Thứ sáu, 26/04/2024 21:15 (GMT+7)

Long An: Đề xuất đầu tư trục giao thông mới song song quốc lộ 1

MTĐT -  Thứ ba, 26/03/2019 09:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 25/3, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Long An về công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo ATGT trên địa bàn.

Theo Báo Giao Thông đưa tin, sau khi nghe kiến nghị của ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh Long An và các ý kiến trao đổi của các thành viên trong đoàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ghi nhận 14 đề xuất của địa phương. Trong đó, có việc nghiên cứu triển khai trục giao thông mới làm động lực thúc đẩy sự phát triển 3 địa phương TP.HCM - Long An - Tiền Giang và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Bộ trưởng Thể chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN, Vụ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp địa phương xác định vị trí, quy mô và những lợi thế của trục động lực mới này. Qua đó, xác định hiệu quả dự án, nếu cần thiết sẽ đề xuất bổ sung quy hoạch.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác của Bộ làm việc với UBND tỉnh Long An. Ảnh: Báo Giao Thông

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay kết cấu hạ tầng ở một số khu vực còn yếu, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, các địa phương trong khu vực nên tổ chức nhiều hơn những cuộc họp liên vùng để tìm tiếng nói chung, làm rõ nhu cầu cũng như thế mạnh của từng địa phương và của vùng, qua đó kiến nghị đầu tư phù hợp, hiệu quả, tập trung...

Theo PLO thông tin, tại buổi làm việc, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết hiện nay những bất cập về hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng lớn đến đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn giao thông. “Hiện nay kết nối TP.HCM với vùng ĐBSCL chủ yếu thông qua quốc lộ (QL) 1 độc đạo vốn dĩ chật hẹp, mặt đường xuống cấp, bị thắt cổ chai tại đoạn cầu Bình Điền - TP.HCM. Do đó, rất cần quy hoạch và đầu tư trục QL mới phía Nam và song song QL1 hiện hữu để kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang và vùng ĐBSCL” - ông Cần nói.

Theo đó, các tuyến đường quốc gia trên địa bàn kết nối 13 tỉnh vùng ĐBSCL được đầu tư quá chậm, quy mô đường quá nhỏ, không đáp ứng yêu cầu, mặt đường xuống cấp. Từ đó dẫn đến ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông tăng, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Ngoài ra, những điểm nối giữa TP.HCM với Long An tại các QL1, QL50 quá hẹp, trong khi lưu lượng lưu thông rất lớn nên dẫn đến tắc đường thường xuyên.

Không những vậy, đường Vành đai 3, Vành đai 4 - TP.HCM, đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ mặc dù quy hoạch đã lâu, nhưng chưa có kế hoạch và nguồn vốn đầu tư. Từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Sông Soài Rạp, nơi có cụm cảng số 5 của quốc gia và cảng quốc tế Long An đã đi vào hoạt động, tàu thuyền đi lại hiện nay rất đông nhưng bị bồi lắng nên luồng rất nông, hạn chế tàu vận tải công suất lớn hoạt động. 

Ngọc Bùi T/H

Bạn đang đọc bài viết Long An: Đề xuất đầu tư trục giao thông mới song song quốc lộ 1. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới