Thứ sáu, 03/05/2024 12:27 (GMT+7)

Các cường quốc vũ trụ chạy đua tìm nước trên mặt trăng

MTĐT -  Thứ ba, 29/08/2023 11:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều quốc gia, công ty tư nhân đang chạy đua trong nỗ lực nghiên cứu Mặt Trăng sau khi dấu hiệu có nước trên vệ tinh của Trái Đất này được công bố hơn một thập kỷ trước.

Mỏ tài nguyên mới của nhân loại

Hàng loạt dự án lên mặt trăng đang diễn ra trên khắp thế giới, được thúc đẩy bởi những tham vọng mới về nghiên cứu khoa học và thám hiểm không gian sâu. Nhiều người nhắm đến cực Nam mặt trăng, nơi các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện dấu vết của băng nước vào năm 2008 và 2009. Một số ước tính cho rằng, nguồn nước vô cùng dồi dào này có giá trị ở mức hơn 200 tỷ USD. Ngoài ra, lượng khí heli của Mặt Trăng cũng có trị giá 1,5 triệu tỷ USD.

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nước là nguồn tài nguyên quan trọng cho kế hoạch xây căn cứ trên mặt trăng trong tương lai. Một ngày nào đó, nước, ngoài vai trò dùng để uống, còn có thể trở thành thành phần quan trọng trong thiết bị làm mát, hoặc thậm chí làm nhiên liệu tên lửa cho các sứ mệnh hướng tới những nơi xa hơn trong hệ Mặt Trời. Nếu khai thác được những nguồn tài nguyên tự nhiên trên Mặt Trăng, con người sau này có thể sẽ không cần vận chuyển nhiên liệu cho tàu vũ trụ từ Trái Đất nữa.

Dấu hiệu của nước ở cực Nam mặt trăng cũng làm dấy lên mối lo ngại về cách khai thác nguồn tài nguyên này. Các nhà nghiên cứu đã xác nhận nước tồn tại trên những phần khác của mặt trăng, trong đó có cả phần sáng và phần tối.

Con người lần đầu tiên hạ cánh thành công lên mặt trăng vào năm 1966 trong sứ mệnh của tàu vũ trụ Luna-9 Liên Xô. Ba năm sau, các phi hành gia Mỹ đã đi bộ trên mặt trăng.

Theo đánh giá, kho tài nguyên trên Mặt Trăng có thể đạt giá trị hơn 1 triệu tỷ USD. Ngoài đất hiếm, Mặt Trăng còn có nhiều khoáng chất khác, bao gồm bạch kim, palladium, rhodium, titan...

Náo nhiệt cuộc đua lên Mặt trăng

Những nỗ lực của cả khu vực chính phủ và tư nhân, với công nghệ được cải tiến đáng kể, đang nhằm tới mục đích đưa nhiều tàu thám hiểm, tàu đổ bộ và phi hành gia hơn nữa lên mặt trăng để tiến hành thí nghiệm và khai phá. Phần tối của cực nam mặt trăng chưa được khám phá càng khiến giới nghiên cứu tò mò.

Không chỉ sôi động, nó còn tốn kém. Theo số liệu từ IMF, trong năm 2022, Mỹ đang dành ra 0,28% GDP vào ngành hàng không vũ trụ, theo sau là Nga, với 0,15% GDP, tới Pháp và Nhật Bản khoảng 0,1% GDP. Ấn Độ khoảng 0,04% GDP, khiêm tốn hơn nhưng cho thấy hiệu quả. Khi chiến dịch thám hiểm Chandrayaan-3 mới đây chỉ tốn 75 triệu USD đã làm nên lịch sử.

tm-img-alt
Sức hút của các chương trình khám phá Mặt Trăng là điều dễ hiểu và đây không phải là một cuộc đua mới. (Ảnh minh họa: KT)

Sự kiện nóng nhất mới đây là việc Ấn Độ thành công đưa tàu thám hiểm đáp xuống cực Nam của Mặt Trăng và ghi tên mình vào lịch sử hàng không vũ trụ.

Bằng những tiến bộ khoa học vượt bậc, các nhà khoa học Ấn Độ đã nối tiếp hành trình chinh phục Mặt Trăng, trước đó đã ghi dấu ấn của Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc

Ngoài ra, Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô, cũng đã cố gắng phóng tàu vũ trụ thám hiểm lên Mặt Trăng lần đầu tiên sau 47 năm, trong khi Nhật Bản, Israel cũng nỗ lực tham gia cuộc đua, dù chưa thành công. Có thể thấy đây là một cuộc đua sôi động. Nước nào chưa đặt chân tới rất quyết tâm, còn những nước nào đã thành công đặt chân lên Mặt Trăng, vẫn cam kết sẽ quay trở lại.

Nga đã phấn đấu để trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh một thiết bị xuống cực Nam mặt trăng. Nhưng hôm 20/8, các quan chức từ cơ quan vũ trụ Nga thông báo tàu Luna-25 của họ đã đâm vào mặt trăng khi thực hiện sứ mệnh này.

Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch đổ bộ Mặt trăng tương tự trong năm nay. Trong khi đó những nước khác như Canada, Mexico và Israel đang có kế hoạch đưa xe tự hành (rover) lên khám phá bề mặt Mặt trăng.

Ngoài ra có sáu cơ quan vũ trụ quốc tế đang hợp tác với chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), nhằm mục đích đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2025. Trong khi đó, Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa các phi hành gia của nước này lên bề mặt Mặt trăng vào năm 2030.

28 quốc gia trên thế giới đã ký Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu nhằm mục đích sử dụng không gian hòa bình và hợp tác. Hiệp ước quy định rằng không quốc gia nào có quyền tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ trên Mặt Trăng, nhưng nó không chỉ rõ nguyên tắc không chiếm đoạt được áp dụng như thế nào đối với tài nguyên không gian, chẳng hạn như quyền khai thác, sở hữu và sử dụng nước đóng băng trên Mặt Trăng.

Bên cạnh sự cạnh tranh, chính phủ các nước cũng có những sự hợp tác để đạt được mục đích chung. Ví dụ như việc Nga đã tuyên bố sẽ hợp tác với Trung Quốc trong chương trình khám phá Mặt Trăng, trong khi Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã có những sự phối hợp tương tự.

Hạ cánh xuống mặt trăng không phải nhiệm vụ dễ dàng, chủ yếu là do bầu khí quyển mỏng của nó không chứa đủ không khí để làm chậm một con tàu đang hạ cánh, giống như cách mà những chiếc dù giúp làm chậm tàu vũ trụ khi quay trở lại Trái Đất.

Thay vào đó, hạ cánh trên mặt trăng đòi hỏi tàu vũ trụ phải giảm vận tốc từ hàng nghìn km/h đến lúc dừng hẳn bằng cách sử dụng các động cơ để giữ cho nó không hạ xuống quá nhanh khi nó bị lực hấp dẫn của mặt trăng kéo vào.

NASA ước tính, việc cho các công ty tư nhân tham gia lĩnh vực vũ trụ sẽ tiết giảm chi phí đưa con người vào không gian từ 4 - 10 lần so với trước đây. Các chuyên gia nhận định, việc tham gia của khối tư nhân với tiềm lực hùng hậu và những ý tưởng đột phá đã và đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cuộc đua thám hiểm không gian.

Hải Đăng

Bạn đang đọc bài viết Các cường quốc vũ trụ chạy đua tìm nước trên mặt trăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Biến phế phẩm gỗ và rác thải nhựa thành ván sàn Composite
Việc tận dụng phế phẩm gỗ và rác thải nhựa để sản xuất vật liệu composite gỗ - nhựa là một phương pháp sáng tạo trong việc quản lý chất thải, đảm bảo sự bền vững của ngành công nghiệp gỗ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Tin mới

Bắc Giang: Những bãi rác tự phát gây ô nhiễm
Phong trào dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các địa phương quan tâm triển khai tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Bài thơ: Yên bình
Em hãy sống một đời bình yên nhé///Nhìn mọi điều như đứa trẻ giản đơn///Như bản chất vốn sinh ra là thế///Bận lòng gì vài ba chuyện thiệt hơn.