Thứ bảy, 27/04/2024 11:22 (GMT+7)

Chậm trễ di dời, bản thân nhà máy đánh mất cơ hội phát triển

Cẩm Anh -  Thứ tư, 29/07/2020 13:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chuyên gia nhận định rằng, loay hoay trong nội thành không chịu di dời, các nhà máy sẽ không có không gian để có thể chuyển đổi phương thức sản xuất, dây chuyền công nghệ sản xuất.

Nút thắt trong việc di dời, bài toán luẩn quẩn không lời giải?

Tính đến cuối năm 2019, Hà Nội mới chỉ di dời được 4 nhà máy trong tổng số 117 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi nội thành. Trước đó, từ năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã vạch ra kế hoạch, đến năm 2020, sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất ra khỏi địa bàn 12 quận nội thành.

Trong đó, quận Đống Đa 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở và quận Long Biên 17 cơ sở. 

Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nằm trong diện di dời nhưng vẫn chây ì, bám trụ lại nội thành. Ảnh minh họa.  

Trên thực tế, nhiều đơn vị dù đã có cơ sở mới nhưng vẫn không chịu bàn giao cơ sở cũ. Yêu cầu di dời các nhà máy công nghiệp, các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội trở nên cấp thiết trong bối cảnh mật độ dân số và chất lượng không khí ở các đô thị lớn ngày càng đáng báo động.

Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai thực hiện còn chậm và gặp khó khăn do nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí và chưa có phương án xã hội hóa, chưa xây dựng cơ chế chính sách về tài chính phù hợp để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả.

Lý giải nguyên nhân, KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, hiện nay, các nhà máy trong nội thành Hà Nội đều nằm trên những mảnh đất lớn, có giá trị cao, "miếng bánh lợi ích" từ những miếng đất để lại vẫn còn tồn tại, vì vậy nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu mở rộng sản xuất vẫn chưa dời đi. 

Hiện trường vụ cháy phía bên trong nhà máy Rạng Đông xảy ra vào cuối tháng 8/2019.

 Bên cạnh đó, trao đổi tại cuộc tọa đàm “Hiện trạng di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và cơ hội mở rộng không gian công cộng” vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Thanh Ý - Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề “không thể gỡ nút thắt tại điểm di dời nhưng lại thắt một nút mới ở điểm chuyển đến”.

Theo đó, vị này cho rằng, các vùng ven đô, vùng nông thôn cũng đang chịu những sức ép lớn từ tốc độ đô thị hóa, từ các nhà máy, các khu công nghiệp. Như vậy, vấn đề di dời các nhà máy khỏi các khu vực dân cư trong nội đô để đưa về những vùng nông thôn sẽ lại tạo “nút thắt” tại đây.

Lúc đó, sẽ chỉ có cái lợi ở nơi đi mà bỏ quên vấn đề ở nơi đến. Đây là vấn đề nếu không tháo gỡ thì các nhà máy đẩy về nông thôn, nông thôn lại tắc vậy lại đẩy về vùng nông thôn hẻo lánh hơn? Bài toán như vậy sẽ luẩn quẩn không lời giải”, ông Ý đặt vấn đề. 

Giải pháp nào đảm bảo hài hòa lợi ích cho đôi bên?

Ủng hộ chủ trương di dời, KTS. Trần Huy Ánh cho biết, đa phần các nhà máy trong thành phố xây dựng từ rất lâu, việc xử lý điều kiện khắt khe về tiếng ồn, ô nhiễm, khói bụi, nước thải sẽ tốn kém hơn rất nhiều việc ở trong các khu công nghiệp tập trung, nơi được chia sẻ cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường.

Ngoài ra, nếu các nhà máy đến một không gian có điều kiện tốt hơn sẽ dễ dàng thu hút nguồn lao động, đảm bảo cho người lao động điều kiện sinh hoạt tốt hơn thì người lao động cũng gắn bó với nhà máy hơn.

KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội. 

Để giải quyết vấn đề này, KTS. Trần Huy Ánh đề nghị cần phân định rõ nhiệm vụ nhà máy là sản xuất, đất là công sản. Nếu dịch chuyển nhà máy, nhà nước sẽ đền bù chi phí xây lắp phần thô theo đúng không gian trước kia của nhà máy. Còn giá trị chênh lệch về đất thì nhà máy không được hưởng, như vậy mới có thể hài hòa lợi ích của cả đôi bên.

Chúng ta đang nhầm lẫn giữa giá trị đất và giá trị phát triển sản xuất. Nhà máy lẽ ra phải định vị bằng giá trị sản xuất chứ không phải định giá bằng đất. Việc này khiến chính quyền lúng túng trong việc giải quyết di dời các nhà máy”, KTS nói.

KTS lập luận rằng, nếu một nhà máy thực sự muốn phát triển về sản xuất thì việc di dời đến khu công nghiệp tập trung sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Bởi, trong giai đoạn kinh tế chuyển biến nhanh như hiện nay, các nhà máy cần có không gian để có thể chuyển đổi phương thức sản xuất, dây chuyền công nghệ sản xuất thay vì loay hoay trong nội thành.

Theo PGS. TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, để thúc đẩy việc di dời các nhà máy phải khỏi nội đô, không thể bỏ qua các chính sách ưu đãi đi kèm, về đất, thuế, công nghệ… để cân bằng lợi ích của các bên, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Trước đó, Bộ Xây dựng cho rằng, để giải quyết các tồn tại trên cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành và UBND các địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng trong công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch.

Vào đầu năm 2020, Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở công nghiệp, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời…và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở.

Bạn đang đọc bài viết Chậm trễ di dời, bản thân nhà máy đánh mất cơ hội phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề