Thứ bảy, 27/04/2024 05:56 (GMT+7)

Đồng Nai: BOT Cường Thuận Trảng Bom “chịu” mở dải phân cách?

Hùng Sơn - Nguyên Lộc -  Thứ năm, 24/02/2022 10:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 23/2/2022, tám cơ quan đơn vị chức năng đã ký vào biên bản thống nhất mở dải phân cách phía Đông rộng 33m sau khi khảo sát trực tiếp tại hiện trường.

Như vậy, sau gần 8 năm kể từ khi trạm thu phí BOT Cường Thuận Trảng Bom hoạt động trong sự khiếu kiện liên tục, cơ quan quản lý đã tiếp thu ý kiến người dân, kiến nghị Tổng cục Đường bộ mở dải phân cách.

tm-img-alt
Trạm BOT Trảng Bom vào ban đêm

Chậm do đâu?

Theo biên bản kiểm tra hiện trường ngày 23/2/2022, 8 cơ  quan gồm: Cục Quản lý đường bộ IV, Chi cục Quản lý đường bộ IV.2, Sở GTVT Đồng Nai, Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND huyện Trảng Bom, UBND xã Trung Hòa, Công an huyện Trảng Bom và Công ty CP đầu tư Đồng Thuận đã thống nhất kiến nghị “Thu hẹp mở tạm dải phân cách giữa từ Km1841+284 đến Km1841+500 chỉ còn 100m. Mở mới dải phân cách giữa trước trạm thu phí từ Km1841+725 đến Km1841+758 rộng 33m. Bổ sung biển báo, vạch sơn…theo QCVN 41/2019”.

tm-img-alt
tm-img-alt
Biên bản kiểm tra hiện trường của 8 cơ quan chức năng ngày 23/2/2022

Vào ba năm trước, ngày 31/10/2019, cũng các cơ quan chức năng này khảo sát và thống nhất mở dải phân cách, chỉ duy Công ty CP đầu tư Đồng Thuận không đồng ý nên cuối cùng trở thành “họp cũng …như không”. Lần này, kiến nghị vẫn còn một bước nữa là sự chấp thuận của Tổng cục Đường bộ VN.

Trước cuộc họp ngày 23/2, trao đổi với TC Môi trường và Đô thị VN, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty CP đầu tư Đồng Thuận nói rằng, đã có văn bản gởi cấp trên từ lâu, sau khi nhận được khiếu kiện của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là người thừa hành, chờ ý kiến của cấp trên mới thực hiện được.

tm-img-alt

Bản vẽ minh họa mở dải phân cách 33m phía Đông

Chiều 23/2, người dân khu vực trạm thu phí tỏ ra hồ hởi vì nghe tin sẽ mở dải phân cách. “Chúng tôi cảm thấy vui mừng vì cuối cùng kiến nghị bao năm nay đã được xem xét giải quyết. Lần này, chúng tôi có sự đồng hành của các cơ quan báo chí, đặc biệt là Tạp chí Môi trường và Đô thị VN, báo Công an TPHCM, báo Người lao động…Đặc biệt, qua vụ việc một phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp đã khiến người dân chúng tôi lo ngại về sự an toàn khi qua lại trạm thu phí…” đại diện người dân bày tỏ.

Giải quyết tận gốc, bao giờ?

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam phân tích trong bài viết trước, với doanh thu dồi dào từ trạm BOT Cường Thuận Trảng Bom, nhà đầu tư đã nhanh chóng thu hồi vốn sau 7 năm thu phí. Sở dĩ BOT Trảng Bom như “con gà đẻ trứng vàng” chính là nhờ sư “cộng hưởng” có vẻ rất hợp lý khi đặt trạm thu phí ngay tại Quốc lộ 1 (QL1) thay vì tại đường tránh Biên Hòa. Rất nhiều phương tiện qua lại QL1 phải trả tiền thu phí cao (dù  đã từng giảm) một cách bắt buộc cho đoạn đường cải tạo chỉ 10,7km! Họ phải gánh luôn phí cho  đoạn tránh dài 12,2km dù không đi! “Nhiều xe ô tô tìm cách luồn lách trong các con hẻm để né trạm nhưng nhà điều hành trạm đã dùng barie chặn lại, thậm chí cắt cử người… đi bắt!” một người dân kể lại.

tm-img-alt

Nhà mặt tiền QL1 phải đóng cửa suốt vì dải phân cách BOT Trảng Bom

Để xây dựng đoạn đường tránh từ QL1 qua QL51 dài 12,2km và cải tạo 10,7km mặt đường QL1, dự án phải tiêu tốn 1.506,3 tỉ đồng, năm 2009, Bộ Tài chính với lý do “khuyến khích nhà đầu tư!” đã có văn bản đồng ý cho Bộ GTVT đặt trạm thu phí tại QL1. Chính vì vậy, Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận ra đời với sự góp vốn của 3 “ông lớn”, trong đó Công ty CP đầu tư và phát triển Cường Thuận IDICO trở thành “mẹ” với tỉ lệ góp vốn hơn 83%.

Ngay từ thời điểm triển khai đầu tư xây dựng 2 đoạn đường, nhiều nghi vấn về sự bất hợp lý được đặt ra. Đầu tiên là với sự trợ giúp vân động của chính quyền địa phương, người dân đã “hiến đất làm đường” buộc phải chấp nhận giá đền bù rẻ mạt (90.000 đồng/m3 đất mặt tiền QL1) cộng với lời hứa đền bù bằng nền tái định cư khi bị thu hồi đất. Vấn đề  đặt ra là với dự toán “khủng” của dự án (1.506,3 tỉ đồng) thì cải tạo xây dựng chỉ hơn 20km đường liệu có hợp lý? Nếu tính bình quân thì 1km đường xây dựng hết 7 tỉ đồng, chưa kể ½ chỉ là cải tạo mặt đường?! Trong khi đó, người dân đã phải cắn răng “hy sinh” cho dự án.

Chuyện tiếp theo là vị trí đặt trạm thu phí. Như đã nói, nhờ động thái “bật đèn xanh” từ phía Bộ Tài chính, Bộ GTVT nên chủ đầu tư “hiên ngang” đặt trạm thu phí tại đoạn đường cải tạo (QL1) thay vì tại đường tránh như qui định. Do “bao” luôn tuyến QL1 nên việc thu phí trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho chủ đầu tư nhưng đồng thời cũng gây bất bình lớn cho chủ các phương tiện tham gia giao thông. Nghi vấn đặt ra là với mức thu khủng (ước tính hàng tỉ đồng/ngày) thì thời gian hoàn vốn đã kết thúc sau 7 năm thu phí thì tại sao không rút ngắn thời hạn thu phí lại mà buộc các phương tiện giao thông phải tiếp tục nộp phí đến hơn 5 năm nữa! (đến năm 2027 mới kết thúc theo kế hoạch). Giả sử trạm thu phí đến cuối kỳ thì số tiền “lãi” lên đến 18.000 tỉ đồng (tạm tính bình quân thu 1 tỉ đồng/ngày x 60 tháng), gấp 12 lần vốn đầu tư!

“Có hai giải pháp cho việc này. Trường hợp thứ nhất là dời trạm thu phí lại đúng nơi qui định là đường tránh Biên Hòa. Các  phương tiện giao thông nếu có nhu cầu đi qua đoạn đường này thì phải nộp phí. Còn trường hợp thứ hai là dẹp bỏ trạm thu phí trước thời hạn vì trạm BOT này đã gây bất bình quá lớn trong nhân dân, chưa kể đang tiềm tàng sự hiểm nguy cho an toàn của người qua lại (từng xảy ra xô xát, thậm chí phóng viên tác nghiệp cũng bị côn đồ hành hung!)” một người dân am hiểu tại địa phương nhận xét.

Thiết nghĩ, cần có một cuộc thanh tra toàn diện dự án BOT Cường Thuận Trảng Bom, từ lúc khởi đầu đến các khuất tất trong thu chi khi hoạt động và làm rõ các thế lực giang hồ đang ẩn nấp đằng sau trạm thu phí, chực chờ gây hấn với người đi đường….

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: BOT Cường Thuận Trảng Bom “chịu” mở dải phân cách?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới