Thứ bảy, 27/04/2024 15:16 (GMT+7)

Hai bố con cùng tổ cắt, sửa cây xanh

Hà Hồng -  Chủ nhật, 04/02/2024 08:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Hai bố con tôi cũng làm chung nghề. Nghề "trèo bộ" không có trường lớp mà chủ yếu lớp người đi trước truyền lại cho lớp trẻ đi sau".

Chỉ còn gần chục ngày nữa đến Tết Giáp Thìn. Trong khi nhiều người hối hả đi sắm Tết, thì có những người khẩn trương cắt, sửa cây làm đẹp cho thành phố vào dịp Tết và an toàn cho người dân khi vào mùa mưa bão, "nhường lại" nhiệm vụ sắm Tết cho vợ, con ở nhà.

tm-img-alt
Hai bố con anh Lưu Bách Bảy cùng một tổ cắt, sửa cây xanh.

Ngày 1-2-2024 (22 tháng chạp), tại ngã tư phố Ngô Thì Nhậm - Lê Văn Hưu, chúng tôi gặp một tổ công nhân Xí nghiệp Quản lý cắt, sửa cây xanh (Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội) đang cắt, sửa cây xà cừ hơn 100 tuổi, đường kính thân hơn 1m. Thật bất ngờ trong tổ công nhân đó có hai bố con cùng làm việc đó là anh Lưu Bách Bảy, Tổ trưởng tổ 4 và con trai Lưu Bách Kiên.

Anh Bảy cho phóng viên Chuyên trang Quản lý môi trường (Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) biết: Sau khi đi bộ đội về tôi làm việc ở Xí nghiệp đến nay đã được 38 năm. Anh con trai theo nghề "trèo bộ" (nghề trèo cây để cắt, sửa cành) với bố từ năm 2016. Chúng tôi thấy trong lúc con trai Lưu Bách Kiên cùng với một người nữa cắt, sửa cây từ trên cao, bố Lưu Bách Bảy cùng các công nhân khác cắt cành, thu dọn hiện trường bên dưới, bốc cành, lá lên xe tải, trả lại mặt đường cho người tham gia giao thông.

Mọi người phối hợp nhịp nhàng, làm đến đâu sạch đến đó. Lúc giải lao chúng tôi được mời uống nước chè còn nóng hôi hổi do chính anh em pha. Thật chuyên nghiệp và dã chiến. Cả tổ có hai bình nước cách nhiệt. Một bình đựng nước đun sôi, một bình đựng nước chè đặc. Khi uống thì rót nước sôi bình thứ nhất rồi chế thêm nước chè đặc đựng ở bình thứ hai. Khi uống xong, chén uống nước chè lại được cho vào một bình nhựa có quai, đã khoét lỗ (bình đựng nước khoáng La - vi loại 5 lít) để thuận tiện cho việc di chuyển.

- Tết đến nơi rồi mà hai bố con còn làm việc thế này thì ai lo Tết cho gia đình? Chúng tôi hỏi anh Lưu Bách Bảy.

Anh Lưu Bách Bảy cười và nói:

- Việc đó bố con tôi "nhường” cho vợ và con dâu vì hai bố con còn đi cắt, sửa cây đến 28 Tết mới nghỉ. Ở Xí nghiệp chúng tôi có nhiều trường hợp hai bố con cùng đi làm như vậy. Rồi anh Lưu Bách Bảy giới thiệu với phóng viên Chuyên trang Quản lý môi trường người đàn ông đứng bên cạnh đó là anh Nguyễn Gia Mỹ, Đội phó Đội cắt, sửa cây xanh.

Hai bố con cùng tổ cắt, sửa cây
Cắt cành cây xà cừ tại ngã tư phố Ngô Thì Nhậm và Lê Văn Hưu

Anh Nguyễn Gia Mỹ cho biết: Hai bố con tôi cũng làm chung nghề. Nghề "trèo bộ" không có trường lớp mà chủ yếu lớp người đi trước truyền lại cho lớp trẻ đi sau, bố truyền cho con cách cắt cây sửa cành sao cho "ngọt", ảnh hưởng tới nhà của người dân, người tham gia giao thông là thấp nhất mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạ thấp độ cao cây, tròn tán. Từ ngày Xí nghiệp được thành phố trang bị máy nâng người cắt sửa cây với tầm cao từ 15 đến 32 m, năng suất làm việc tăng gấp 10 lần và quan trọng nữa giảm lao động nặng nhọc cho người công nhân. Nhiều năm nay không có ai bị tai nạn lao động.

Anh Nguyễn Gia Mỹ cho biết thêm: Để hoàn thành việc cắt sửa cây các tuyến phố những ngày giáp Tết chúng tôi đã lên kế hoạch từ trước. Các phố có mật độ người đi lại lớn, trong trung tâm thì cắt, sửa trước phố có mật độ người đi lại thưa hơn hoặc xa thì làm những ngày giáp Tết để hạn chế tắc đường. Khó khăn lớn nhất là mặt bằng thi công. Trước khi cắt, sửa cây phố nào chúng tôi đều có kế hoạch và báo với chính quyền sở tại. Tuy vậy vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều khi mất cả buổi để đi tìm chủ xe ô - tô đỗ dưới gốc cây cần cắt, sửa.

Cắt cành cây xà cừ tại ngã tư phố Ngô Thì Nhậm và Lê Văn Hưu
Căng dây báo nguy hiểm để không cho người qua lại khi đang cắt, sửa

Người dân thành phố đa phần ủng hộ việc cắt, sửa cây nhưng nhiều hộ dân không hợp tác vì cho rằng việc làm đó ảnh hưởng tới công việc kinh doanh. Khi cắt cành, lỡ rơi xuống làm thủng mái nhà mái hiên là anh em phải góp tiền cá nhân đền cho dân. Anh Nguyễn Gia Mỹ cho biết: Có tuyến phố cứ triển khai cắt tỉa là tắc đường, anh em phải làm từ năm giờ sáng, đến giờ mọi người đi làm thì dừng lại.

Vào mùa mưa bão thật vất vả. Cả ngày, có khi hai, ba ngày mới về nhà. Quần áo chưa kịp khô đã phải mặc để ra hiện trường khắc phục cây đổ, cành gãy. Việc cắt, sửa cây không chỉ làm cho cây tròn tán, hạ độ cao mà yêu cầu cả thẩm mỹ nữa. Khi chúng tôi cắt, sửa hàng cây sấu đầu phố Tràng Tiền. Mọi người yêu cầu phải cắt thế nào để khi đứng từ xa có thể nhìn thấy Nhà hát lớn rõ nhất, đẹp nhất.

Mỗi khi hết giờ làm việc đi trên các tuyến phố có những hàng cây vừa được mình cùng anh em cắt, sửa mà thấy lòng vui vui. Đúng là chỉ có yêu nghề, yêu cây xanh thành phố chúng tôi mới gắn bó với cả đời với công việc của mình anh à - anh Nguyễn Gia Mỹ tâm sự với chúng tôi như vậy.

Bạn đang đọc bài viết Hai bố con cùng tổ cắt, sửa cây xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Công nhân môi trường bận rộn hơn trong những ngày giáp Tết
Khác với những công việc khác, công nhân môi trường đô thị bận rộn hơn trong những ngày giáp Tết vì khối lượng công việc phát sinh rất nhiều. Vất vả và khó khăn, song họ vẫn cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Ngày Xuân, tiếng chổi tre xào xạc…
5 giờ sáng những ngày cuối năm, Hà Nội vẫn còn chìm trong màn sương mù lạnh giá, tôi chợt thức giấc vì những tiếng chổi tre. Phải lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại âm thanh vừa lạ vừa quen này…

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề