Thứ bảy, 27/04/2024 00:22 (GMT+7)

Phát huy truyền thống văn hiến, xây dựng thủ đô giàu đẹp, văn minh

MTĐT -  Thứ tư, 09/10/2019 14:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơn sáu thập kỉ sau ngày giải phóng, Thủ đô Anh hùng vẫn đậm nguyên dấu ấn ngày nào.

Hà Nội không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh Đại Việt mà còn là nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh.

Mùa thu lịch sử năm 1954, trên đường về lại Hà Nội vừa giải phóng, ngày 19/9/1954 sau khi thăm, thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng trên núi Hy Cương (núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Vương, Phong Châu, Phú Thọ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308) trên đường về tiếp quản Thủ đô. Người nói: "Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được T.Ư và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn". Rồi Bác ân cần căn dặn: "Khi vào tiếp quản Thủ đô, các chú phải hết sức đề phòng những âm mưu mà kẻ thù của hòa bình sẽ dùng để phá hoại hàng ngũ chúng ta. Các chú phải luôn luôn giữ gìn phẩm chất cách mạng, cán bộ sống gương mẫu, giản dị, bộ đội phải kỷ luật nghiêm minh. Nếu ai cũng giữ vững lập trường cách mạng và làm đúng chính sách thì không sợ một kẻ thù nào cả. Quân đội ta không được vì hòa bình mà rời tay súng"(1).

Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 do thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội 60 ngày khói lửa - tiến vào giải phóng Thủ đô. 20 vạn quan và dân Hà Nội hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng”. 15 giờ chiều cùng ngày, quân và dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ, Hà Nội.

Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với niềm tin vững chắc rằng: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”(2).

Ngày 10/10/1954 đã trở thành một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của thực dân, nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa. Dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ, đau thương, mất mát, quân dân Thủ đô vẫn luôn vững tin sắt son vào Đảng, kiên định chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do”, tích cực sản xuất, đấu tranh, làm chỗ dựa vững chắc cho miền Nam đánh thắng quân Mỹ xâm lược.

Năm 1975, với đại thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam - Bắc thu về một mối, Hà Nội tiếp tục đón những người con ưu tú nhất của mình trở về, tiếp tục xây dựng đất nước. Từ đây, hào khí Thăng Long ngàn năm văn hiến được kế thừa phát huy lên tầm cao mới bằng những quyết sách chiến lược đưa nước ta từng bước vươn lên khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, trở thành Thành phố vì hòa bình, không chỉ thu hút sự trở về của kiều bào ở nước ngoài về xây dựng đất nước mà còn là địa chỉ “vàng” của các nhà đầu tư quốc tế đến với “Trái tim Việt Nam”.

Kể từ những ngày mùa thu tháng Mười lịch sử ấy, Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển nhảy vọt, hiện đại hóa về mọi mặt. Đâu đó trên những con đường, những tuyến phố mà đoàn quân giải phóng đã đi qua, dường như vẫn còn âm vang lời bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sỹ Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về”.

Hà Nội hôm nay không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, mà còn là điểm đến hấp dẫn của những tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hà Nội đứng vị trí số 1 về thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,87 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư.

Lịch sử vẻ vang của Thủ đô là hành trang viết tiếp trang sử mới. Hướng đi đúng, cách làm hay, hiệu quả cao đã giúp kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước.

65 năm, với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân Hà Nội đã góp phần tạo nên dấu ấn của Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hòa bình. Thủ đô của chúng ta nhất định sẽ ngày càng to đẹp, khang trang, đàng hoàng hơn nữa như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và niềm tin yêu của cả nước.

 Tài liệu tham khảo:

(1,2)-Trích "Trưởng thành trong chiến đấu", hồi ký của Trung tướng Vương Thừa Vũ, NXB Hà Nội, 2006, tr.348 và 349).

NGUYỄN VĂN THANH

Bạn đang đọc bài viết Phát huy truyền thống văn hiến, xây dựng thủ đô giàu đẹp, văn minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới