Thứ sáu, 26/04/2024 18:15 (GMT+7)

Tin đô thị ngày 17/5: HN chi hàng trăm triệu lát cầu thang hầm đi bộ

MTĐT -  Thứ năm, 17/05/2018 17:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội, chi hàng trăm triệu đồng lát đá granite cầu thang hầm chui đường bộ, thuê tư vấn thẩm tra nghiên cứu tiền khả thi tuyến metro số 5… là một số tin đô thị trong ngày.

Hà Nội: Chi hàng trăm triệu đồng lát đá granite cầu thang hầm chui đường bộ

Cầu thang hầm đường bộ H4 Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhiều chỗ bị vỡ gạch nên đơn vị quản lý phải bóc dỡ, thay thế bằng đá granite có nguồn gốc từ Bình Định.

Đại diện của Công ty CP Công trình giao thông 2 Hà Nội, đơn vị quản lý các hầm đường bộ trên cho biết, trước mắt sẽ lát đá granite tại hầm H4.

Sau đó, nếu những hầm khác bị hư hỏng nặng, mất thẩm mỹ, đơn vị sẽ kiến nghị lên UBND TP Hà Nội để tiến hành sửa chữa và dần thay thế loại gạch men cũ bằng loại đá granite có độ bền cao hơn.

Tuy nhiên, để tránh lãng phí, việc lựa chọn những hầm để sửa chữa sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng. Được biết, chỉ riêng tại hầm H4, số tiền lát đá rơi vào khoảng 130 triệu đồng cho tổng diện tích đá lát lại khoảng 175m2.

Tại Hà Nội, nhiều hầm đường bộ đều có tuổi đời trên 10 năm. Do đó, nhiều hầm đã có dấu hiệu xuống cấp.

Thuê tư vấn thẩm tra nghiên cứu tiền khả thi tuyến metro số 5

Theo Thanh niên đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý chủ trương thuê tư vấn nước ngoài hoặc liên danh tư vấn trong nước - nước ngoài để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị TP. HCM, tuyến số 5 giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước quyết định việc lựa chọn tư vấn thẩm tra theo đúng quy định, đồng thời tiếp thu ý kiến của các Bộ để phát huy tối đa hiệu quả và tiết kiệm trong công tác thuê tư vấn thẩm tra.

Tuyến metro số 5 nối từ Bến xe Cần Giuộc mới, huyện Bình Chánh đến cầu Sài Gòn là 1 trong 8 tuyến thuộc mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM, có tổng chiều dài khoảng 26 km.

Trong giai đoạn 1, tuyến sẽ có chiều dài 8,9 km, từ đoạn ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn với tổng mức đầu tư khoảng 41.607 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2020 - 2025, bảo hành, chạy thử từ năm 2025 - 2027.

Xây dựng thành phố thông minh phải “có hồn”

Ngày 17/5, tại TP. HCM diễn ra hội thảo “Bài học kinh nghiệm, thách thức và cơ hội phát triển thành phố thông minh” do Trường Đại học Việt Đức phối hợp Viện nghiên cứu Fraumhofer và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức.

Mục tiêu của buổi hội thảo nhằm chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất từ Sáng kiến Thành phố Tương lai (Morgenstadt) với trọng tâm về việc triển khai phòng thí nghiệm thành phố thông minh (Smart City Lab). Sáng kiến này do BMBF tài trợ và được triển khai bởi liên hiệp gồm hơn 40 đối tác là doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức phi chính phủ và các viện nghiên cứu do Viện Fraunhofer điều phối và triển khai ở nhiều thành phố trên thế giới.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, T.S Nguyễn Ngọc Hiếu, giảng viên lĩnh vực Khoa học xã hội trong phát triển đô thị Trường Đại học Việt Đức cho biết, hội thảo hôm nay các chuyên gia và nhà khoa học sẽ nhấn mạnh về vấn đề phòng thí nghiệm thành phố thông minh (Smart City Labs).

City Labs là tên gọi của một nhóm việc phải làm, đây là một công cụ quan trọng, một giải pháp giúp cho việc đo lường hiện trạng của thành phố, một kế hoạch tổng thể, định hướng sự phát triển, đưa cái mới vào khuôn khổ thể chế, tạo một cấu trúc tốt hơn.

Theo T.S Hiếu thành phố thông minh là thành phố tạo ra một cuộc sống chất lượng hơn, xây dựng thành phố thông minh làm sao trở thành thành phố "có hồn". Hồn ở đây là dữ liệu số, dữ liệu chia sẻ, nền tảng vận hành internet, công nghệ, không gian cho hệ sinh thái phát triển. Trên cơ sở cơ chế tài chính hiệu quả, kinh doanh mua sắm hiệu quả, thể chế văn hóa trao đổi, tất cả mọi người cùng làm xây dựng trên nền tảng nhất định thì thành phố thông minh mới có giá trị.

"Thành phố thông minh người ta hay nói là xây dựng trên nền tảng công nghệ. Tuy nhiên công nghệ thì thay đổi rất nhanh, công nghệ hôm nay là "thông minh" nhưng ngày mai có thể thông minh hơn", T.S Hiếu nói.

“Từ 1/7, tuyệt đối không làm thủ tục tại cảng Cát Lái”

Ngày 17/5, ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn khẳng định như vậy trong một cuộc làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam.

Cũng theo lãnh đạo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, hiện tại, Tổng công ty đang triển khai hiệu quả đề án “Hiện đại hóa thủ tục giao nhận hàng tại cảng”.

Đến nay, 100% khách hàng có container hàng xuất hạ bãi và 80% khách hàng nhận container nhập và giao nhận container rỗng tại cảng Cát Lái đều đã làm thủ tục và thanh toán trực tuyến qua phần mềm ePort. Đồng thời, triển khai lệnh giao hàng điện tử eDO đồng loạt cho các khách hàng của hãng tàu Maersk; phát triển app ePort mobile để tạo thuận lợi cho khách hàng…

Xong quy hoạch Tân Sơn Nhất đầu tháng 6

Về tiến độ triển khai dự án CHK quốc tế Long Thành, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, ngay trong tháng 5, ACV sẽ hoàn thành công tác đấu thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể cũng như công bố kết quả chỉ định nhà thầu phụ đặc biệt lập thiết kế cơ sở nhà ga hành khách, kết quả đấu thầu tư vấn lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 (FS).

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, đầu tháng 6 sẽ hoàn tất các thủ tục để có thể phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

“Quan điểm lập quy hoạch là bám sát tối đa phương án mà Tư vấn Pháp ADPi đã báo cáo và được Thủ tướng thông qua. Hiện, cơ bản hồ sơ đã xong. Tuy nhiên, phương án của Công ty TNHH một thành viên Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) cũng có một số thay đổi so với phương án của ADPi”, ông Thắng nói và thông tin: Tại khu vực phía Nam, Tư vấn ADCC đề nghị điều chỉnh quy mô nhà ga T3, chỉ xây dựng trên diện tích 120.000m2 thay vì 200.000m2 như phương án của ADPi song vẫn đảm bảo năng lực khai thác 20 triệu khách/năm. Việc này giúp giảm tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng so với phương án của ADPi.

Cơ bản thống nhất với lộ trình xét thầu mà ACV đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý trước khi công bố trúng thầu, ACV cần rà soát thật kỹ nội dung, kiểm soát chặt chẽ lại kết quả xét thầu, đảm bảo khi công bố kết quả thì các bên phải “tâm phục, khẩu phục”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin đô thị ngày 17/5: HN chi hàng trăm triệu lát cầu thang hầm đi bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới