Thứ bảy, 27/04/2024 04:35 (GMT+7)

Hải Phòng: Ấm áp quán cơm “5K” vì người nghèo

Khải Anh -  Thứ năm, 16/02/2023 09:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ấp ủ tâm nguyện mở quán cơm phục vụ người cơ nhỡ, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố từ những năm tháng diễn ra dịch bệnh Covid-19, nhưng phải đến hôm nay, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ở Hải Phòng mới “hiện thực hóa” được giấc mơ của mình.

Ngôi nhà số 44 giữa con phố trung tâm mang tên Nguyễn Đức Cảnh - một nhà hoạt động cách mạng, Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng mấy ngày nay bỗng nhiên nhộn nhịp, rộn ràng hơn hẳn thường ngày. 

tm-img-alt
Quán có tên giản dị là “Cơm yêu thương”

Tiếng mời chào, tiếng cười nói của chủ quán cơm và những người khách mới có, “vừa đủ quen mặt” cũng có thuộc mọi lứa tuổi, với nhiều nghề nghiệp khác nhau vang lên không ngớt.

Vừa xăm xắn đơm cơm, canh cho khách, chị chủ quán vừa vui vẻ trò chuyện với phóng viên. Chị cho biết, chị tên là Nguyễn Thị Thanh Thúy (48 tuổi, ở 44 Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng). Quán cơm 5.000 đồng của chị chính thức được “khai trương” đã 10 ngày nay, ngay trước cửa nhà riêng của chị trên con phố này.

Chị Thúy cho hay, ngày đầu mở bán, chị nấu 50 suất cơm nhưng vẫn không đủ để phục vụ nhu cầu của bà con. Không đành lòng, chị quyết định tăng lên 80 suất, rồi sau đó duy trì ổn định 100 suất cơm trưa mỗi ngày. “Tôi bàn với ông xã và các con cho tôi mở quán cơm phục vụ bữa trưa các ngày trong tuần, may mắn, được mọi người trong gia đình ủng hộ. Sợ tôi vất vả, ông xã bảo tôi nghỉ bán một ngày chủ nhật, nhưng tôi không đồng ý. Ông xã giúp tôi nấu cơm, còn các con, đi học về thì mỗi đứa một chân một tay phụ mẹ bán hàng, nên tôi không quá vất vả”, chị Thúy chia sẻ. 

tm-img-alt
Do bán mang về nên chị Thúy khuyến khích bà con mua 2 suất trở lên “cho đỡ mất công đi” 

Vậy là, mỗi sáng hàng ngày, chị Thúy đi chợ, chuẩn bị, nấu nướng… Đến 10 giờ 30’ lại cùng chồng bày cơm canh… sẵn sàng phục vụ thực khách. Theo chị Thúy, khách hàng của chị thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau như người già neo đơn, người buôn “đồng nát”…, nhưng đều có một điểm chung đó là còn khó khăn về kinh tế. “Tôi tính, với giá 5.000 đồng thì người nghèo sẽ tiết kiệm được từ 7-10 ngàn đồng/suất. Tôi không bán giá 0 đồng vì muốn khách hàng có quyền lựa chọn, được trả tiền thì họ sẽ đỡ tủi thân hơn.”, chị Thúy nêu suy nghĩ. 

Tâm sự về lý do mở quán, chị Thúy cho rằng, mỗi người có quyền chọn cho mình một niềm vui, một cách sống. Bản thân chị cũng có thể dành thời gian để mỗi sáng đi thể dục hay tập trung hơn cho gian hàng nhỏ ngoài chợ mà chị đang kinh doanh mỗi chiều. Nhưng, chị quyết định nấu cơm phục vụ bà con như một niềm vui cho mình vì chị nhận thấy vẫn còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ, nhất là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Ngày trẻ, tôi cũng là một người không có điều kiện học hết THPT. Do vậy, tôi thấu hiểu sự thiệt thòi của những người nghèo. Bây giờ, khi đã đủ khả năng nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn, tôi cảm thấy mình phải có một phần trách nhiệm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong xã hội, như một cách tri ân với cuộc đời”, chị Thúy kể lại. 

tm-img-alt
Bà Lê Thị Dân bày tỏ vui mừng khi quán được mở ra, giúp vợ chồng bà vơi bớt khó khăn trong giai đoạn này

Tuy mới mở được 10 ngày, nhưng bà Lê Thị Dân (64 tuổi, trú tại ngõ 33 Nguyễn Đức Cảnh) đã trở thành “khách quen” của quán cơm 5.000 đồng. Bà Dân cho biết, bà đang phải một mình chăm sóc người chồng bị ảnh hưởng sức khỏe bởi tai nạn giao thông hồi năm ngoái. Việc mua cơm cho 2 vợ chồng không chỉ giúp bà tiết kiệm được một khoản tiền mà còn tiết kiệm thời gian nấu bữa trưa, để bà được nghỉ ngơi và quan tâm hơn đến chồng của mình. “Tôi khoe với ông nhà tôi, có quán cơm gần nhà mới mở, giá chỉ 5.000 đồng, ông nhà tôi phấn khởi lắm. Cơm dẻo, thức ăn cũng phong phú, vợ chồng tôi ăn rất ngon miệng”, bà Dân vui vẻ nói.

Mua mang về 2 suất cơm, một chị khách khác bảo, chị cùng “đồng nghiệp” ở quê lên thành phố thuê trọ, buôn bán “đồng nát”, gửi tiền về cho gia đình. “Mấy hôm nay trời mưa rét, buôn bán, lời lãi chẳng được là bao, trong khi tiền thuê trọ, tiền sinh hoạt không thể đừng, quán cơm 5.000 đồng giúp chúng tôi đỡ chật vật hơn nhiều, chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng”, chị này cảm kích.

tm-img-alt
Các con của chị Thúy cũng ăn trưa tại chỗ để phụ mẹ bán hàng

Từ hôm mở quán, để giản tiện, cả gia đình 5 người của chị Thúy cũng ăn trưa bằng chính những món ăn mà chị nấu cho khách. Quán cơm tuy có giá chỉ 5.000 đồng/suất nhưng liên tục được đổi món, khẩu phần gồm cơm, canh, rau xào, thức ăn mặn… đủ dinh dưỡng. Nhiều người đi qua, thấy chị Thúy bán cơm từ thiện, cũng xin góp rau, góp gạo nhằm giúp chị giảm chi phí mua thực phẩm, duy trì quán cơm, phục vụ lâu dài bà con trên địa bàn thành phố./.

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Ấm áp quán cơm “5K” vì người nghèo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới