Thứ bảy, 27/04/2024 08:16 (GMT+7)

Vệ sinh khử khuẩn phòng chống dịch Covid-19

MTĐT -  Thứ bảy, 21/08/2021 10:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo WHO, việc phun hóa chất diệt khuẩn ở ngoài trời không được WHO, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo do kém hiệu quả, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh khu vực phun.

Trước hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một số địa phương áp dụng biện pháp phun hóa chất diệt khuẩn tại các nơi công cộng để phòng chống dịch. Tại một số địa điểm, cơ quan, tổ chức lắp đặt buồng khử khuẩn để phun hóa chất diệt khuẩn vào người đứng trong buồng; một số đơn vị sử dụng máy phun hóa chất diệt khuẩn phun vào người cách ly, nhập cảnh...

Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đường phố, vỉa hè không phải là nơi chứa virus SARS-CoV-2, việc phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời không được WHO, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo do kém hiệu quả, ảnh hưởng sức khỏe người phun và xung quanh khu vực phun.

Việc sử dụng số lượng hóa chất diệt khuẩn để phun diệt khuẩn ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trưởng và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng, chống dịch. Mặt khác, WHO và CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Do đó, ngày 02/8/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 6212/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, để đảm bảo công tác vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, an toàn và tiết kiệm, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID - 19 ) đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo không thực hiện việc phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt virus SARS- CoV- 2 tại những khu vực ngoài trời.

Không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun hóa chất trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn phun hóa chất.

Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn tại Công văn số 1560/BYT- MT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng đề nghị khi sử dụng các hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế đã được Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực, phải sử dụng theo đúng liều lượng và phương pháp sử dụng ghi trên nhãn sản phẩm.

Trước đó, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu 2020, đã có nhiều đợt phun hóa chất diện rộng được triển khai ngoài trời tại các khu vực có xuất hiện ca mắc COVID-19. Mới đây, các chiến dịch phun hóa chất trên diện rộng vẫn được triển khai như ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay Bình Dương...

Ngoài ra, các thiết kế buồng khử khuẩn liên tục được đưa ra và nhiều đơn vị cũng đã đưa vào sử dụng.

Ngay sau khi có thông tin về các chiến dịch phun hóa chất khử khuẩn trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành, các chuyên gia y tế, chuyên gia môi trường cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự kém hiệu quả, gây ảnh hưởng sức khỏe của người dân và ảnh hưởng lâu dài về môi trường./.

PV (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Vệ sinh khử khuẩn phòng chống dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới