Thứ bảy, 27/04/2024 02:05 (GMT+7)

Tăng thuế BVMT với xăng dầu: Nếu minh bạch người dân sẽ ủng hộ

MTĐT -  Thứ năm, 17/05/2018 15:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính đối với mặt hàng xăng lên mức kịch khung đã tạo nên những tranh cãi trái chiều. Trong đó, đa số ý kiến bày tỏ sự phản đối gay gắt.

Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể: Đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít xăng; Dầu diesel: Đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Dầu ma dút, dầu nhờn: đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; Dầu hỏa: Đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tăng như vậy, sau thời điểm 1.7 thì ngân sách thu tăng thêm khoảng 14.368 tỉ, lên mức 55.000 tỉ đồng/năm. Cùng với các khoản thuế tăng thêm từ các mặt hàng khác, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỉ đồng/năm.

Đại diện Bộ Tài chính nêu lý do là giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và Châu Á. Giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước.

Nhiều tranh cãi xung quanh việc tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính. Ảnh: Internet.

Cần minh bạch hơn về khoản chi

Thế nhưng, giải thích trên của Bộ Tài chính là chưa đủ sức thuyết phục, anh Minh Quang (35 tuổi, ở Hà Nội) cho rằng: “Tôi thấy cách giải thích của Bộ Tài chính là chưa thuyết phục. Đặc biệt là lấy chuyện giá xăng ở Việt Nam đang thấp để đánh thuế và đẩy giá lên cao. Nên nhớ thu nhập của người Việt đang rất thấp, sao không làm căn cứ đánh giá”.

Theo các chuyên gia, hiện nay mỗi lít xăng dầu đang chịu nhiều khoản thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại phí định mức, phí lợi nhuận và thuế bảo vệ môi trường. Việc nâng kịch khung thuế xăng dầu chắc chắn sẽ đẩy giá xăng lên cao hơn và người tiêu dùng chính là đối tượng phải gánh thuế là chính. Trong khi người dân cũng chưa nhận thấy tác dụng thực tế của việc tăng thuế môi trường có làm giảm ô nhiễm môi trường hay không.

Ở góc độ người dân, anh Trung Tiến chia sẻ:“Mình sẽ không do dự ủng hộ Bộ Tài chính tăng vượt khung thuế bảo vệ môi trường. Nếu như kèm với quyết định đó là kế hoạch chi tiết về việc sử dụng tiền thuế môi trường để bảo vệ và tái tạo môi trường”.

Trao đổi với Lao Động, anh Tiến nói: “Tôi đọc báo thấy Bộ Tài chính thông tin số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2017. Từ 11.000 tỉ năm 2012 đến 2017 là hơn 40.000 tỉ đồng nhưng tôi lại thấy môi trường sống quanh tôi không có gì thay đổi, thậm chí tình trạng rác rưởi, ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Vậy thì tiền thuế dùng vào việc gì?”.

Trả lời báo chí, PGS-TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Trước khi tăng thuế BVMT Bộ Tài chính phải lý giải thuyết phục người dân về lý do tăng thuế, nếu minh bạch tôi nghĩ người dân còn ủng hộ vì đồng tiền của họ đã được sử dụng đúng mục đích, có ý nghĩa. Còn không thì có thu thêm dù chỉ một đồng, dân vẫn bất mãn”.

Giá xăng sẽ tăng sốc

Nhận định về việc này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho hay, việc tăng thuế BVMT thêm 1.000 đồng/lít xăng, lên kịch khung 4.000 đồng/lít xăng là quá cao.

“Xu hướng dầu thô tăng giá đã rõ mà còn tăng thêm thuế thì lĩnh vực vận tải sẽ rất khó khăn. Và khi giá mặt hàng này tăng đến một mức nhất định, doanh nghiệp vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh giá cước. Đề nghị cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính cần thận trọng về thời gian tăng giá để không ảnh hưởng đến đầu vào của các ngành kinh tế sử dụng nhiên liệu” - ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Nhiều chuyên gia lo ngại, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức kịch khung sẽ khiến giá xăng tăng sốc, gánh nặng lên người tiêu dùng.

Ở những lần điều hành xăng dầu gần đây, giá xăng dầu đã tăng khá mạnh. Do đó, nếu tăng thuế, giá xăng dầu sẽ tăng sốc.

Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc tăng thuế BVMT có thể khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% xa vời hơn.

"Từ khi chưa có đề xuất tăng thuế BVMT lên mức trần, tôi cùng đoàn công tác đến Hải Dương, nông dân ở đây phản ánh giá thành chạy xăng cho máy nổ, máy bơm nước chi phí rất cao. Nếu giờ tăng thuế BVMT nữa thì những người lao động, đa số thu nhập trung bình hoặc thấp, công nhân sẽ sống ra sao? Trăm dâu đổ đầu tằm, người nghèo chịu hết" - ông Vũ Vinh Phú nói.

 P.V (tổng hợp theo ANTĐ, LĐ)

Bạn đang đọc bài viết Tăng thuế BVMT với xăng dầu: Nếu minh bạch người dân sẽ ủng hộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới