Thứ ba, 30/04/2024 19:55 (GMT+7)

Để những tuyến đường thông suốt mùa mưa

MTĐT -  Thứ bảy, 26/08/2023 16:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những trận mưa lớn kéo dài từ đầu mùa khiến cho nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, ngập úng, gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho người và phương tiện.

Nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập úng

Bắc Giang có mạng lưới giao thông đường bộ đa dạng với tổng số gần 14,3 nghìn km, trong đó có một tuyến cao tốc dài 39 km, 5 tuyến quốc lộ (290 km), 23 tuyến đường tỉnh (463,55 km), còn lại là đường huyện, xã, đường đô thị... Với địa hình chia cắt mạnh, đồi núi xen lẫn trung du và đồng bằng, nhiều tuyến giao thông đưa vào sử dụng đã lâu, mặt đường xuống cấp, một số tuyến mới vừa được đầu tư, kết cấu địa chất phần ta luy chưa ổn định... nên khi có mưa kéo dài gây ngập úng cục bộ, sạt lở ta luy.

 Công ty cổ phần Đường bộ Bắc Giang huy động máy móc, phương tiện xử lý điểm sạt trượt trên đường tỉnh 293, đoạn qua tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử.
Công ty cổ phần Đường bộ Bắc Giang huy động máy móc, phương tiện xử lý điểm sạt trượt trên đường tỉnh 293, đoạn qua tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ Bắc Giang cho biết: “Qua rà soát, trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ có 11 điểm nguy cơ nước ngập, tràn mặt đường, 13 đoạn có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài hơn 120 km. Đây đều là những điểm đã xảy ra sự cố trong những năm trước và được khắc phục. Tuy vậy, do đặc thù địa hình cũng như nguồn lực nên các sự cố chưa được xử lý triệt để, nguy cơ sạt lở luôn hiện hữu”.

Từ tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 đợt mưa lớn, trong đó có một trận mưa do ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 1. Các trận mưa làm xói lề đường tại 82 điểm với khối lượng 301,4 m3; gây sạt lở ta luy dương tại 66 vị trí (gần 6,1 nghìn m3) và 9 điểm sạt lở ta luy âm (389,5 m3).

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, từ tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 đợt mưa lớn, làm xói lề đường tại 82 điểm với khối lượng 301,4 m3; gây sạt lở ta luy dương tại 66 vị trí (gần 6,1 nghìn m3) và 9 điểm sạt lở ta luy âm (389,5 m3). Cùng đó gây ngập úng tại nhiều vị trí, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Mới đây nhất, do ảnh hưởng từ những trận mưa liên tiếp, giữa tháng 8 vừa qua, tại Km 63+780 đường tỉnh 293, đoạn thuộc tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) có hiện tượng sạt lở, đất xô xuống một phần mặt đường, cản trở giao thông. Cũng trên tuyến đường này, hồi cuối tháng 6 cũng xảy ra sạt lở đất tại Km 84+500 thuộc thôn Tảu, xã Long Sơn (cùng huyện Sơn Động) với chiều dài cung sạt trượt khoảng 20 m, ăn sâu vào 4 m, đất xô tràn, lấp rãnh thoát nước và toàn bộ mặt đường với độ dày từ 20 đến 50 cm, phương tiện đi lại khó khăn.

Tương tự, dù đường tỉnh 248 qua huyện Lục Ngạn chỉ dài 48 km song do trên tuyến có 12 ngầm, nhiều vị trí cong, cua, một bên là núi cao, một bên là vực sâu nên từ đầu mùa mưa đến nay đã có 16 vị trí bị sạt lở ta luy dương (khối lượng đất, đá khoảng 2,4 nghìn m3); nhiều ngầm tràn bị ngập sâu. Tại xã Đồng Tiến (Yên Thế), từ tháng 6 đến nay đã có 4 lần bị ngập úng tại các ngập tràn, người dân tại 7/8 bản của xã không thể di chuyển sang các địa phương khác.

Ông Trần Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: “Trên địa bàn xã có 11 ngầm, trong đó có 5 ngầm trên đường tỉnh 292C. Do địa hình thấp nên mỗi khi có mưa lớn, nước từ các địa phương khác dồn về khiến hầu hết các ngầm bị ngập, có ngầm ngập hơn 1 m, ảnh hưởng đến đời sống của người dân”.

Sẵn sàng vật tư, kịp thời xử lý các tình huống

Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh, những trận mưa lớn từ đầu mùa đến nay tuy chưa gây thiệt hại lớn về công trình giao thông nhưng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đi lại của người dân. Để chủ động phòng ngừa sự cố thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh theo dõi sát các bản tin, kịp thời tham mưu Ban Chỉ huy ban hành công điện chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai giải pháp ứng phó.

Với trách nhiệm của mình, Sở Giao thông - Vận tải sớm xây dựng kế hoạch PCTT-TKCN và bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão, tổ chức cảnh báo các điểm xung yếu trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập, những đoạn ta luy nguy cơ sạt trượt, nhất là đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao. Tại các vị trí xung yếu, từ đầu năm đến nay, ngành đã sửa chữa ngầm Khe Ngọn và Gốc Bòng, cùng thuộc xã Đồng Tiến (Yên Thế); khắc phục các vị trí sạt lở, sửa chữa bảo đảm giao thông bước 2 một số ngầm trên đường tỉnh 248.

Là đơn vị được giao quản lý, bảo trì đường bộ, hành lang bảo vệ đường bộ, Công ty cổ phần Đường bộ Bắc Giang chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đơn vị ký hợp đồng nguyên tắc với một số doanh nghiệp để bố trí máy xúc san gạt, khơi thông dòng chảy khi xuất hiện các điểm sạt lở, bảo đảm xử lý sự cố ngay từ giờ đầu.

Đặc biệt, từ đầu tháng 6/2023, Công ty tập trung cao san gạt lề đường, bảo đảm độ dốc lề thoát nước, khơi cống rãnh trên các tuyến. Sau gần 3 tháng, các hạt quản lý đường bộ đã san gạt lề đường, khơi thông hơn 200 km rãnh thoát nước trên các tuyến. Đối với các điểm sạt, lở, Công ty tập trung xử lý ngay, không để vị trí nào bị ùn tắc.

Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương bố trí nguồn lực, xây dựng phương án phòng, chống ngập úng, sạt lở. Ví như sau sự cố ngập úng tuyến giao thông gần trụ sở UBND huyện trong trận mưa cuối tháng 6 vừa qua, UBND huyện Yên Thế giao đơn vị chuyên môn tổ chức nạo vét cống thoát nước, hiện tượng ngập úng không còn.

Ngoài ra, huyện mua 110 biển cảnh báo nước sâu, khu vực nguy hiểm hỗ trợ các xã, thị trấn. Tương tự, sau sự cố ngập úng trên đường tỉnh 296, đoạn qua xã Hợp Thịnh, UBND huyện Hiệp Hòa có chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước khu vực Cụm công nghiệp Hà Thịnh và thay cống hiện trạng tại Km 8+280 trên đường tỉnh 296 bằng cống hộp đúc sẵn 3x3 m. Dự án triển khai sẽ giải quyết tình trạng ngập úng trên đường tỉnh 296 và phục vụ tiêu thoát nước cho các xã Hợp Thịnh, Đại Thành.

Diễn biến bất thường của thời tiết thời gian qua đã cho thấy những nguy cơ, thách thức đối với các công trình cũng như công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong mùa mưa bão năm nay. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Khi tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết bất lợi phải quan sát kỹ các hiện tượng đất, đá trên đường, mực nước tại các sông, suối để bảo đảm an toàn.

Bạn đang đọc bài viết Để những tuyến đường thông suốt mùa mưa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.