng thí nghiệm về địa chất và tài nguyên thuộc ĐH Khoa học địa chất Trung Quốc, khẳng định tỷ lệ chính xác của công cụ này lên đến 96%.

Cách đây khoảng 10 năm, các nhà địa chất học Trung Quốc tình cờ phát hiện mẫu vật giàu đất hiếm và lithium từ một số mẫu đá lấy về từ Tây Tạng, từ đó bắt tay vào nghiên cứu.

Trung Quốc hiện có một cơ sở khai thác đất hiếm ở Nội Mông, và một số mỏ khai thác khác ở các tỉnh Quảng Đông, Giang Tây và Tứ Xuyên.

Đến nay, các nhà khoa học tin rằng trữ lượng đất hiếm ở Himalaya tương đương, thậm chí lớn hơn những mỏ đó và có thể giúp Trung Quốc củng cố vị trí của mình trên thị trường đất hiếm toàn cầu.

Trung Quốc trước đây chiếm thị phần lớn nhất, với khoảng 43% trữ lượng đất hiếm toàn cầu trong những năm 1980 và 1990, nhưng thị phần của nước này giảm xuống còn khoảng 36,7% vào năm 2021, theo số liệu ước tính trong ngành.

Theo một phân tích của các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc năm ngoái, tài nguyên khoáng sản trong vành đai đất hiếm của dãy Himalaya không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa chiến lược do tác động tiềm ẩn của chúng đối với động lực khu vực và cạnh tranh tài nguyên.

“Vành đai khoáng hóa Himalaya nằm ở phía nam khu vực Tây Tạng của Trung Quốc và mở rộng sang các quốc gia như Ấn Độ, Nepal và Bhutan. Do đó, các tài nguyên khoáng sản trong vành đai này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà ở một mức độ nào đó còn có tầm quan trọng chiến lược” - nghiên cứu cho biết.

Sự phát triển của các nguồn tài nguyên đất hiếm và lithium cũng có thể góp phần vào tăng trưởng kinh tế, do đó có thể làm tăng dân số trong khu vực.

Tuy nhiên, một “cơn sốt đất hiếm” có thể làm tăng nguy cơ xung đột địa chính trị, đặc biệt là với Ấn Độ - do tranh chấp lãnh thổ và các lo ngại về môi trường, theo một nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh.

Trung Quốc đã cam kết bảo vệ môi trường ở Tây Tạng, nhưng việc khai thác mỏ sẽ có tác động sinh thái đáng kể, chẳng hạn như gây áp lực lên nguồn nước vốn đã hạn chế. Các nhà khoa học môi trường cũng cảnh báo rằng sẽ rất khó để thực thi quản lí chất thải thích hợp ở một khu vực xa xôi như vậy.

Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc phát hiện mỏ đất hiếm trữ lượng lớn ở dãy Himalaya. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.