Thứ tư, 01/05/2024 11:14 (GMT+7)

Cúm A "bùng nổ" tại Hà Nội, hàng trăm ca nhiễm ở khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ hai, 18/07/2022 16:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo lời kể của các bệnh nhân, ở khu công nghiệp họ đang làm việc còn xuất hiện rất nhiều trường hợp có triệu chứng cúm tương tự.

Xuất hiện chùm ca bệnh ở khu công nghiệp

Theo BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vừa qua cơ sở này đã tiếp nhận cùng lúc gần 20 trường hợp có triệu chứng cúm, đều là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh.

Các trường hợp này ở độ tuổi 20 - 30 tuổi. Thời điểm đến bệnh viện, các bệnh nhân đều có triệu chứng tương đối giống nhau như: đau đầu, sốt, nhức mỏi người. Qua test nhanh, hầu hết các bệnh nhân đều cho kết quả dương tính với cúm A.

Đáng chú ý, theo lời kể của các bệnh nhân, ở khu công nghiệp họ đang làm việc còn xuất hiện rất nhiều trường hợp có triệu chứng cúm tương tự. Cũng ngay ngày hôm sau, BS Huyền tiếp tục thăm khám cho hơn 10 bệnh nhi có triệu chứng cúm là người thân của nhóm công nhân này.

Chỉ trong 2 tuần gần đây, đã có gần 100 bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để thăm khám do xuất hiện triệu chứng của cúm A.

Theo TS Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, có tới 60% dương tính với cúm A.

Bệnh do virus cúm thường gặp vào mùa lạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những nhóm đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh thường trực quanh năm.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Suy hô hấp phải thở máy vì cúm A

Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân mắc cúm A mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy.

Cụ thể, trường hợp này là bệnh nhân nữ, 78 tuổi, sống tại Chương Mỹ (Hà Nội). Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện cấp cứu khi đã diễn biến bệnh ở ngày thứ 3, với triệu chứng: khó thở, mệt mỏi, sốt 39 độ C, ho nhiều.

Theo bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, nữ bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng do cúm A.

"Sau một ngày điều trị, bệnh nhân gia tăng tình trạng khó thở, chỉ số SpO2 giảm còn 83%. Do đó, các bác sĩ buộc phải đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân thở máy xâm nhập", BS Bắc cho hay.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam, 65 tuổi, mắc cúm A do lây từ người nhà. Sau khi mắc bệnh, sức khỏe của ông diễn tiến xấu và xuất hiện tình trạng viêm phổi. Hiện, bệnh nhân này đang được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị và theo dõi sát.

Theo BS Bắc, các bệnh nhân trẻ tuổi khi mắc cúm A thường có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, với người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn.

BS Bắc phân tích: "Khi bị mắc cúm, tỷ lệ bị viêm phổi do cúm ở người lớn có thể lên tới 4-8%. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% số ca viêm phổi, chủ yếu là người cao tuổi".

Cúm A thường diễn biến diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, do được chẩn đoán và điều trị sớm, tuy nhiên có thể diễn biến nặng trên nhóm người cao tuổi, nhiều bệnh nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tim mạch, phụ nữ mang thai.

Bác sĩ Bắc khuyến cáo mọi người nên chủ động phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng, sát khuẩn tay, tiêm vaccine cúm hàng năm. Trong đó, biện pháp tiêm vaccine được nhấn mạnh với nhóm người bị giảm miễn dịch, có bệnh nền do làm giảm mức độ trở nặng.

"Bình thường hay tiêm trước mùa đông nhưng nay dịch bệnh xuất hiện vào mùa hè, do đó mọi người nên đi tiêm vaccine sớm hơn thường lệ", bác sĩ Bắc cho biết và nói thêm vaccine được cập nhật theo các chủng cúm hàng năm để tăng mức độ phòng ngừa.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo cúm A có thể diễn biến nặng và gây tử vong ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... Cơ quan này khuyến cáo mọi người phòng cúm A bằng cách vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi và vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Những người có biểu hiện bệnh như hắt hơi, chảy nước mũi cấp tính, sốt, đau họng, mệt, đau đầu, ớn lạnh, đau mỏi toàn thân nên hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Bệnh lây dễ, khó phòng ngừa, đặc biệt trên các không gian kín như phương tiện công cộng, nhà máy, xí nghiệp, trường học. Bên cạnh đó, mọi người nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

An Na (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cúm A "bùng nổ" tại Hà Nội, hàng trăm ca nhiễm ở khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới