Thứ bảy, 27/04/2024 03:15 (GMT+7)

Họp báo thường kỳ Bộ Nông nghiệp: Nhiều vấn đề quan trọng được nêu

Yến Oanh -  Thứ sáu, 02/03/2018 15:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 2/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thường kỳ để báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành, rà soát các giải pháp và quyết định thay đổi nhiều chỉ tiêu.

Phấn đấu toàn ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng GDP tối thiểu là 3,05%

Trong buổi họp, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Trên tinh thần kết quả đạt được qua 2 tháng đầu năm, trước những thuận lợi trong quan hệ quốc tế, thời tiết, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã rà soát các giải pháp và quyết định thay đổi nhiều chỉ tiêu phát triển quan trọng của ngành.

Theo đó, năm 2018, toàn ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP tối thiểu là 3,05% thay vì 3% như trước đó; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt cũng đặt ra từ 3,3 - 3,5 %. Bộ NN&PTNT cũng quyết định nâng kim ngạch xuất khẩu (XK) từ 38 tỷ USD lên khoảng 41 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 22 tỷ USD, thủy sản khoảng 10 tỷ USD, lâm nghiệp khoảng 9 tỷ USD. Về xây dựng nông thôn mới, năm nay dự kiến sẽ có 39% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới chứ không còn 37% như đặt ra từ đầu năm. Cùng với đó, tỷ lệ che phủ rừng cũng không còn là 41,6% mà sẽ phấn đấu đạt 41,65 %.

“Đây không phải là các chỉ tiêu phiêu lưu, mà dựa vào kết quả rất tích cực từ những tháng đầu năm khi các mặt hàng chủ lực đều XK rất tốt. Có những mặt hàng tăng trên tới 30%. Trên cơ sở đó rà soát lại các giải pháp để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng trong năm nay cho phù hợp” - Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Toàn cảnh diễn ra buổi họp báo

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thông tin thêm rằng trước hết ngành nông nghiệp cần phải thoát khỏi tình trạng thẻ vàng mà Ủy ban Châu âu – EC đang áp dụng. Đồng thời, ngoài các thị trường lớn, truyền thống, chúng ta cũng cần khai thác triệt để, hiệu quả những thị trường mới nổi đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam đang có lợi thế. 

Chất lượng thịt bò nhập khẩu có đạt chuẩn?

Về chất lượng thịt bò nhập khẩu từ nước ngoài, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y đã lý giải rõ về vấn đề liệu thịt bò nhập khẩu từ nước ngoài có phải là hàng cận date, quá date hoặc chất lượng kém hay không? Có đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng?.

Ông Thành cho rằng để quản lý thịt và thực phẩm nhập khẩu, hiện nay chúng ta đang áp dụng các nội dung của Luật Thú y và hai thông tư gồm Thông tư số 25 năm 2016 và Thông tư 25 năm 2010.

Được biết, Thông tư số 25 năm 2010 nêu rõ các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc nước ngoài muốn xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam phải có hồ sơ gửi các cơ quan chức năng Việt Nam và được thẩm định, chấp thuận. Sản phẩm xuất vào Việt Nam phải đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm mới được cấp phép.

Đồng thời, các lô hàng thịt bò khi về tới cửa khẩu đều được kiểm tra 100%. Doanh nghiệp phải có nhãn mác ghi đầy đủ khối lượng, nguồn gốc, chủng loại, ngày và hạn sử dụng... khi đưa ra bán trên thị trường. Theo quy định khi kiểm tra mẫu hàng nếu phát hiện có vi phạm về an toàn và dịch bệnh sẽ bị phạt tiền, yêu cầu tái xuất hoặc tiêu huỷ.

Ông Thành khẳng định “qua thông tin tại các cửa khẩu thì chưa có lô thịt bò nào cận "date" hoặc bị hết "date". Nếu có sẽ tái xuất hoặc tiêu hủy ngay…”

Về việc giá thịt bò Mỹ và Úc quá rẻ so với thịt bò Việt Nam, ông Thành cho biết vì có những loại thịt thị trường Việt Nam ưa chuộng nhưng thị trường nước ngoài không chuộng, thịt bò là loại thịt đỏ không được tiêu thụ nhiều ở nước ngoài. Cũng như thịt gà, các nước chỉ ăn phần lườn thịt trắng mà không ăn cổ cánh đùi nên xuất khẩu với giá.

Ngoài ra còn một số nội dung trả lời khác của bộ về vấn đề như sản xuất mía đường, xuất khẩu lúa gạo,…được giải đáp tại buổi họp.

Kết thục buổi họp báo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đưa ra các mục tiêu hàng đầu trong năm 2018 toàn ngành sẽ phấn đấu đạt được nhằm đưa ngành Nông nghiệp nước nhà ngày càng mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Họp báo thường kỳ Bộ Nông nghiệp: Nhiều vấn đề quan trọng được nêu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới