Thứ sáu, 26/04/2024 21:04 (GMT+7)

Đồng Nai: Xử nghiêm các tổ chức, cơ sở gây ô nhiễm sông Buông

Thiên Lộc-Thiên Anh -  Thứ sáu, 25/02/2022 14:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau bài “Đồng Nai: Thủ phạm gây ô nhiễm nước sông Buông tái hoạt động” đăng trên TC Môi trường và Đô thị VN, phản ánh việc khai thác cát và rửa cát vô tội vạ trên sông Buông, cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động doanh nghiệp sai phạm.

Xử phạt doanh nghiệp

Sông Buông là dòng sông nội tỉnh Đồng Nai, cũng là dòng sông dài nhất TP Biên Hoà, đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của người dân địa phương. Nơi đây vừa cung cấp nước, vừa tiêu thoát nước và chống ngập. Thế nhưng, dòng sông này đang không tránh khỏi bị nạn ô nhiễm xâm hại nặng nề, gần như “tắt thở” bởi nạn khai thác và rửa cát trái phép diễn ra công khai cả ngày lẫn đêm. Ô nhiễm sông Buông và môi trường xung quanh đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây.

tm-img-alt

Tang vật, phương tiện liên quan đến việc rửa cát

Trước thực trạng đáng báo động này, cuối năm 2021, TC Môi trường và Đô thị đã có bài phản ánh. Và ngày 29/1, UBND Phường Phước Tân đã làm việc trực tiếp với ông Lâm Văn Trí ở thửa đất số 9, tờ bản đồ 94, khu phố Miễu phường Phước Tân. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này đang tiến hành rửa cát với khối lượng gần 650 khối (đã rửa và chưa rửa) được tập kết tại bờ sông.

Làm việc với cơ quan chức năng, doanh nghiệp trên không cung cấp được chứng từ nguồn gốc đất, cát. Do đó, UBND phường Phước Tân đã lập biên bản đình chỉ hoạt động và tiến hành tháo dỡ, tạm giữ máy móc bao gồm: Máy bơm cát, sàn rửa cát…cùng các giấy tờ liên quan

Đây được xem như động thái tích cực của cơ quan chức năng địa phương trong việc chấn chỉnh các doanh nghiệp rửa cát gây ô nhiễm sông Buông. Các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã khẳng định sẽ tiếp tục xử lý quyết liệt, không để tình trạng rửa cát, đá gây ô nhiễm dòng sông.

Nạn rửa cát trên sông Buông

Trước đó, doanh nghiệp trên đã nhiều lần vi phạm và bị xử lý. Tuy nhiên, “ngựa quen đường cũ”, việc rửa cát trên sông Buông vẫn liên tục tái diễn, khiến người dân bức xúc đến cực điểm. Một số ý kiến còn cho rằng, liệu tạm giữ phương tiện hoạt động rửa cát nói trên có thực sự chạm đến “cốt” của doanh nghiệp hay chưa? Hay chỉ như “đá ném ao bèo” nên các doanh nghiệp vẫn ngang nhiên, bất chấp hoạt động rầm rập cả ngày lẫn đêm, cố tình thách thức pháp luật.

tm-img-alt
Biên bản làm việc và xử phạt của UBND phường Phước Tân

Tại dòng Sông Buông, phóng viên dễ dàng ghi lại hình ảnh sông đang bị bào mòn, băm nát mỗi ngày. Hàng trăm bãi cát khổng lồ nằm ngổn ngang ven lòng sông, chờ đến lượt được gội rửa. Vốn dĩ là dòng sông nội thành thơ mộng, nay đang dần mất đi sự sống khi phải oằn mình hứng chịu biết bao nguồn xả thải ô nhiễm từ các cá nhân, tổ chức, cơ sở rửa cát trái phép. Đặc biệt là “mối họa” to lớn cho sức khỏe của người dân sinh sống gần dòng sông này.

“Trước đây, dòng sông này đẹp lắm, mặt nước lúc nào cũng trong xanh. Người dân sống xung quanh Sông Buông thường xuyên lui tới sử dụng nước ở sông để sinh hoạt. Nhưng, bây giờ bên cạnh ven sông có quá nhiều bãi vật liệu xây dựng được hình thành, chủ yếu là đất và đá. Các bãi vật liệu xây dựng này rửa cát trên sông liên tục nên nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dòng nước lúc nào cũng trong tình trạng đục ngầu và đặc quánh”. Anh Đ.V.T, người dân sinh sống ven dòng sông Buông, chia sẻ.

tm-img-alt
Dòng sông Buông nhìn từ trên cao màu nước đen sậm, đặc quánh

Theo người dân sinh sống tại đây, nhiều doanh nghiệp bơm hút nước sông lên để rửa cát, sau đó lại xả nước trực tiếp xuống sông. Đã nhiều lần cơ quan chức năng vào cuộc xử lý và thu giữ phương tiện nhưng không khắc phục triệt để sự việc.

Hệ lụy mà nạn rửa cát dai dẳng để lại, chỉ còn một dòng sông “đen” lem nhem, nhếch nhác. Sông Buông sau bao lần “nghẹt thở” tìm nguồn sống, thì dư luận tại đây đang trông chờ sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của UBND tỉnh Đồng Nai. Hi vọng dòng sông sẽ có một diện mạo mới, đẹp hơn, bình yên hơn góp phần phát triển đô thị hóa hiện đại hóa.

UBND thành phố Biên Hòa xác định dòng sông Buông có ý nghĩa rất quan trọng nên đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để “giải cứu” dòng sông này.

Cụ thể, giữa năm 2021, nhằm kiểm tra thực tế việc chấp hành thực hiện quyết định của UBND thành phố Biên Hòa về việc xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng hoạt động do hành vi rửa cát, đá gây ô nhiễm nước sông Buông. Đã có 7 doanh nghiệp và cơ sở cá nhân kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng không đảm bảo về môi trường nên đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp sau khi bị phát hiện, xử lý vi phạm, thì vẫn còn một số cơ sở chây lì, thậm chí cố tình hoạt động như đang thách thức pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hoà Huỳnh Tấn Lộc cho biết, phải xử phạt ở mức cao và tạm đình chỉ hoạt động để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường, quyết không để tình trạng trên tái diễn.

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Xử nghiêm các tổ chức, cơ sở gây ô nhiễm sông Buông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới