Thứ ba, 30/04/2024 14:28 (GMT+7)

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về Kiểm toán nhà nước

Diệp Anh -  Thứ tư, 17/04/2024 15:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả của KTNN.

Quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động của KTNN

Kiểm toán nhà nước (KTNN) được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Điều lệ tổ chức và hoạt động của KTNN được ban hành kèm theo Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động của KTNN được chi phối bằng Luật Ngân sách nhà nước - NSNN (năm 1996), Luật Doanh nghiệp Nhà nước (năm 1995), Luật Ngân hàng Nhà nước (năm 1997).

Ngày 14/6/2005, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI thông qua Luật KTNN, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Đây là dấu mốc mở ra một giai đoạn phát triển mới của KTNN với vị thế là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hoạt động của KTNN phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước. Luật được xây dựng trên cơ sở thế chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng “Đề cao vai trò của cơ quan Kiểm toán nhà nước trong việc kiểm toán mọi cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước. Cơ quan Kiểm toán nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán cho Quốc hội, Chính phủ và công bố công khai cho dân biết”.

Ngày 28/11/2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó, Điều 118 quy định: “1. Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 2. Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước do luật định. Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. 3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do luật định”. Lần đầu tiên, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định trong Hiến pháp. Sự kiện quan trọng này đã nâng tầm KTNN từ cơ quan được “Luật định” thành “Hiến định”, nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, ngày 24/6/2015 Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, đã cụ thể hóa quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của KTNN, bảo đảm thiết chế có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí.

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả của KTNN. Sau hơn 3 năm thi hành, Luật KTNN năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật.

Ngày 26/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020). Luật bổ sung, làm rõ một số nội dung quan trọng về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyết định kiểm toán theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN; quyền được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; quyền khiếu nại và khởi kiện của đơn vị được kiểm toán...; qua đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của KTNN trong giai đoạn mới.

Cùng với Luật KTNN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật NSNN, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công… được ban hành đã quy định nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN. Bên cạnh đó, KTNN đã phối hợp tích cực với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội xây dựng trình các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật KTNN, cụ thể: 15 Nghị quyết của UBTVQH, 05 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, 06 Thông tư và Thông tư liên tịch đã được ban hành. Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành 86 văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức quyết định để quy định chi tiết hướng dẫn Luật KTNN quy chế hoá cho tổ chức và hoạt động của KTNN. 

Ngày 13/02/2023, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí (PCTNTCLP) thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN. Ngay sau khi Pháp lệnh được thông qua, KTNN đã khẩn trương ban hành các hướng dẫn để hoàn thiện các văn bản của Ngành, bảo đảm Pháp lệnh được đưa vào cuộc sống đúng thời hạn quy định.

Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nhằm bảo đảm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có cơ chế bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; có chế tài xử lý được vi phạm. Mặt khác, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN ở cấp độ hành chính có cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm. Việc ban hành Pháp lệnh là hết sức cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTNN; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật.

Hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN

  1. Đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa Luật KTNN và các luật chuyên ngành

Luật KTNN năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019 được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định về KTNN trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật KTNN và một số luật chuyên ngành còn chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Thi hành Hiến pháp và Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội, đa số các luật chuyên ngành có liên quan đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, xác định thẩm quyền của KTNN trong lĩnh vực chuyên ngành. Tuy nhiên, một số luật vẫn chưa bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ với Luật KTNN dẫn đến thu hẹp phạm vi, đối tượng kiểm toán của KTNN.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nhận thức của các nhà làm luật về vị trí, vai trò của KTNN còn chưa đầy đủ; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; chưa khắc phục triệt để tình trạng đưa vào dự án luật chuyên ngành các quy định nhằm tạo thuận lợi hoặc bảo vệ lợi ích cục bộ của Bộ, ngành.

Công tác rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo chưa được chú trọng dẫn đến nội dung dự án luật trình Quốc hội, UBTVQH chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.

Thông qua việc nghiên cứu sâu về các luật như: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, Luật Quản lý thuế, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng... nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật KTNN và các luật chuyên ngành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN, đáp ứng yêu cầu hiến định.

Theo lãnh đạo Vụ Pháp chế KTNN, trong bối cảnh hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn còn những khoảng trống pháp lý, quy định thiếu đồng bộ, việc hoàn thiện pháp luật KTNN đảm bảo theo đúng định hướng của Đảng, tuân thủ các quy định chung của Nhà nước và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là hết sức cần thiết. Theo đó, KTNN cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện Luật KTNN theo hướng bảo đảm bao quát nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài sản công; bổ sung thẩm quyền của kiểm toán viên áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các văn bản để cụ thể hóa Luật KTNN, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật KTNN như: Xây dựng Thông tư liên tịch trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trong phòng, chống tham nhũng; Thông tư liên tịch trong việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán và phối hợp khi tham gia tố tụng.

Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo quy định của Luật KTNN, nhất là thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Ban hành quy định việc truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán; hoàn thiện và quy định đầy đủ về kiểm tra, đối chiếu các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán; xây dựng quy định thực hiện nhiệm vụ trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách…

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của KTNN, vấn đề quan trọng nhất là cơ sở pháp lý cho vị trí, vai trò và tổ chức hoạt động của KTNN. Tiếp đó, KTNN và các các cơ quan liên quan phải giải quyết được vấn đề chồng chéo, trùng lặp, phân công chưa thật rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, công việc được giao. Đồng thời, KTNN phải đảm bảo tính độc lập tương xứng với vị trí, vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật. KTNN phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự phân định, phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực công; đồng thời, phải tăng cường đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và đổi mới phương thức kiểm toán.

  1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính độc lập hơn nữa của KTNN

Khoản 1, Điều 118, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, Điều 5 Luật KTNN quy định: Nguyên tắc hoạt động của KTNN là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch;

Chức năng của KTNN là :

- Đánh giá, xác nhận, kết luật và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công;

- Bảo đảm trách nhiệm giải trình về tài chính. Bằng cách xem xét, đánh giá việc sử dụng ngân sách, KTNN giúp bảo đảm rằng các nguồn tài chính công, tài sản công được sử dụng hiệu quả, phù hợp với các quy định của pháp luật;

- Bảo đảm việc tuân thủ pháp luật. Các cuộc kiểm toán xem xét, đánh giá việc các cơ quan Nhà nước, các tổ chức công đã tuân thủ các quy định của chính sách và pháp luật có liên quan như thế nào; các nguồn tài chính công, tài sản công được sử dụng có tuân thủ các đòi hỏi của pháp luật, có bảo đảm các chuẩn mực về đạo đức và các quy trình, thủ tục đã được xác lập hay không;

- Đánh giá hiệu quả hoạt động. Các cuộc kiểm toán hoạt động đánh giá hiệu suất và hiệu quả của các chương trình của Nhà nước và các dịch vụ công. Các cuộc kiểm toán này giúp chỉ ra là mục đích và các mục tiêu đã được đề ra có đạt được hay không và kết quả đạt được có tương xứng với nguồn lực tài chính công đã bỏ ra hay không;

- Bảo đảm sự minh bạch và công khai trong hoạt động của Nhà nước. Bằng việc cung cấp sự đánh giá độc lập, khách quan về hoạt động của các cơ quan Nhà nước, KTNN có thể giúp cho việc sử dụng tài chính công, tài sản công được minh bạch;

- Đóng góp cho hoạt động giám sát của Quốc hội. KTNN đóng một vai trò rất quan trọng trong việc trợ giúp hoạt động giám sát của Quốc hội. Báo cáo của Kiểm toán nhà nước cung cấp cho các vị đại biểu Quốc hội những thông tin đáng tin cậy và cái nhìn từ bên trong về hoạt động của các Bộ, ngành, về việc quản lý tài chính công, tài sản công, cũng như việc tuân thủ pháp luật;

- Giúp quản trị rủi ro. KTNN giúp xác định những rủi ro tiềm ẩn, những lĩnh vực dễ bị tổn thương trong hoạt động của các Bộ, ngành. Bằng cách chỉ ra những điểm yếu, những lĩnh vực cần tăng cường quản lý. Điều này giúp giảm thiểu sự thất thoát về tài chính, sự kém hiệu quả trong điều hành.

Từ những vai trò đã nêu trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của KTNN thì trước hết phải nâng cao tính độc hơn nữa của KTNN. Vị thế độc lập của KTNN đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật KTNN. Vấn đề là các quy định của Luật phải được thể hiện trong các văn bản pháp luật liên quan khác và được tất cả các cơ quan tổ chức tuân thủ.

KTNN cần phải được hoạt động một cách độc lập và không bị ảnh hưởng hoặc can thiệp của bất kỳ một cơ quan nào khác. Điều này sẽ giúp bảo đảm sự trung thực, khách quan, công khai, minh bạch trong quá trình kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

  1. Hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm cơ chế thực thi của kết luận và kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Năm 2023, KTNN đã quyết liệt thực hiện xử lý các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN đã tăng đáng kể.

Tổng hợp sơ bộ kết quả đến 15/12/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 57.060,7/71.608,4 tỷ đồng, đạt 79,76% (cùng kỳ năm trước đạt 70,61%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 33 văn bản thay thế các văn bản không phù hợp (cùng kỳ năm 2022 là 25 văn bản); có 64/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, sau khi ban hành kết luận và kiến nghị kiểm toán:

Kiểm toán nhà nước phải lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Việc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện theo các hình thức sau đây:

Yêu cầu đơn vị được kiểm toán báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán;

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

Như vậy, theo quy định của Luật KTNN, hiện nay chưa có cơ chế bảo đảm các kết luận, kiến nghị của KTNN được thực thi. KTNN chỉ là cơ quan có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công bằng các hình thức kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động đối với các cơ quan và các chương trình của Nhà nước.

Khi các vấn đề được phát hiện và các kết luận, kiến nghị được đưa ra, thì việc thực thi vẫn thuộc trách nhiệm của các cơ quan được kiểm toán. Các kiến nghị của KTNN về cơ bản mang tính chất khuyến nghị, chứ không mang tính chất bắt buộc. Mặc dù, những kiến nghị này cung cấp những chỉ dẫn rất có giá trị, nhưng xử lý các vấn đề đã được phát hiện như thế nào lại thuộc quyền quyết định của các cơ quan được kiểm toán.

Do đó, để các kiến nghị của KTNN được thực thi cần phải có một cơ chế phù hợp. Hệ thống pháp luật liên quan đến KTNN trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị nghị KTNN cần phải được hoàn thiện, nó không chỉ liên quan đến Luật KTNN mà còn liên quan đến nhiều Luật khác.

Đặc biệt, pháp luật cần phải sửa đổi theo hướng quy định vai trò của các cơ quan liên quan trong việc thực thi các kiến nghị kiểm toán như: Chính phủ, Quốc hội, UBTVQH… 

Đối với Chính phủ thì khi có kết luận, kiến nghị kiểm toán, thì trách nhiệm của chính phủ như thế nào để cho các kết luận, kiến nghị kiểm toán đó được thực thi.

Đối với Quốc hội tác động như thế nào để kiến nghị đó được thực thi. Quốc hội phải tổ chức điều trần, nếu cần thiết thì phải ra nghị quyết bắt buộc phải thực hiện.

Tại các phiên giải trình, đại diện của cơ quan kiểm toán sẽ có điều kiện trình bày trước ủy ban của Quốc hội những phát hiện và kiến nghị của mình.

Quốc hội cũng có thể tiến hành chất vấn. Các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn các quan chức về tiến độ thực thi các kiến nghị của kiểm toán tại các phiên thảo luận và chất vấn của Quốc hội.

Quốc hội yêu cầu báo cáo về chương trình hành động. Quốc hội có thể đề nghị các cơ quan liên quan của chính phủ cung cấp báo cáo về chương trình hành động để thực hiện các kiến nghị của kiểm toán.

Quốc hội yêu cầu báo cáo về tiến độ thực thi các kiến nghị của kiểm toán. Quốc hội có thể yêu cầu chính phủ định kỳ báo cáo về tiến độ thực hiện các kiến nghị của kiểm toán.

Quốc hội xây dựng báo cáo về việc thực thi các kiến nghị của kiểm toán. Ủy ban của Quốc hội có thể xây dựng báo cáo về tình hình thực thi các kiến nghị của kiểm toán và kiến nghị cách thức hành động tiếp theo.

Quốc hội tổ chức điều tra về việc không thực thi kiến nghị của kiểm toán. Khi những kiến nghị quan trọng của kiểm toán không được thực thi, thì Quốc hội có thể tổ chức ủy ban điều tra về việc này.

Cuối cùng, Quốc hội ban hành nghị quyết áp đặt việc thực thi các kiến nghị của kiểm toán. Quốc hội có thể ban hành nghị quyết bắt buộc các cơ quan hữu quan của chính phủ phải thực thi các kiến nghị của kiểm toán.

  1. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN

Tháng 8/2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh ký ban hành Công văn số 740/KTNN-PC yêu cầu các đơn vị trực thuộc KTNN tổ chức nghiên cứu, rà soát và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật KTNN.

Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, trên cơ sở quy định hiện hành và từ thực tiễn thực hiện Luật KTNN năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các đơn vị tập trung đánh giá kết quả đạt được sau khi có Luật KTNN năm 2015 trên góc độ về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đặc biệt là việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Luật và nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong đó, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế là do Luật KTNN, do chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của Luật KTNN với các luật khác liên quan hay do tổ chức thực hiện.

Các đơn vị cũng cần rà soát, đánh giá những quy định còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chồng chéo giữa Luật KTNN với Luật NSNN, Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công theo phương thức đối tác công tư… Trong đó, xác định rõ các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về một số nội dung cụ thể của Luật KTNN cần rà soát, đánh giá, Công văn nêu rõ, các đơn vị cần rà soát về đối tượng kiểm toán của KTNN quy định tại Điều 4 Luật KTNN; đánh giá những vướng mắc, bất cập về nội dung, thẩm quyền ban hành báo cáo kiểm toán; những khó khăn, vướng mắc khi sử dụng báo cáo kiểm toán trong công tác quản lý, điều hành, giám sát, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cơ quan, đơn vị; về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán.

Liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, các đơn vị cần lưu ý đánh giá tồn tại, bất cập trong các quy định về: xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của KTNN; mối quan hệ phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong xây dựng kế hoạch hàng năm của mỗi cơ quan; việc trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN; vai trò của KTNN và cách thức tham gia với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.

Các đơn vị cần rà soát, đánh giá, chỉ ra các bất cập, vướng mắc trong các quy định về tổ chức bộ máy KTNN, công chức KTNN, hoạt động của KTNN; rà soát, đánh giá khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong thực hiện quyền truy cập của KTNN vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; rà soát quy định về đơn vị được kiểm toán; tổ chức, cá nhân có liên quan…

Đồng thời, đánh giá về hoạt động của KTNN với hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm tra; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán; mối quan hệ giữa KTNN với cơ quan thanh tra, kiểm tra; các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương; các cơ quan, đơn vị tổ chức khác.

tm-img-alt

Kết quả nổi bật về xây dựng pháp luật trong năm 2023

Trong năm 2023, KTNN đã tập trung thời gian, nguồn lực và có nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sự phát triển của KTNN. Đặc biệt, lãnh đạo KTNN trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hồ sơ Dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/2/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023. Đến ngày 30/11/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành 15/16 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 40/59 văn bản quản lý.

Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế (KTNN) đã hoàn thành công tác tham mưu rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật KTNN; theo dõi, đôn đốc việc xây dựng các văn bản của Ngành theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của KTNN và Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Lãnh đạo Vụ Vụ Pháp chế cho biết, trong năm 2023 đơn vị này được giao chủ trì xây dựng 12 văn bản bao gồm: 9 văn bản quy phạm pháp luật và 3 văn bản quản lý. Đây là các văn bản quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản của KTNN, cụ thể hóa các quy định của Luật KTNN 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật KTNN. Đến nay, 100% văn bản đã được ban hành đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Trong đó, có những văn bản khó, phức tạp, lần đầu được KTNN ban hành như: Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, Hướng dẫn xác định bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN...

Trong công tác thẩm định và tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản pháp luật trong và ngoài Ngành, đến ngày 30/11/2023, Vụ đã tham gia góp ý và thẩm định 191 lượt dự thảo văn bản, trong đó có 136 văn bản của đơn vị trong Ngành và 55 văn bản của đơn vị ngoài Ngành gửi lấy ý kiến. Các ý kiến tham gia góp ý thẩm định được đầu tư thời gian nghiên cứu, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đồng thời, Vụ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia góp ý đối với một số dự án luật quan trọng có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN như: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…

Ngoài ra, năm 2023, Vụ Pháp chế đã thẩm định 176 dự thảo kế hoạch kiểm toán và 215 dự thảo báo cáo kiểm toán; tham mưu trả lời 25 văn bản kiến nghị kiểm toán đảm bảo chất lượng tiến độ theo quy định. Bên cạnh đó, Vụ cũng tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo KTNN các vấn đề về công tác tố tụng, bảo vệ lợi ích của KTNN...

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời bám sát mục tiêu chung của Ngành, Vụ Pháp chế xác định phương hướng hoạt động năm 2024 là: “Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác pháp luật, công tác thẩm định Kế hoạch kiểm toán, Báo cáo kiểm toán, trả lời kiến nghị kiểm toán; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của đơn vị tham mưu về công tác pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”.

Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế xác định nhiều nhiệm vụ trong tâm trong năm 2024, trong đó: Bám sát chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, yêu cầu của Đề án: “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 để tham mưu lãnh đạo KTNN đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của KTNN.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN theo Kế hoạch; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyên truyền pháp luật năm 2024. Hoàn thành Thông tư liên tịch về việc phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

Xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản QPPL và VBQL của KTNN năm 2024 đảm bảo chất lượng và tiến độ; trọng tâm là rà soát để sửa đổi, bổ sung các VBQPPL và VBQL phù hợp với Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Thực hiện việc góp ý, thẩm định văn bản QPPL bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật ban hành văn bản QPPL. Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra thực hiện văn bản năm 2024 của KTNN. Rà soát, hệ thống hóa, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia và pháp điển hệ thống văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của KTNN.../.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về Kiểm toán nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.