Thứ bảy, 27/04/2024 21:22 (GMT+7)

Xây dựng trường học xanh, không rác thải

MTĐT -  Thứ bảy, 09/12/2023 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đà Nẵng là một trong 4 thành phố tham gia chương trình "Thành phố sạch, đại dương xanh" lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% trường học trên địa bàn triển khai phân loại rác thải tại nguồn.

Các cô giáo Trường Tiểu học số 2 Hòa Tiến tham gia cuộc thi tái chế sản phẩm phục vụ việc dạy và học. Ảnh: PV
Các cô giáo Trường Tiểu học số 2 Hòa Tiến tham gia cuộc thi tái chế sản phẩm phục vụ việc dạy và học. Ảnh: PV

Ông Đặng Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Đà Nẵng đang từng bước tiến tới “Thành phố môi trường”, do đó, một trong những nội dung quan trọng được ưu tiên thực hiện là lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục thành phố. Tại Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, một trong 4 nhóm giải pháp trọng tâm đưa ra là “Tăng cường nâng cao nhận thức, năng lực về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố” nhằm mục tiêu 100% trường học triển khai phân loại rác thải tại nguồn” vào năm 2025.

Trong chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh”, 20 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang tham gia triển khai thí điểm mô hình Trường học xanh giảm thiểu rác thải. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 7-2023 đến tháng 2-2024, CCBO sẽ hỗ trợ Đà Nẵng thực hiện khảo sát hiện trạng, đề xuất giải pháp và xây dựng kế hoạch, tập huấn, hướng dẫn các trường học thực hiện Trường học xanh; hỗ trợ thành phố xây dựng dự thảo và tham vấn khung tiêu chí Trường học xanh. Khi kết thúc dự án, CCBO sẽ phối hợp đánh giá kết quả thực hiện của các trường học.

Theo tìm hiểu, việc đánh giá tiêu chuẩn Trường học xanh sẽ dựa trên 4 tiêu chí chính gồm: chính sách quản lý, cơ sở vật chất, giáo dục truyền thông và thực hành xanh. Với khung điểm tối đa là 200, nếu các trường học đạt dưới 100 điểm sẽ không được công nhận là Trường học xanh; còn từ trên 100 điểm đến 200 điểm sẽ tùy theo tổng điểm để được xếp hạng Trường học xanh mức 1, 2, 3. Trong 4 tiêu chí trên, tiêu chí “thực hành xanh” chiếm số điểm đánh giá cao nhất (100/200 điểm).

Tiêu chí này đánh giá mức độ tham gia của học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên trong việc tích cực tham gia các hoạt động giảm rác. Trong đó, khuyến khích các hoạt động xanh như: giảm nhựa (sử dụng hộp, làn nhựa… khi đi chợ; tái sử dụng túi nilon, chai nhựa…); làm đồ dùng học tập, đồ chơi từ các đồ cũ; thu gom rác tái chế; thu gom riêng rác thải điện tử như pin cũ.

Thời gian qua, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Thanh Khê) triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, hạn chế rác thải nhựa cho học sinh toàn trường. Bà Trần Thị Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám chia sẻ, tập thể nhà trường mong muốn xây dựng ngôi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn cho các em học tập, vui chơi.

Để thực hiện được điều đó, nhà trường đã tổ chức các hoạt động thường niên cho các em như: Ngày hội môi trường, Tết trồng cây… với thông điệp “Chung tay bảo vệ môi trường” cam kết 100% cán bộ, người lao động, học sinh, cha mẹ học sinh và các đơn vị trong nhà trường tham gia, đồng tình, hưởng ứng. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức chương trình hội thảo, tập huấn cho giáo viên về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức các tiết học ngoại khóa và chính khóa nhằm lồng ghép tuyên truyền các vấn đề về môi trường.

Từ sự giáo dục bảo vệ môi trường và kêu gọi cũng như hướng dẫn của thầy cô, các em học sinh đã có ý thức bảo vệ môi trường qua những việc làm nhỏ. Em Hà Nhật Hoàng, lớp 3/2, Trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên (quận Liên Chiểu) hào hứng nói: “Ở trường, con được cô giáo yêu cầu không được vứt rác bừa bãi dù chỉ là một tờ giấy nháp hay viên phấn vụn cũng phải bỏ vào đúng nơi quy định, mà cũng phải phân loại vào mỗi thùng rác khác nhau.

Ngoài ra, con cũng tham gia chương trình thu gom sách vở đã qua sử dụng, giấy báo, vỏ lon bia, chai nhựa… để mang đến trường đổi lấy những cây cảnh xanh để trang trí giúp cho lớp học nhìn đẹp hơn. Không chỉ mỗi lớp con mà nhiều học sinh ở các khối lớp khác cũng tham gia đưa rác thải đổi cây xanh làm đẹp cho trường”.

Theo kế hoạch, thời gian tới chương trình CCBO tiếp tục đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng xây dựng và tổ chức tham vấn các bên liên quan về khung tiêu chí Trường học xanh để áp dụng rộng rãi tại các cấp học trên địa bàn thành phố nhằm xây dựng môi trường học tập, vui chơi xanh, sạch, đẹp, thân thiện, phù hợp với các em, tạo điều kiện hình thành một thế hệ tương lai sống thân thiện, có trách nhiệm với môi trường; góp phần xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường.

Việc triển khai thí điểm Trường học xanh cũng là một trong những hợp phần quan trọng của chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh”, qua đó, thúc đẩy công tác quản lý chất thải rắn nói chung và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nói riêng, góp phần thi hành hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản liên quan đến triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng trường học xanh, không rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Diệp Như/baodanang.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề