Thứ ba, 19/03/2024 12:32 (GMT+7)

Hà Nội: Những điểm nóng ùn tắc ra sao sau tổ chức lại?

MTĐT -  Thứ sáu, 12/08/2022 16:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại các nút giao thường xuyên ùn tắc, tình hình đã được cải thiện khi Hà Nội tổ chức lại giao thông nhưng để đạt hiệu quả, cần điều chỉnh thêm.

Điểm nóng giảm nhiệt, tăng xung đột ở khu vực lân cận

Từ trung tuần tháng 6 đến nay, nhiều tuyến đường, trong đó có những nút giao là điểm nóng thường xuyên xảy ra xung đột đã được Hà Nội tổ chức lại.

Mới đây nhất, ngày 6/8, Hà Nội tổ chức lại giao thông theo hướng phân làn cứng tách ô tô với xe máy và xe đạp trên đường Nguyễn Trãi.

Có mặt tại các khu vực 4 nút giao Ngã Tư Sở, Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân - Nguyễn Thị Thập, Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh trong sáng 10/8, ghi nhận của PV, ùn tắc đã giảm nhiệt.

hà nội: những điểm nóng ùn tắc ra sao sau tổ chức lại?
Giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở đã giảm nhiệt ùn tắc sau khi tổ chức lại

Khu vực nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh trước đây là nỗi ám ảnh ùn tắc của người dân, nay thông thoáng hơn. Các phương tiện di chuyển thuận tiện thay vì phải ùn ứ để chờ tới 4 - 5 nhịp đèn mới qua nổi ngã tư như trước.

Tuy nhiên, khu vực lối lên cầu vượt Ngã Tư Sở cách đó khoảng 200m, giao thông vẫn rất lộn xộn, ùn tắc hơn sau khi cơ quan chức năng rào cứng cấm phương tiện từ đây đi thẳng sang phố Tây Sơn.

Đáng nói, vẫn còn một số phương tiện di chuyển từ đường Thượng Đình (Thanh Xuân) đi ngược chiều khoảng 20m cắt dòng phương tiện đang đi thẳng từ Ngã Tư Sở để lên cầu vượt, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Chị Nguyễn Thu Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị thường xuyên đi qua đường Trường Chinh để đến cơ quan.

“Hơn một tháng nay đi lại cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có nhiều phương tiện di chuyển sai quy định. Có thể do bị cấm đi thẳng, rẽ trái và phải rẽ phải thêm 700m để quay đầu tại điểm mở trên đường Trường Chinh nên họ thấy bất tiện. Vì thế, cơ quan chức năng xem xét mở lối rẽ gần hơn hoặc có giải pháp theo hướng thuận tiện”, chị Phương bày tỏ.

Tương tự, tại nút giao trên đường Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, sau khi tổ chức lại, giờ cao điểm các phương tiện đi từ đường Vũ Trọng Khánh rẽ trái, phải không phải đấu đầu với lượng lớn phương tiện từ đường Tố Hữu. Giao thông cũng vì thế mà bớt cảnh lộn xộn, ùn tắc.

Trên đường Nguyễn Trãi, ghi nhận của PV, sau khoảng 4 ngày thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi, tình trạng giao thông ở đây đã được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, do mới thí điểm nên vẫn xuất hiện tình trạng các phương tiện lấn làn, đặc biệt là xe máy đi lại lộn xộn trong làn ô tô vẫn còn phổ biến. Tại các nút giao, điểm quay đầu trên đường Nguyễn Trãi vẫn xảy ra tình trạng hỗn độn.

Theo hướng từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân, người điều khiển xe máy muốn quay đầu trên đường Nguyễn Trãi phải đi hết phần dải phân cách cứng khoảng 1,5km, băng qua 4 làn xe ô tô thì đến điểm giao cắt. Nhiều phương tiện muốn quay đầu tỏ ra khá lúng túng, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Đếm xe, rà soát ùn tắc trên từng tuyến phố

hà nội: những điểm nóng ùn tắc ra sao sau tổ chức lại?
Sau hơn 1 tháng thí điểm, vẫn xuất hiện tình trạng một số phương tiện xe máy cố tình vi phạm không theo tổ chức giao thông mới điều chỉnh. Ảnh: Tạ Hải

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, việc điều chỉnh tổ chức giao thông khi hạ tầng chưa đáp ứng, tỷ lệ phương tiện quá tải so với mặt đường là cần thiết.

“Tôi rất ủng hộ việc làm này, tuy nhiên, cần phải tiếp tục theo dõi để từng bước điều chỉnh lại cho phù hợp. Người dân cũng chỉ tự giác chấp hành khi họ thấy phù hợp, thuận tiện”, bà Thủy nói và dẫn ví dụ việc tổ chức lại giao thông tại nút giao Trường Chinh - Láng Hạ đang gây ùn tắc ở khu vực lối lên cầu vượt. Tới đây, Sở GTVT Hà Nội cần tìm hiểu, nghiên cứu để khắc phục bất cập này.

Với việc thí điểm phân làn cứng tách ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi, bà Thủy cho rằng, cần phải lắp dải phân cách cứng liên tục trên trục đường.

Hiện tại, việc lắp đặt không liên tục dẫn tới một bộ phận người dân ý thức chưa cao, không chấp hành, đi lại tùy tiện, lộn xộn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi điều chỉnh tổ chức lại giao thông, tình hình giao thông tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở và các tuyến đường lân cận đã được cải thiện.

Thời gian chờ đèn tín hiệu để qua nút đã giảm một nửa. Các phương tiện trên tuyến đường: Trường Chinh - Láng; Nguyễn Trãi - Tây Sơn lưu thông tốt.

Các điểm quay đầu trên đường Trường Chinh và đường Láng đáp ứng được nhu cầu di chuyển. Khu vực nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân, đường Nguyễn Thị Thập đã được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, một số điểm tổ chức lại người tham gia giao thông còn chưa tuân thủ theo quy định mới.

Tới đây, Sở GTVT Hà Nội sẽ yêu cầu Thanh tra GTVT phối hợp với CSGT xử phạt nghiêm các phương tiện vi phạm. Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục rà soát, thực hiện đếm xe để điều chỉnh tổ chức lại trên nhiều tuyến đường khác.

Được biết, từ những năm 2010, Sở GTVT Hà Nội cũng đã cho lắp hàng loạt vỉa ba toa - dải phân cách cứng trên các tuyến: Phố Huế, Bà Triệu, Hàng Bài, Xã Đàn, Giải Phóng... để phân làn phương tiện với kinh phí gần 24 tỷ đồng nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên 12 tuyến phố.

Nhưng sau một thời gian dài thực hiện phân luồng giao thông cưỡng bức trên 12 tuyến phố này, Sở GTVT Hà Nội đã lại quyết định dỡ bỏ dải phân cách cứng với lý do... ý thức người dân đã được nâng lên.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Những điểm nóng ùn tắc ra sao sau tổ chức lại?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo baogiaothong.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới