Thứ năm, 02/05/2024 10:27 (GMT+7)

Đề xuất xóa 4 Tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Luật Đồng -  Chủ nhật, 11/09/2022 15:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tổ chức lại 4 Tổng cục gồm: Thủy lợi, Phòng chống thiên tai, Lâm nghiệp, Thủy sản thành 6 cục chuyên ngành trực thuộc Bộ

tm-img-alt
Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ này.

Theo đó, đối với cơ quan cấp Vụ và tương đương, số lượng đầu mối cấp Vụ thuộc Bộ giảm một đầu mối, cụ thể: Giữ ổn định các Vụ gồm:  Vụ Tổ chức cán bộ, Kế hoạch, Khoa học công nghệ và Môi trường, Pháp chế, Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ; thực hiện không tổ chức phòng trong Vụ.

Bộ NN&PTNT đề xuất sáp nhập Vụ Quản lý doanh nghiệp vào Vụ Tài chính và chuyển cơ bản chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý doanh nghiệp về Vụ Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Các đơn vị Cục, số lượng đầu mối Cục thuộc Bộ giảm 1 đầu mối. Cụ thể: Giữ ổn định 6 Cục, gồm: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Thú y, Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Quản lý xây dựng công trình.

Riêng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đề xuất hợp nhất với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, tổ chức lại thành Cục mới với tên gọi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Các Tổng cục, Bộ NN&PTNT thực hiện sắp xếp và tổ chức lại 4 Tổng cục thành 6 Cục chuyên ngành trực thuộc Bộ. Cụ thể, chuyển Tổng cục Thủy lợi thành Cục Thủy lợi. Tổng cục Phòng chống thiên tai thành Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Tổng cục Lâm nghiệp thành 2 Cục: Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm. Tổng cục Thủy sản thành 2 Cục: Cục Thuỷ sản và Cục Kiểm ngư.

Các đơn vị sự nghiệp, Bộ sẽ giữ ổn định các đơn vị, gồm: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Báo Nông nghiệp Việt Nam; Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đổi tên Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT I thành Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT và Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II thành Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và chuyển sang cơ chế tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên theo quy định.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất đổi tên Trung tâm Tin học và Thống kê thành Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp.

Như vậy, sau khi sắp xếp hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại cơ quan hành chính thuộc Bộ NN&PTNT theo cơ cấu mới, đã giảm 4 Tổng cục -giảm 34 cấp Vụ và tương đương, giảm 100% số phòng trong Vụ. Cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT sau sắp xếp sẽ có 28 cục, vụ, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ.

Việc bỏ Tổng cục, sắp xếp lại thành các cục chức năng, nếu xét quan điểm, ý kiến của người trong ngành thì hầu như đều muốn giữ lại. Tuy nhiên, việc sắp xếp bộ máy hành chính là phải trên cách nhìn toàn cục, vì lợi ích quốc gia, xã hội. Một bộ máy nhà nước phát triển thì không thể cồng kềnh như cỗ xe, cứ xe này kéo xe khác. Bộ máy cồng kềnh thì chỉ những người ngồi trên cỗ máy đó hưởng lợi vì dù nhanh hay chậm, họ cũng được kéo đi còn cái hại là làm chậm và nghẽn cả lộ trình, khiến những người đóng thuế nuôi cỗ xe càng thêm vất vả. Chưa kể, khi những người ngồi trên cỗ xe cồng kềnh ấy, vì quá đông, quá nhiều tầng nấc nên rất dễ việc họ lợi dụng các vị trí để “tháo vít, hút dầu” trục lợi cá nhân, làm tình trạng tham nhũng, quan liêu càng thêm trầm trọng.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã chỉ rõ: Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định... Do đó, việc bãi bỏ, sắp xếp lại các tổng cục ở các bộ là yêu cầu tất yếu, khách quan.

tm-img-alt
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành cần giảm tổ chức trung gian, chồng chéo chức năng nhiệm vụ. Ảnh ITN

Còn nhớ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo văn bản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương rà soát, đánh giá xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành rà soát, đánh giá kỹ và xác định rõ các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo phân công của Chính phủ và quy định pháp luật chuyên ngành, bảo đảm một ngành, lĩnh vực được giao cho một bộ chủ trì, chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng yêu cầu, giảm tổ chức trung gian; sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức tham mưu, quản lý chuyên ngành mà không xác định rõ phạm vi, đối tượng thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý nhà nước theo phân công của Chính phủ; giải thể hoặc tổ chức lại các cơ quan, tổ chức có trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động không hiệu quả, bỏ phòng trong vụ; giảm tối đa tổ chức phòng và tương đương thuộc cục, thanh tra, văn phòng. 


Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, đánh giá kỹ và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc bộ, thuộc tổng cục, cục thuộc bộ bảo đảm tinh gọn tối đa đầu mối, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành và Nghị định 120/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá kỹ và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp thuộc bộ, thuộc cục, tổng cục theo hướng chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập do Chính phủ quy định tại Nghị định 120/2020.

tm-img-alt
Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trước đó, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có loạt bài phản ánh về đề xuất kiện toàn tổ chức lại bộ máy tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đề xuất gửi các Tổng cục dự kiến giải thể 4 Tổng cục, nhưng lại "phình" ra 12 Cục trực thuộc Bộ. Cụ thể:

1) Tổng cục Quản lý đất đai sẽ "tách" Tổng cục Quản lý đất đai ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ TNMT gồm: Cục Đăng ký và Thông tin đất đai; Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất; Cục Điều tra, Quy hoạch và Bảo vệ đất; Cục Chính sách và kiểm soát đất đai.

2) Tổng cục Môi trường "tách" ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ, gồm: Cục Bảo vệ môi trường; Cục Quản lý chất lượng môi trường; Cục Quy hoạch và Đánh giá chất lượng môi trường; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học.

3)Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ "tách" ra làm 2 Cục trực thuộc Bộ gồm: Cục Địa chất và Cục Khoáng sản.

4) Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ "tách" ra làm 2 Cục trực thuộc Bộ gồm: Cục Điều tra, Quy hoạch biển và hải đảo; Cục Quản lý tổng hợp biển và Hải đảo.

tm-img-alt
Văn bản Bộ TNMT ký gửi Tổng cục Quản lý đất đai về dự kiến triển khai phương án kiện toàn tổ chức bộ máy

Theo các chuyên gia, cách đề xuất nêu trên là chưa đúng với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 18 năm 2017 của Trung ương Đảng và các Nghị quyết, văn bản có liên quan.  Đề xuất trên chẳng những tinh giảm mà lại làm phình to bộ máy và lập thêm nhiều đầu mối trung gian, càng gây lãng phí tiền của Nhà nước và Nhân dân.

Dư luận rất đồng tình khi Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt và tiếp tục ký ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu các Bộ ngành rà soát, đánh giá kỹ và xác định rõ các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo phân công của Chính phủ và quy định pháp luật chuyên ngành, bảo đảm một ngành, lĩnh vực được giao cho một bộ chủ trì, chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước. Đồng thời kiên quyết giải thể hoặc tổ chức lại các cơ quan trùng lắp, chồng chéo. /.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất xóa 4 Tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.

Tin mới