Thứ ba, 30/04/2024 11:03 (GMT+7)

Hà Nội và giấc mơ biến ven sông Hồng trở thành “Seoul thứ hai”

MTĐT -  Thứ ba, 14/07/2020 15:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong suốt những năm qua, Hà Nội vẫn theo đuổi giấc mơ thành phố 2 sông Hồng. Tuy nhiên, để biến giấc mơ này thành hiện thực vẫn còn cả một chặng đường dài.

Theo các chuyên gia, muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và các dòng sông khác, vấn đề thoát lũ vẫn là quan trọng nhất. Ảnh: Internet.

Tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT, TP.Hà Nội và Bộ NN&PTNT thống nhất cùng phối hợp đẩy nhanh quy hoạch hai bên sông Hồng, tạo điều kiện để thành phố phát triển.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, việc cần thiết của thành phố là phủ kín quy hoạch theo quy hoạch tổng thể Thủ đô hiện có, nhất là quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống, sử dụng nguồn tài nguyên bãi ven sông.

Theo ông Huệ, muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và các dòng sông khác, vấn đề thoát lũ vẫn là quan trọng nhất. Vì thế, Bộ NN&PTNT cần sớm khẩn trương phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho thành phố triển khai.

Cũng theo ông Huệ, nếu không làm được quy hoạch thì “cứ để thế này mãi”. “Từ trật tự xây dựng, mỹ quan, đất bãi không ai dám đầu tư. Bởi không có quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm. Sau đó xóa đi làm lại. Thế thì có ai dám đầu tư. Tôi đi Đan Phượng, Hoài Đức, đất ngoài bãi mênh mông mà không dùng được. Tất cả đều chờ quy hoạch hết. Có đất bãi giữa ở quận Hoàn Kiếm, muốn mượn dùng tạm một số việc cũng không được. Án binh bất động hết. Bộ phải nghiên cứu giúp cho thành phố”, ông Huệ nêu.

Được biết, trong gần 30 năm qua đã có hàng loạt các dự án quy hoạch sông Hồng nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Cụ thể, từ năm 1994, một nhà đầu tư Singapore đề xuất ý tưởng xây dựng đô thị ở ngoài đê khu vực An Dương. Tuy nhiên do vướng một số vấn đề về phân lũ, trị thủy nên đề án không thể triển khai.

Giữa năm 2006, lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020. Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bị dừng triển khai.

Năm 2016 có ba doanh nghiệp tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng theo 2 phương án. Một là xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị, giữ an toàn nội đô (chống lũ trên báo động 3), thay thế cho tuyến đê hiện tại. Hai là quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo chống lũ báo động 2; bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng hệ thống hồ, kênh thu nước, phục vụ tiêu thoát nước hỗ trợ tuyến đê phía trong (đê hiện tại) đảm bảo chống lũ trên báo động 3.

Trong suốt những năm qua, Hà Nội vẫn theo đuổi giấc mơ thành phố 2 sông Hồng. Tuy nhiên, để biến giấc mơ này thành hiện thực vẫn còn cả một chặng đường dài.

Chia sẻ với báo Dân trí về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, nếu Hà Nội quyết tâm làm thành phố hai bên bờ sông thì có rất nhiều đối tác nước ngoài sẵn sàng đồng hành.

Theo ông, trong suốt 60 năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong vấn đề quy hoạch và đã có tầm nhìn rộng về lợi ích của thành phố hai bên bờ sông Hồng.

Tuy nhiên, vì sao Hà Nội đã có quy hoạch, đã có nghiên cứu chuyên sâu về thủy lợi, thủy văn, đê điều nhưng vẫn không làm được, là bởi do chưa có quy hoạch phân vùng thoát lũ.

Cho tới nay, Chính phủ vẫn chưa phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch vùng kinh tế theo Luật Quy hoạch mới.

Theo quy định, phải có quy hoạch vùng thì các địa phương, trong đó có Hà Nội mới được xây dựng quy hoạch. Nhưng tới nay Chính phủ chưa thông qua thì làm sao Hà Nội nghiên cứu được quy hoạch riêng?

Ở thời điểm này, khi lật lại vấn đề xây dựng bản quy hoạch mới phát triển 2 thành phố bên sông đã chứng tỏ sự quyết tâm của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, có thực hiện được hay không vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

Để đưa ra một quy hoạch hoàn chỉnh về phân vùng thoát lũ sông Hồng, Hà Nội vẫn phải giải quyết 5 vấn đề chính liên quan tới hình thái tự nhiên và truyền thống lịch sử gắn với sông Hồng.

Trong 5 vấn đề này, có một số vấn đề có thể thực hiện được, nhưng cũng có vấn đề rất khó để hoàn thành.

Về hình thái tự nhiên của sông Hồng, việc đầu tiên là nghiên cứu được thượng nguồn.

Thế nhưng, đoạn sông chảy qua Việt Nam dài 600 km là hạ lưu, còn 600 km thượng nguồn còn lại thì nằm ở Trung Quốc. Tại đây, Trung Quốc còn xây dựng 17 đập thủy điện nên rất khó để đánh giá chính xác dòng chảy của dòng sông.

Thứ hai, trong 150 năm qua, người Pháp đã có nhiều nghiên cứu về sông Hồng, và đưa ra được 3 thế dòng chảy. Tức là, dòng chảy của sông Hồng sẽ luôn biến động và thay đổi theo thời gian do hiện tượng một bên bờ sông bị lở đất, bên còn lại thì bồi tụ.

Mỗi thế sông sẽ có sự ổn định khác nhau, chi phí đầu tư cũng khác nhau, nên để khẳng định thế sông nào ổn định nhất để kêu gọi vốn đầu tư cũng là điều tương đối khó.

Thứ 3 là thủy văn có sự chênh lệch lớn giữa mùa cạn và mùa lũ. Trong mùa cạn, mực nước sông Hồng ước chừng khoảng 2 - 3m so với mực nước biển.

Nhưng vào mùa lũ, mực nước có thể đạt ngưỡng 11 - 12 m. Thậm chí, vào năm 1971, mực nước đã đạt “đỉnh”, lên tới 13 m, gần bằng chiều cao của mặt đê Hà Nội (13,5 m) và chiều cao của cầu Long Biên (13,75 m).

Tuy nhiên, do quá trình biến đổi khí hậu khiến cho mực nước sông trở nên không ổn định, có năm Hà Nội bị lụt tới 22 điểm (năm 2006), nhưng cũng có năm sông Hồng cạn trơ đáy. Điều này cũng tạo ra rào cản lớn để các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra một quy hoạch phân lũ cho sông Hồng.

Vấn đề thứ 4 liên quan tới giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của sông Hồng gắn liền với các đô thị Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất chính là thành Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, khi xây dựng quy hoạch phải khai thác hết được tiềm năng của các điểm di tích này, tránh tối đa việc xâm hại di tích.

Cuối cùng, sông Hồng phải xác định vị thế ổn định vì lợi ích chung trong quy hoạch vùng. Không thể lấy các địa phương khác làm nơi thoát lũ để đảm bảo an toàn cho Hà Nội.

Trước đây, một số bản quy hoạch đã đề xuất tạo ra một số dòng chảy ổn định ở khu vực Hà Tây cũ, nhưng bị chính tỉnh này phản đối.

Bởi vì, nếu xảy ra lũ lụt, các đoạn này sẽ trở thành “rốn lũ”, nước sông có thể tràn vào nhà, ruộng đồng của người dân.

Tổng kết lại, tôi cho rằng, để có một bản quy hoạch phân lũ sông Hồng hoàn chỉnh, chỉnh quyền Hà Nội cần phải đáp ứng được nhu cầu đa chức năng, vừa đáp ứng được các truyền thống văn hóa, kinh tế nhưng vẫn cần đảm bảo mối quan hệ giữa các vùng, không nên vì lợi ích của Thủ đô mà “bỏ rơi” các địa phương khác.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội và giấc mơ biến ven sông Hồng trở thành “Seoul thứ hai”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.