Thứ sáu, 03/05/2024 11:44 (GMT+7)

Vĩnh Hy (Ninh Thuận): Cần xem xét nguyện vọng của người dân về quản lý đất rừng và mặt biển

PV -  Thứ ba, 12/12/2023 07:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng chục hộ dân tại thôn Vĩnh Hy gửi đơn kêu cứu về việc bị cơ quan chức năng tháo dỡ, di rời lồng bè nuôi thuỷ hải sản và cưỡng chế phá bỏ cây trồng trên rẫy và cho rằng đây là khu vực do Vườn Quốc gia Núi Chúa quản lý.

Hàng chục hộ dân kêu cứu.

Theo nội dung đơn kêu cứu của nhiều hộ dân thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, từ những năm 2000, được sự khuyến khích và hỗ trợ từ các cấp chính quyền, nhiều hộ gia đình trong thôn đã vay vốn ngân hàng để làm các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản phát triển kinh tế, chăm lo cho đời sống gia đình.

Theo Kết luận Thanh tra số 246/KL–UBND ngày 30/4/2023 của UBND huyện Ninh Hải về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 26 hộ dân do diện tích đất đã cấp nằm trong lâm phần quản lý của Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa (trong đó có 19 hộ dân thôn Vĩnh Hy, 03 hộ dân thôn Cầu Gãy, 03 hộ dân thôn Đá Hang, 01 hộ dân Thái An).

Qua đối chiếu diện tích GCNQSDĐ cho các hộ dân và diện tích được UBND tỉnh Ninh Thuận giao đất và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho khu bảo tồn Núi Chúa (Quyết định số 1654/ QĐ ngày 22/4/2002) cho thấy và xác định diện tích cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân có chồng lên diện tích cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho khu bảo tồn Núi Chúa (trong đó có 6 hộ được cấp GCNQSDĐ trước Vườn quốc gia Núi Chúa).

tm-img-alt
tm-img-alt
Lồng bè của người dân sau khi bị cưỡng chế bị để ngổn ngang (hình ảnh: người dân cung cấp).

Bà Lâm Thị Chín, 68 tuổi, thôn Vĩnh Hy cho biết: “Đất của gia đình tôi có nguồn gốc khai hoang từ trước năm 1980. Lúc đó, gia đình tôi trồng cây lương thực, sau đó trồng cây Điều (những cây điều hơn 30 năm tuổi, có đường kính gốc từ 10- 35cm, chiều cao 3-5m). Trước đây, đời sống người dân trong thôn cực kỳ nghèo khó, không hiểu biết pháp luật nên chúng tôi chưa đi đăng ký biến động đất đai tại UBND xã. Nhưng thực tế, đất của các hộ dân ở khu vực này đều có nguồn gốc khai hoang từ 1975-1980 tới nay...”

Tiếp đó, trường hợp của ông Lê Hoàng Quốc Việt, ở thôn Vĩnh Hy, thì năm 2012, ông Việt được UBND huyện Ninh Hải cấp GCNQSDĐ số 464294 cho một phần diện tích đất (cấp 590m2). Còn lại 1,766m2 thuộc thửa đất số 50 (chỉnh lý từ một phần thửa 13, 18, 25) được Văn phòng Đăng ký đất đai Ninh Thuận, chi nhánh Ninh Hải xác định ranh giới, mốc giới thửa đất tại thực địa và đã lập bản ranh giới mốc đất nhưng đến nay nhiều lần ông Việt có đơn đề nghị được cấp GCNQSDĐ đối với phần đất còn lại này nhưng nhiều năm qua Văn phòng Đăng ký đất đai Ninh Hải chưa cấp GCNQSDĐ với lý do “khu đất nằm trong khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa”.

Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Quốc Việt búc xúc nói: “Trước đây khi Nhà nước thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình trục đường chính nối cầu Vĩnh Hy đến điểm du lịch vườn dừa, bãi cóc trong, bãi cóc ngoài, đã thu hồi 396,8m2 của gia đình tôi. Lúc đó, UBND huyện Ninh Hải có Quyết định bồi thường đối với phần đất của gia đình tôi thế nhưng khi tôi làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng cập nhật lại GCNQSDĐ theo số liệu mới (trừ phần đường đã bị thu hồi làm đường) và đề nghị cấp GCNQSDĐ cho phần đất còn lại (1,766m2) thì không được cấp và sự việc cứ rơi vào im lặng”.

Gần đây, sáng ngày 30/11/2023, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cùng các cơ quan chức năng đã thực hiện cưỡng chế thi hành Quyết định số 1188/ QĐ – UBND ngày 11/9/2023 UBND tỉnh đối với ông Nguyễn Văn Lành buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại diện tích 10.937m2 đất.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Lành được biết: Việc các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó xử phạt hành chính, cưỡng chế phần đất trên của gia đình tôi. Gia đình tôi liên tục canh tác, trồng cây Điều, cây to hơn 30 năm tuổi, đường kính hơn 20 cm, cây nhỏ đường kính 1-10 cm. Thời điểm Vuờn quốc gia Núi Chúa được thành lập (năm 2002) tại sao các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận không xác minh, đo đạc, lập mốc giới, kê khai, thông báo cho người dân?! Để hàng trăm người dân thôn Vĩnh Hy canh tác mấy chục năm trên phần đất khai hoang, giờ lại nói chúng tôi lấn chiếm đất? Tôi khẳng định, gia đình tôi là chủ chủ sở hữu của khu đất trên...”.

tm-img-alt
Nhiều gốc cây Điều trên 30 năm tuổi của người dân bị cưỡng chế
tm-img-alt
Gia đình ông Lành xót xa khi những cây Điều lâu năm bị chặt hạ. 
tm-img-alt

Cưỡng chế hàng chục lồng bè, chặt cây lâu năm có thể làm ảnh hưởng tới môi trường.

Người dân cho rằng, sau khi thực hiện cưỡng chế lồng bè, cây lâu năm bị cắt phá ngổn ngang, nhiều vật liệu trồi lên mặt nước nham nhở trên bề mặt vịnh, phía dưới nước rất nhiều dây thừng, ống nhựa rải rác nằm xen lẫn thùng phuy (phao) lập lờ.  Trên bờ, phía bãi cóc có một vài bè đã bị cắt dỡ để chỏng chơ phơi mưa nắng, mục nát có thể gây mất mỹ quan khu du lịch, và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

Theo đó, đầu năm 2023, UBND huyện Ninh Hải và Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa có thông báo toàn bộ khu lồng bè nuôi trồng thuỷ sản của người dân ở thôn Vĩnh Hy nằm trong khu vực quản lý của Vườn quốc gia Núi Chúa. Bản Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa cấm người dân không được nuôi trồng thuỷ sản tại đây. Đồng thời buộc các hộ dân phải tháo dỡ, di rời toàn bộ khu vực lồng bè trên vịnh. Một số hộ đang trong thời gian nuôi cá chưa đến ngày thu hoạch cố nấn ná chưa di chuyển thì bị UBND huyện Ninh Hải ban hành Quyết định cưỡng chế. Cụ thể, tháng 03/2023, chính quyền địa phương cùng BQLVQG và các lực lượng chức năng đã tổ chức cưỡng chế, phá dỡ nhiều lồng bè của các hộ dân.

Ông Châu Thành Hồng, người dân nuôi trồng thuỷ sản ở thôn Vĩnh Hy cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Vĩnh Hy, gia đình tôi làm nghề nuôi trồng thuỷ hải sản từ trước năm 2000 (từ trước khi có Vườn quốc gia Núi Chúa). Nuôi chồng, đánh bắt ở đây mấy chục năm thì đến đầu năm 2023 chúng tôi nhận được thông báo tháo của UBND xã tháo dỡ lồng bè, và nếu không tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế. Khi chúng tôi chưa kịp tháo dỡ, thì chính quyền địa phương tổ chức hàng trăm người đến cưỡng chế, phá bỏ lồng bè của người dân. Dù trước đó, chúng tôi không nhận được bất cứ thông báo nào từ cơ quan chức năng về việc khu vực biển này là do Vườn quốc gia quản lý. Bởi bao đời nay, người dân chúng tôi chỉ biết bám biển, mọi thu nhập từ biển là nguồn sống của gia đình. Các lồng bè này là mồ hôi công sức của nhiều thế hệ, là nguồn thu nhập chính của gia đình.”.

Tiếp đó, ông Châu Vũ Va cũng bức xúc cho biết : “Hiện tại, ngư dân chúng tôi bị mất việc, không có thu nhập, không có tiền trả lãi ngân hàng, đời sống vô cùng khó khăn cùng cực. Trong khi đó, chính quyền không có bất cứ khoản bồi thường hay có chính sách gì hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống” chúng tôi không biết xoay sở thế nào?

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Viết Kinh Luân - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: “Việc cưỡng chế tháo dỡ lồng bè, chặt cây lâu năm của người dân là theo chủ trương của cấp trên, UBND xã Vĩnh Hải là đơn vị phối hợp thực hiện, chúng tôi cũng đã nắm bắt được vấn đề này và làm theo chủ trương. Ngoài ra, khi phóng viên đề nghị được tiếp cận sổ mục kê những năm 1993- 2000 ông Luân cho biết chỉ có sổ mục kê từ năm 2006 khi người dân kê khai từ ngày xưa.

Vì vậy, kính đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận nhanh chóng xem xét, ban hành chính sách giải quyết khó khăn để người dân nhanh sớm ổn định cuộc sống.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Hy (Ninh Thuận): Cần xem xét nguyện vọng của người dân về quản lý đất rừng và mặt biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bắc Giang: Những bãi rác tự phát gây ô nhiễm
Phong trào dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các địa phương quan tâm triển khai tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Bài thơ: Yên bình
Em hãy sống một đời bình yên nhé///Nhìn mọi điều như đứa trẻ giản đơn///Như bản chất vốn sinh ra là thế///Bận lòng gì vài ba chuyện thiệt hơn.