Thứ bảy, 27/04/2024 05:36 (GMT+7)

Bảo vệ động vật hoang dã nhằm ngăn ngừa sự lây truyền dịch bệnh

Lam Vy -  Thứ tư, 16/12/2020 17:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Sức khỏe của con người là quan trọng nhất và để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần thiết phải có những can thiệp cấp bách, những chế tài nghiêm khắc để chấm dứt việc săn bắn, buôn bán động vật hoang dã"

Ngày 15/12/2020, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm Tham vấn: “Đánh giá hướng dẫn số 109-HD/BTGTW và Chỉ thị 29/CT-TTg 2020 về bảo vệ động vật hoang dã và ngăn ngừa sự lây truyền Covid”.

Buổi tọa đàm tham vấn với sự có mặt của Bà Đinh Thị Mai- Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền- Ban Tuyên giáo Trung ương, bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, cùng các đồng chí đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, về phía đơn vị phối hợp với sự có mặt của Hoàng Thị Minh Hồng - Giám đốc điều hành, người sáng lập tổ chức xã hội dân sự CHANGE Việt Nam và bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sức khỏe Môi trường (CHERAD), Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Trẻ em – Bộ Lao động TBXH.

Tại buổi tọa đàm tham vấn, Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sức khỏe Môi trường (CHERAD), Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Trẻ em – Bộ Lao động TBXH đã có bài phát biểu về “ Mối nguy hại của tiêu thị sản phẩm từ động vật hoang dã đến sức khỏe con người”. Bài phát biểu có nêu rõ về bối cảnh ra đời hướng dẫn số 109-HD/BTGTW.

Quang cảnh buổi tọa đàm tham vấn “Đánh giá hướng dẫn số 109-HD/BTGTW và Chỉ thị 29/CT-TTg 2020 về bảo vệ động vật hoang dã và ngăn ngừa sự lây truyền Covid”.

Bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên là chủ trương được Đảng ta khẳng định tại các văn kiện quan trọng như Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư (Khoá X) “Về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” và Hướng dẫn số 109-HD/BTGTW ngày 08/6/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương “Hướng dẫn các cấp ủy đảng chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tuyên truyền việc thực hiện tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã”.

Ở thời điểm 2010, Ban Tuyên giáo TƯ xác định việc tiêu dùng động vật hoang dã là các hành vi ăn thịt, làm đồ trang sức hoặc trang trí (như hoạt động nuôi gấu lấy mật, nuôi hổ lấy cao, lấy ngà voi, đồi mồi làm đồ trang trí. Sổ tay hướng dẫn này cũng đưa ra các quy định mang tính khá “mềm” là cán bộ đảng viên ngoài trách nhiệm tuyên truyền còn là người tiên phong, không buôn bán, sử dụng bất hợp pháp động vật hoang dã.

Tính mềm trong văn bản còn “mở” cho cán bộ Đảng viên vẫn có thể thực hiện buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng như là một mặt hàng tiêu dùng cá nhân nhưng ở mức độ “không gây ra mối đe dọa đến sự tồn tại, phát triển và khả năng thực hiện chức năng sinh thái bình thường của sinh vật trong tự nhiên”.

Chính vì vậy, thực tiễn cho thấy, việc người dân từ bình thường đến Đảng viên vẫn coi việc sử dụng cao gấu, cao hổ hay đồ lưu niệm từ động vật hoang dã là bình thường. Thậm chí tại khu vực Tây Nguyên, việc buôn bán lông đuôi voi, mỹ nghệ ngà voi rất hiển nhiên. Các báo cũng liên tục đưa tin về việc các cán bộ Đảng viên sử dụng, buôn bán ngà voi, vi cá mập.

Tuy nhiên tình trạng buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã  trên thế giới và Việt Nam tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp thời gian qua.  Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng công tác bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân do nhiều loài động vật hoang dã mang mầm bệnh có thể lây truyền sang người. dịch bệnh này được các chuyên gia đánh giá động vật hoang dã là vật chủ trung gian, gây bùng phát và gây hại cho toàn cầu.

Đặc biệt, đại dịch Covid  trở lại Việt Nam lần hai từ tháng 7 cho tới tháng 9 vừa qua vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt trong tương lai cũng một lần nữa cảnh báo về các dịch bệnh từ động vật hoang dã.

Trước đó vào ngày 26/12/2013, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành tiếp Hướng dẫn số 98- HD/BTGTW “Công tác tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã’”.

Việt Nam, luôn được xác định là một trong những “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ cao xuất hiện các tác nhân gây các bệnh truyền nhiễm mới nổi lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã. Thời gian qua. Việt Nam đã ghi nhận các bệnh truyền nhiễm mới nổi như: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS); cúm gia cầm A/H5N1, với tỷ lệ tử vong khoảng 50%. Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự giao lưu của con người bằng những phương tiện giao thông hiện đại là cơ hội cho các ổ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi từ động vật lây sang người rất cao.

Trước thực trạng trên, ngày 23/7, Thủ tướng CP đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã cho đến khi có chỉ đạo mới và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Có rất nhiều đại dịch có liên quan đến động vật hoang dã trong lịch sử như: Đại dịch cúm H5N1 năm 1997; Đại dịch SARS năm 2003; Đại dịch MERS-CoV năm 2012 và mới đây nhất là dịch Viêm phổi cấp COVID-19 do vi rút SARS-CoV2.

Nguyên nhân khiến những vi-rút nguy hiểm bên trong động vật hoang dã lây lan sang con người chính là do việc săn bắt, giết mổ các loài động vật hoang dã để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dựa trên những đồn đoán về tác dụng đối với sức khỏe con người của các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Trong quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ việc vận chuyển động vật hoang dã cùng với sự giao lưu của con người bằng những phương tiện giao thông hiện đại, là cơ hội cho các ổ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi từ động vật lây sang người rất cao.

Qua trao đổi với GS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết: hiện tại Bộ Y tế và các nhà khoa học Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào được công bố về mối liên hệ giữa Động vật hoang dã và Vi rút Corona chủng mới gây Dịch Viêm phổi cấp COVID-19 này. Tuy nhiên các văn bản của Bộ Y tế đều trích dẫn các công bố báo cáo chi tiết về dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới ngày 29-2 về Nguồn gốc của virus: “Virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) bắt nguồn từ động vật hoang dã. Các phân tích cho thấy dơi dường như là vật chủ cho SARS-CoV-2 nhưng vật chủ trung gian chưa được xác định. Các nghiên cứu xác định nguồn gốc virus vẫn đang được tiến hành.”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ngày càng có nhiều bằng chứng về việc dịch bệnh do chủng mới virus Corona (COVID-19) gây ra có liên quan tới virus Corona ở dơi Rhinolophus. Loài này thường sống chủ yếu ở phía Nam Trung Quốc, Châu Á, châu Phi và vùng Trung Đông (Chinhphu.vn). Nghiên cứu gần đây cho thấy có hơn 500 loại virus Corona được tìm thấy ở dơi tại Trung Quốc. Đáng chú ý, các nghiên cứu huyết thanh học được tiến hành với người dân nông thôn sống gần các hang động có dơi sinh sống cho thấy tỉ lệ huyết thanh dương tính với virus Corona. Điều này cho thấy sự tiếp xúc giữa con người với dơi có thể phổ biến.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sức khỏe Môi trường (CHERAD), Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Trẻ em – Bộ Lao động TBXH.

Kết luận tại buổi tọa đàm tham vấn về “Đánh giá hướng dẫn số 109-HD/BTGTW và Chỉ thị 29/CT-TTg 2020 về bảo vệ động vật hoang dã và ngăn ngừa sự lây truyền Covid”. Bác sĩ Nguyễn Trọng An khẳng định:

“Sức khỏe của con người là quan trọng nhất và để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần thiết phải có những can thiệp cấp bách, những chế tài nghiêm khắc để chấm dứt ngay việc săn bắn, buôn bán, giết mổ, ăn thịt các loại động vật hoang dã, nhằm cắt đứt nguồn lây truyền các Vi rút, vi trùng, ký sinh trùng nguy hiểm gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người. Trước mắt cần tuân thủ các quy định pháp luật về Bảo vệ động vật hoang dã và Luật Đa dạng Sinh học (2008).

Ngay từ bây giờ cần chấm dứt các hành động săn bắn, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Đây là việc làm cấp bách và cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đội ngũ lãnh đạo, đảng viên, đồng thời cần tiến hành nghiên cứu và thúc đẩy các cơ quan lãnh đạo Việt Nam rà soát, đánh giá sơ kết 10 năm thực hiện hướng dẫn của Ban TGTW và đưa ra đánh giá toàn diện làm cơ sở, từ đó đề xuất Ban Bí thư ban hành văn bản/chỉ thị mới phù hợp với thực trạng xã hội của Việt Nam và Quốc tế, nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ Đảng viên trong bảo vệ Động vật hoang dã, đặc biệt là sau khi Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được ban hành”.

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ động vật hoang dã nhằm ngăn ngừa sự lây truyền dịch bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới