Thứ bảy, 27/04/2024 06:53 (GMT+7)

Đồng Nai gặp khó trong việc giải toả mặt bằng cho dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây

Chu Trung -  Thứ hai, 18/10/2021 14:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được triển khai xây dựng trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, có tổng chiều dài 99km. Theo dự kiến, dự án sẽ được khánh thành cuối năm 2022.

Theo đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 51km. Để phục vụ xây dựng dự án, Đồng Nai phải thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với diện tích gần 432ha thuộc quyền sử dụng của hơn 1,2 ngàn hộ gia đình, cá nhân và 8 tổ chức trên địa bàn 4 địa phương gồm: Long Khánh, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và Xuân Lộc.

tm-img-alt

Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giấy dự kiến được khánh thành cuối năm 2022

Theo Sở TN-MT, đến đầu tháng 10/2021, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Trong số này, đã có 1.223 hộ gia đình, cá nhân trên tổng số 1.239 hộ gia đình, cá nhân trong vùng dự án và 8 tổ chức đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng. Như vậy, hiện toàn dự án chỉ còn 16 hộ gia đình, cá nhân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 5ha.

Trên thực tế, diện tích chưa thực hiện bàn giao mặt bằng hiện còn rất nhỏ so với tổng diện tích của toàn bộ dự án đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng với diện tích còn lại này lại gặp rất nhiều khó khăn. Điều này cũng khiến cho việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với toàn bộ dự án theo như mốc thời gian chậm nhất vào ngày 31/10 tới mà Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đặt ra là rất khó khăn.

Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết, để phục vụ xây dựng đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây đoạn qua địa bàn, địa phương phải thu hồi diện tích đất hơn 29ha của 65 hộ dân. Đến thời điểm này, đã có 61 hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Hiện chỉ còn 4 hộ dân trên địa bàn huyện chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với diện tích đất hơn 2,7 ha. “Các hộ dân này vẫn khiếu nại vì chưa đồng ý với việc xác định vị trí đất, mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và việc áp dụng bảng giá đất. Các cơ quan chức năng của huyện đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhưng vẫn chưa được người dân đồng thuận”- ông Mai Văn Hiền cho biết.

Tương tự, tại 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ hiện cũng chỉ còn 12 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng; Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn xoay quanh việc thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ.

Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Lê Khắc Sơn cho biết, trên địa bàn huyện hiện còn 5 trường hợp chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng đối với dự án. Trong đó, có trường hợp chưa đồng ý với mức bồi thường tài sản trên đất. “Hộ dân này có xây dựng một bể bơi và kê khai kinh phí hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi áp giá bồi thường thì thấp hơn nhiều so với mức trên nên người dân chưa đồng ý. Hiện nay, địa phương cũng đã mời đơn vị thẩm định giá độc lập thẩm định giá và đang trình Sở Tài chính xem xét để đề xuất UBND tỉnh phê duyệt giá bồi thường”, ông Lê Khắc Sơn cho hay.

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai gặp khó trong việc giải toả mặt bằng cho dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới