Thứ tư, 08/05/2024 20:32 (GMT+7)

Kỷ niệm 10 năm Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Minh Thanh -  Thứ bảy, 27/04/2024 10:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tối 26-4, tại chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn), UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Dự kỷ niệm, về phía đại biểu Trung ương có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng dự có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Trần Quốc Vượng, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ban, Ủy ban, Văn phòng, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Tạp chí Cộng sản; Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 3; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Quân đoàn 12. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể cùng tướng lĩnh các lực lượng vũ trang là con em quê hương Ninh Bình; đại biểu các cơ quan, đơn vị Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh.

Về phía đại biểu quốc tế có: Bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền các nước: Cộng hòa Azerbaijan, Cộng hòa Kazakhstan, Đại diện lâm thời Cộng hòa Peru; đại diện Đại sứ quán các nước: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Srilanca; Đoàn công tác Ủy ban Di sản thế giới; đại biểu các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Hà Tĩnh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Yên, Thanh Hóa, Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu…

Về phía tỉnh Ninh Bình, dự kỷ niệm có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Cùng dự có các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Đảng ủy trực thuộc, các huyện, thành phố...

tm-img-alt
Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Báo Ninh Bình

Trình bày diễn văn khai mạc, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Từ năm 2001, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã thực hiện mô hình kinh tế chuyển dịch từ 'nâu' sang 'xanh', trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ dựa trên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử, tự nhiên - sinh thái.

Đến ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, với những giá trị nổi trội toàn cầu về: Quá trình tiến hóa địa chất, địa mạo đại diện cho sự hình thành và kiến tạo vỏ trái đất; thẩm mỹ của cảnh quan tự nhiên tồn tại qua hàng triệu năm; quá trình định cư, thích ứng liên tục của con người hơn 3 vạn năm lịch sử. Từ đây, Tràng An trở thành di sản 'kép' đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Ngay sau đó, Ninh Bình đã tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể, ban hành nhiều chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trên cơ sở các quy định của Công ước 1972 và pháp luật của Việt Nam; thực hiện mô hình phát triển gắn kết hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, bền vững; trong đó, chú trọng phát triển vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người dân, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Sau 10 năm được ghi danh, Tràng An được nhiều tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là mô hình mẫu mực, điển hình về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp; phát huy hiệu quả hợp tác công - tư.

Di sản Tràng An như 'viên ngọc quý', trở thành trái tim, duy trì nhịp đập, khơi lại mạch nguồn quá khứ, được chắt lọc, bảo tồn những giá trị quý báu của thiên nhiên văn hóa và nhân văn. Những giá trị của di sản này được phát huy mạnh mẽ, trở thành nguồn tài nguyên vô giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là nguồn lực nội sinh và động lực quan trọng để Ninh Bình vươn lên phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập và phát triển quốc tế; đưa Ninh Bình hội nhập vào mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; đồng thời, đóng vai trò hạt nhân, trung tâm, định hình phát triển hệ thống đô thị của tỉnh theo hướng đô thị di sản; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình theo đúng định hướng, đó là: Phát triển 'nhanh, bền vững và hài hòa', tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, chất lượng cao, gắn với các giá trị văn hóa - lịch sử - tự nhiên, nhất là truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An.

Ngoài ra, di sản còn truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ để hiểu, để biết, để trân trọng và tự hào về vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, về vị trí, vai trò và và tầm quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An trong việc hiện thực hóa định hướng chiến lược của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, một trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế.

Bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 khẳng định: Tràng An đã trở thành hình mẫu của sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch di sản. Người dân ở đây, họ không chỉ được hưởng lợi từ Tràng An mà họ còn là nhân vật chính trong câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Để tiếp tục phát huy các thành tựu và tiếp nối những dòng chảy của di sản Tràng An, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề ra 3 nhiệm vụ cho tỉnh Ninh Bình. Đầu tiên, là tỉnh cần làm tốt công tác dự báo, xác định vị trí vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chủ động sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư, tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để tiếp tục xây dựng, quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tràng An.

Hai là tiếp tục phát huy vai trò tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân trong di sản, giúp người dân vừa tham gia bảo tồn di sản, vừa được hưởng lợi từ di sản, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng xanh, sáng tạo theo hướng đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, gia tăng giá trị kinh tế từ di sản, phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo với tính cạnh tranh cao, lấy bảo tồn di sản là nền tảng, là kim chỉ nan cho sự phát triển.

Ba là chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản toàn cầu, nhất là đối với UNESCO; quảng bá mạnh mẽ giá trị văn hóa, thiên nhiên, con người của Ninh Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế và bà con kiều bào ta ở nước ngoài.

Bạn đang đọc bài viết Kỷ niệm 10 năm Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lợi ích sức khỏe khi ăn dứa
Quả dứa là loại trái cây thơm ngon mà hầu như ai cũng đã từng đôi lần nếm thử. Dứa không chỉ ngon mà còn giàu dinh dưỡng đối với cơ thể. Vậy những giá trị ấy là gì, sử dụng dứa trong thực đơn ra sao?.